Tâm điểm
Sơn Đặng

Đảo nhiệt đô thị và nắng nóng ở TPHCM

TPHCM đang vào cao điểm nắng nóng. Sóng nhiệt nóng thật, nhưng hiện tượng đảo nhiệt đô thị mới đáng nói. Nhiệt độ không khí khoảng 35-37 độ C, cao lắm lên đến 41 độ C, song cái nóng phả từ mặt đường và công trình từ 10-16h hàng ngày như thiêu đốt ở mức 60-61 độ C.

Đảo nhiệt đô thị là sự gia tăng nhiệt không khí và bề mặt nói chung của các thành phố. Nguyên nhân chính: chính sách phát triển đô thị nhiều bất cập, xây dựng "điên cuồng" nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số đi kèm với việc tiêu diệt các mảng xanh và mặt nước, cùng với đó là việc sử dụng điều hòa bừa bãi của một bộ phận người dân.

Đảo nhiệt đô thị và nắng nóng ở TPHCM - 1

Người dân tỏ ra mệt mỏi khi lưu thông trên đường buổi trưa dưới trời nắng nóng (Ảnh: Nam Anh).

Nhiệt độ cục bộ trong đô thị tăng rất cao suốt mùa hè, sẽ ảnh hưởng một cách khó nhận thấy nhưng nghiêm trọng đến sức khỏe của các nhóm dễ tổn thương: trẻ con, người già, người có bệnh nền và người thu nhập thấp xóm nhà tôn… Đô thị lớn như TPHCM cần có các nghiên cứu sâu về sức khỏe người dân bị tác động bởi hiện tượng đảo nhiệt và đưa ra các giải pháp cải thiện môi trường sống của người dân.

Trước hết là các cấp quản lý và người dân cần xác lập ý thức giữ gìn mảng xanh đô thị. Chúng ta dễ dàng nói với nhau về vấn đề này nhưng khi "đụng" việc thực tế thì không phải bao giờ mảng xanh cũng được quan tâm đúng mức. Ví dụ, thành phố làm cầu vượt Thủ Thiêm nhưng không tính đến phương án tối ưu để giữ được hàng cây cổ thụ đường Tôn Đức Thắng; làm metro không tính đến phương án giữ hàng cây đường Lê Lợi; làm bến Bạch Đằng không chỉ chặt hạ hàng cây lâu năm, mà còn không tính phương án trồng cây mới. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người dân đi lại ở khu vực trung tâm nhiều khi cảm thấy nắng bể đầu.

Điểm qua kế hoạch xây thêm công viên trên địa bàn thành phố, thấy chủ yếu công viên ở Củ Chi - ven quận 7… Khu trung tâm hầu như không có kế hoạch mở rộng công viên - mặt nước, nhất là các quận đông dân như 1-3-4-5-8, Phú Nhuận, Gò Vấp…

Tất nhiên ở khu vực trung tâm đất vàng rất khó xoay sở, nhưng nếu muốn thì thành phố vẫn có cách đưa diện tích đất công ít ỏi còn lại thành công viên, làm các vành đai xanh vùng ven…

Đó là về tư duy quản lý, còn tư duy xây nhà của người dân cũng là nguyên nhân gia tăng đảo nhiệt đô thị. Hàng triệu ngôi nhà xây kín lô đất, nhất quyết không chừa sân trước sân sau để trồng cây che nắng và hấp bớt nhiệt lượng. Lá cây thở ra hơi nước giúp hạ nhiệt không khí xuống, nhưng nhiều người không thích vì lo phải… quét lá rụng.

Cuộc sống ngày càng bê tông hóa, cây cỏ ao hồ kênh rạch bị thu hẹp thì hậu quả nhận được là tất yếu: mùa mưa ngập lênh láng, mùa nắng nóng vỡ đầu, mùa còn lại chúng ta hít không khí bẩn. Kinh tế phát triển, thu nhập tăng lên nhưng chất lượng sống giảm sút.

Các thành phố phát triển hài hòa trên thế giới đều có tỉ lệ cây xanh đô thị ở mức 20-40m2/đầu người. TPHCM thì đang ổn định ở mức 0,5m2/đầu người, trong nhóm thấp nhất thế giới. Đi giữa thành phố những ngày này không nắng nóng gay gắt mới lạ!

Chúng ta cần thay đổi tư duy và hành động về chính sách đô thị trước hiện tượng báo động của đảo nhiệt đô thị. Chúng ta cũng cần những giải pháp nhà ở có tính đến đối lưu không khí, thoáng gió và ánh sáng, ít phải sử dụng điều hòa; tăng cường làm mái xanh, vườn trên mái và sân trồng cây.

Từng chút một tăng mảng xanh, mặt nước cho thành phố thì mùa hè sẽ bớt trở nên khủng khiếp.

Tác giả: Kiến trúc sư Sơn Đặng tốt nghiệp thạc sĩ kiến trúc Đại học Cornell (Mỹ). Anh từng làm việc tại một số công ty kiến trúc hàng đầu thế giới và hiện tại, anh Sơn đang tư vấn cho nhiều dự án quy hoạch-kiến trúc quy mô lớn ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy các tư duy thiết kế cấp tiến.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!