National Geographic ngừng phát sóng tại Việt Nam và khoảng trống khó lấp

Nam Đoàn

(Dân trí) - National Geographic cùng hai kênh khác là Nat Geo Wild và Baby TV ngừng phát sóng ở Việt Nam từ 1/10, khiến nhiều người đặt câu hỏi ai sẽ bước vào lấp đầy khoảng trống từ gã khổng lồ truyền thông này?

National Geographic ngừng phát sóng tại Việt Nam và khoảng trống khó lấp - 1

National Geographic đã gắn bó với nhiều người Việt Nam trong hàng chục năm qua (Ảnh minh họa: ED).

Cách đây vài ngày, người dùng một số dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước đã không thể truy cập các kênh trên hoặc được thông báo "gián đoạn vì lý do kỹ thuật".

Đến 1/10, tín hiệu của cả ba kênh đều không còn trên toàn bộ dịch vụ tại Việt Nam.

Động thái này khiến bối cảnh truyền thông khu vực rơi vào tình trạng thay đổi liên tục khi National Geographic quen thuộc với khán giả Việt Nam trong hàng chục năm qua, đây là kênh chuyên về các nội dung khoa học, khám phá, thiên nhiên…

Những lý do đằng sau quyết định này vẫn chưa được tiết lộ đầy đủ. Sự dừng lại đột ngột của National Geographic, có thể để lại một khoảng trống vẫn chưa được lấp đầy, liên quan đến việc giáo dục kiến thức khoa học cho người xem, đặc biệt là các em học sinh. 

Nhiều giả thuyết được đưa ra nhằm lý giải việc kênh truyền thông này dừng phát sóng tại Việt Nam, nó có thể liên quan đến vấn đề kinh tế do số lượng người xem tại Việt Nam giảm hoặc doanh thu quảng cáo kém.

Một số nguyên nhân khác, cho rằng đây có thể là một quyết định chiến lược nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng, các phương tiện truyền thông đang thay đổi, ngày càng có nhiều người xem lựa chọn nền tảng kỹ thuật số thay vì phát sóng trên truyền hình truyền thống.

Cơ hội cho các đài truyền hình trong nước

National Geographic từ lâu được đánh giá cao nhờ các bộ phim tài liệu và chương trình chất lượng cao bao gồm nhiều chủ đề, từ động vật hoang dã, lịch sử tự nhiên đến khám phá khoa học và văn hóa.

National Geographic ngừng phát sóng tại Việt Nam và khoảng trống khó lấp - 2

National Geographic có nhiều thước phim đặc sắc liên quan đến thiên nhiên trên thế giới (Ảnh minh họa: CNN).

Những chương trình này không chỉ mang tính giải trí mà còn mang tính giáo dục cho người xem tại Việt Nam, khơi dậy sự quan tâm kiến thức trong các lĩnh vực này.

Việc thiếu những nội dung như vậy có thể dẫn đến giảm mức độ tương tác của người xem, đặc biệt là ở những khán giả trẻ tuổi, vốn chiếm một phần đáng kể trong dữ liệu người xem của National Geographic. 

Bên cạnh đó, nó có thể tác động rộng hơn đến bối cảnh truyền thông trong nước, đặt ra câu hỏi làm thế nào khoảng trống từ gã khổng lồ này trong vấn đề giáo dục sẽ được lấp đầy và do ai. 

Sự kiện này cũng thúc đẩy sự phát triển của ngành truyền thông trong nước, các đài truyền hình có thể sẽ sản xuất nhiều nội dung giáo dục khám phá khoa học hơn hay mở ra cơ hội cho các đài truyền hình quốc tế khác thâm nhập, tăng sự hiện diện của họ tại thị trường Việt Nam.

Điều này sẽ mang lại nhiều nội dung đa dạng hơn cho người xem, nhưng cũng làm tăng sự cạnh tranh giữa các đài truyền hình.

Dấu hiệu của thời thế đang thay đổi?

Quyết định ngừng phát sóng tại Việt Nam của National Geographic có thể được coi là dấu hiệu cho thấy thời thế đang thay đổi trong ngành truyền thông. 

Sự phát triển của nền tảng kỹ thuật số đã thay đổi đáng kể, cách mọi người sử dụng phương tiện truyền thông, với sự chuyển hướng sang tiêu dùng nội dung theo yêu cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh xu hướng số hóa đặc biệt rõ rệt ở Đông Nam Á, nơi tỷ lệ thâm nhập internet cao.

Do đó, các đài truyền hình truyền thống như National Geographic có thể ngày càng gặp nhiều thách thức khi cạnh tranh ở những thị trường như vậy.

Quyết định dừng hoạt động tại Việt Nam có thể là một động thái chiến lược để gã khổng lồ truyền thông tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có lợi tức đầu tư cao hơn, chẳng hạn như nền tảng kỹ thuật số.

National Geographic dừng phát sóng tại Việt Nam, đánh dấu sự kết thúc một kỷ nguyên đối với nhiều khán giả đã lớn lên cùng các chương trình giàu thông tin và hấp dẫn về thế giới tự nhiên.

Vậy tới đây, ai sẽ bước vào để lấp đầy khoảng trống mà gã khổng lồ truyền thông này để lại?