Vatican đối mặt với hacker và gián điệp công nghệ cao

Hacker, bọ điện tử và microphone siêu nhạy đang đe doạ thâm nhập vào thâm cung "kín cổng cao tường" của Vatican trong tuần tới, thời điểm các Hồng y giáo chủ họp bàn để bầu ra Giáo Hoàng mới.

So với thời điểm 27 năm trước đây, khi Đức giáo hoàng John Paul II được lựa chọn, các hình thức "do thám" đã trở nên hiện đại và tinh vi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, có vẻ như Vatican vẫn rất tự tin có thể bảo vệ truyền thống bí mật hàng thế kỷ nay của những phiên bỏ phiếu kín kiểu này.

Các quan chức phụ trách an ninh của Toà thánh từ chối tiết lộ chi tiết bất cứ phương pháp chống nghe lén nào sẽ ược sử dụng trong thời gian phiên họp diễn ra. Song theo Giuseppe Mazzullo, một thám tử tư có thời gian trước khi nghỉ hưu làm việc cho đơn vị cảnh sát Roma hợp tác chặt chẽ với Vatican, thì Toà thánh sẽ huy động vào cuộc cả các chuyên gia nội bộ lẫn cảnh sát Ý và những hãng bảo vệ tư nhân. "An ninh sẽ rất, rất nghiêm ngặt", Mazzullo nói. "Đánh cắp thông tin là việc cực khó, nếu không muốn nói là không thể".

Hàng ngàn phóng viên sẽ nín thở dõi theo khi 115 hồng y giáo chủ tụ họp tại Nhà thờ Sistine vào ngày 18/4 tới đây. Cùng nín thở "vểnh tai dán mắt" với họ sẽ là dân... hacker.

Có rất nhiều "động lực" hấp dẫn để "do thám" phiên họp kín lần này. Cuộc bỏ phiếu năm nay được đánh giá là rất khó dự đoán, bởi nó rơi vào giữa cuộc giao tranh giữa hai phái bảo thủ và cấp tiến. Đây cũng là lần đầu tiên người ta kỳ vọng rất nhiều vào sự "chấp chính" của một tân giáo hoàng không phải người châu Âu.

Năm 1996, Giáo hoàng John Paul từng đặt ra các điều luật cấm tuyệt đối việc sử dụng ĐTDĐ, thiết bị hỗ trợ cá nhân PDA, radio, TV, máy ghi âm và kể cả báo in để bảo vệ các hồng y giáo chủ khỏi nguy cơ "nói hớ". Việc cấm di động và PDA là một quyết định có cơ sở, bởi theo các chuyên gia an ninh, những thếit bị này có thể bị hack và sử dụng để moi "biên bản lưu" của các cuộc họp kín.

"Những kẻ nghe lén có thể truy cập vào những thiết bị này, bật microphone lên và biến chúng thành một "con bọ" bất đắc dĩ", James Atkinson, giám đốc công ty an ninh tại Massachusetts cho biết. "Nguy hiểm nhất là làm việc này... cực dễ".

Một mối lo khác của Vatican là sự rình mò từ nóc nhà của những chiếc microphone siêu nhạy. Microphone laser loại hiện đại nhất có thể bắt được những cuộc trò chuyện cách đấy... 1/4 dặm bằng cách thu lại những chấn rung trên kính cửa sổ hay các bề mặt cứng khác. Mà cửa sổ nhà thờ Sistine thì lại được đặt rất gần mái nhà. Chỉ có thể ngăn chặn những chiếc microphone laser lợi hại này bằng những tấm rèm riđô thật dày hay tăng volume của các âm thanh nền lên, khiến kẻ do thám không phân tách được nội dung trò chuyện chính.

Những mối nguy từ mái nhà còn đến từ vô số loại bọ nhỏ xíu khác: những máy ghi âm hoặc truyền tín hiệu nhỏ chỉ bằng đồng xu. Để vô hiệu hoá chúng, đội "Quét bọ"- thành lập theo lệnh năm 1996 của Giáo hoàng, sẽ cần phải dò dẫm từng mm tại các khu vực hội họp nhạy cảm, lật từng tấm thảm, cời từng đệm ghế, mở ống dẫn nhiệt, kiểm tra dây điện, bóng đèn và cả ống nước nữa. 

Nhưng ngay cả khi đã thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn "mật thám" tay trong vẫn là khó nhất. Họ có thể mang theo thiết bị nghe lén trong người, hoặc thậm chí ra tín hiệu với người bên ngoài toà thánh bằng các thông điệp mã hoá bằng... màu sắc. Sử dụng khói có màu hoặc đổ màu nhuộm xuống toilet đều có thể trở thành câu trả lời cho vấn đề tất cả mọi người quan tâm.

Theo Cầm Thi Vietnamnet