Nội dung số Việt Nam bước ra thị trường quốc tế: Cơ hội và thách thức

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Bộ phim hoạt hình nổi tiếng do Việt Nam sản xuất và sở hữu bản quyền đã chính thức được Cục PTTH quốc gia Trung Quốc cấp phép phát sóng trên các hệ thống truyền hình toàn lãnh thổ của quốc gia tỷ dân.

"Hàng Việt" có đủ sức chinh phục thị trường khó tính?

Giới trẻ tại Việt Nam không ai không biết đến những nhân vật hoạt hình anime nổi tiếng như chú mèo máy Doraemon, hay Son Goku trong bộ manga Dragon Ball. Có thể nói rằng, những hình ảnh này đã gắn liền với tuổi thơ của không biết bao nhiêu thế hệ.

Trong lĩnh vực phim truyền hình, chúng ta cũng không mấy xa lạ với các bộ phim "cộm cán" như Game of Thrones (Mỹ), nàng Dae Jang Geum (Hàn Quốc), Tây Du Ký (Trung Quốc).

Thế nhưng khi nói về nội dung số, truyền hình số Việt Nam đi ra quốc tế, chúng ta hầu như chẳng có gương mặt nào sáng giá.

Nội dung số Việt Nam bước ra thị trường quốc tế: Cơ hội và thách thức - 1

Wolfoo được sản xuất tại studio của Sconnect tại Hà Nội (Ảnh: Minh Đăng).

Mặc dù vậy, bất chấp những khó khăn và thách thức còn tồn đọng, song sản phẩm số của Việt Nam kỳ thực vẫn được đánh giá cao, thậm chí là rất cao về mặt nội dung và giá trị.

Mới đây, nhân vật Wolfoo cùng bộ phim hoạt hình "Wolfoo Happy Family đã chính thức được phê duyệt để phát sóng trên truyền hình Trung Quốc, với thời lượng 3 phút mỗi tập, tổng số tập phim là 100 tập.

Như đã biết, Trung Quốc vốn dĩ là quốc gia đông dân nhất thế giới, và cũng là đất nước có ngành công nghiệp văn hóa phát triển bậc nhất. Bởi vậy, việc một sản phẩm hoạt hình "make in Vietnam" chinh phục được thị trường này đã đánh dấu sự phát triển của ngành sản xuất nội dung hoạt hình Việt Nam nói riêng, và ngành công nghiệp sáng tạo nội dung của Việt Nam nói chung.

Bà Brie Yan, Giám đốc Tiếp thị toàn cầu của Leadjoy, đối tác chiến lược của Sconnect tại thị trường Trung Quốc, cho biết: "Trẻ em Trung Quốc rất thích bộ phim hoạt hình Wolfoo". 

Các chuyên gia đánh giá, chúng ta không hẳn là thiếu đi những giá trị, sự sáng tạo và độc đáo trong sản xuất nội dung số. Vấn đề chỉ là tìm cách phát huy và mạnh dạn hơn nữa để bước chân ra khỏi thị trường trong nước.

Vì sao sản phẩm số Việt Nam khó bước ra quốc tế?

Nội dung số Việt Nam bước ra thị trường quốc tế: Cơ hội và thách thức - 2

Nhân vật hoạt hình Wolfoo do công ty Sconnect sở hữu là nạn nhân trong vụ tranh chấp bản quyền kéo dài với nhân vật Peppa Pig (Ảnh: Sconnect).

Chia sẻ về tiềm năng của thị trường sáng tạo nội dung số tại Hội nghị "Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới" hồi tháng 2, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin - Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết lĩnh vực sáng tạo nội dung số đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam và có doanh thu khoảng 800 triệu USD vào năm 2022.

Chỉ tính riêng trên YouTube, số liệu trong năm 2022 cho biết số người Việt Nam kiếm tiền từ các nền tảng mạng xã hội lên tới 20.000 người và mang về một khoản doanh thu ngoại tệ tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng. Việt Nam hiện có gần 500 kênh YouTube đạt nút vàng (hơn 1 triệu người đăng ký) và 8 kênh đạt nút kim cương (trên 10 triệu lượt đăng ký).

Theo TS. Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, lĩnh vực sáng tạo nội dung số ở Việt Nam vốn dĩ là lĩnh vực được Nhà nước quan tâm thúc đẩy phát triển.

Dẫu vậy, hiện vẫn còn một số rào cản, vướng mắc cần được tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng còn chưa phù hợp.

Tại diễn đàn Sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số và quảng cáo số, ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA), CEO Sconnect Việt Nam, đã chỉ ra những thách thức và khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo ông, số lượng các doanh nghiệp start-up nhiều nhưng quy mô nhỏ và thời gian tồn tại ngắn. Cụ thể tính đến hết 2022, Việt Nam có khoảng 3.800 start-up, đứng thứ 54 trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, nhưng chỉ 50% startup tồn tại sau 5 năm hoạt động.

Nội dung số Việt Nam bước ra thị trường quốc tế: Cơ hội và thách thức - 3

Ông Tạ Mạnh Hoàng, CEO Sconnect cho rằng nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt vẫn phải "vừa làm vừa mò mẫm", và thường gặp phải những trở ngại lớn về vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Điều đó dẫn tới thực trạng Việt Nam thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao với vai trò là tổng công trình sư, đủ tầm nhìn thiết kế sản phẩm một cách toàn diện - đa dòng, đa mảng như mô hình sản phẩm 360 của Nhật - Hàn - Mỹ.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dùng sản phẩm nội dung số chưa cao, dễ bị lôi kéo vào các sản phẩm tiêu cực không mang nhiều giá trị, chưa tôn trọng bản quyền.

Ngoài ra, việc thiếu đi hành lang pháp lý để bảo vệ và nâng cao vị thế của các doanh nghiệp trên trường quốc tế, chưa có các phương án bảo vệ trước tranh chấp có thể xảy ra, cũng là một yếu tố góp phần kiềm nén sức bật của doanh nghiệp trong lĩnh vực nội dung số.