Bó tay với ADSL?

Cũng như điện thoại di động, năm vừa qua là năm bùng nổ dịch vụ Internet băng thông rộng (ADSL) nhưng cũng là năm khách hàng kêu ca, phàn nàn nhiều nhất về chất lượng dịch vụ.

Nhà cung cấp cho rằng ADSL là dịch vụ không quy định phải cam kết chất lượng, còn cơ quan quản lý nhà nước bảo chưa đủ cơ sở pháp lý để quản lý. Cuối cùng, lại vẫn là khách hàng chịu thiệt.

Xuất hiện tại VN từ tháng 5/2003, từ chỗ được xem là dịch vụ xa xỉ, đến nay cả nước đã có 170.000 thuê bao ADSL. Con số này còn khá khiêm tốn nếu biết tổng số thuê bao Internet là 2,37 triệu.

Nhưng sự phát triển thuê bao mới ồ ạt trong năm 2005 cùng với những thời điểm hai nhà cung cấp lớn nhất (VDC, FPT) không đáp ứng nổi nhu cầu đã báo hiệu một thị trường tiềm năng trong tương lai. Trong khi đó, Viettel xác định năm 2005 là năm trọng điểm phát triển ADSL và trên thực tế đã đạt tỉ lệ phát triển thuê bao khá nhanh với tốc độ phát triển 150 - 200 thuê bao/ngày.

Sự bùng nổ của thị trường ADSL trong năm 2005 là điều đã được dự đoán nhưng các nhà cung cấp dịch vụ lại khá chậm chạp trong việc nâng cấp chất lượng. Đã có quá nhiều phàn nàn của khách hàng về chất lượng ADSL song nhà cung cấp nào cũng vẫn nói hay về dịch vụ của mình.

FPT quảng cáo: “Bạn sẽ không phải ngồi đợi hàng giờ đồng hồ để tải về các tập tin, thư điện tử có kích thước lớn hay xem các trang web trên mạng Internet. Mọi thứ sẽ trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn so với hình thức kết nối Internet truyền thống qua đường dây điện thoại”.

VDC khẳng định: “ADSL vượt trội các hình thức truy cập Internet gián tiếp thông thường ở mọi khía cạnh”. Viettel khiêm tốn hơn: “Đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn ngành”.

Trên thực tế thì sao?

Ông Quách Tuấn Ngọc - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục - đào tạo), đơn vị khách hàng lớn nhất sử dụng dịch vụ ADSL của VDC - thất vọng: “Hồi mới có dịch vụ thì tốt, nay cứ vào giờ cao điểm là rất chậm”.

Ông Nghiêm Xuân Tịnh, phó giám đốc VDC, thừa nhận: “Đúng là khách hàng nhiều thì chất lượng dịch vụ có giảm. Chúng tôi cũng bị kêu nhiều vì không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng”. Mặc dù biết như vậy nhưng chẳng doanh nghiệp nào chịu ngừng cung cấp dịch vụ khi khả năng phục vụ đã quá tải.

Trong tình trạng chất lượng phập phù ấy, khách hàng lại càng "rầu" hơn khi các nhà cung cấp áp dụng những chiêu kỹ thuật để “chơi” khách hàng của nhau. Tình trạng thuê bao ADSL của VDC không thể sử dụng được các dịch vụ gia tăng trên Internet do FPT cung cấp và tình trạng ngược lại không phải là chuyện hiếm.

Ông Tịnh thừa nhận có tình trạng đó nhưng không thẳng thắn trong việc giải thích nguyên nhân, chỉ nói đơn giản rằng “không biết FPT làm thế nào, còn VDC không khóa”.

Buồn hơn nữa là trong tình cảnh đó, Bộ Bưu chính - viễn thông lại tỏ ra bất lực trước việc quản lý ADSL. Ông Phạm Hồng Hải, vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ Bưu chính - Viễn thông, cho biết do không nằm trong danh mục dịch vụ cần quản lý chất lượng nên dù đưa ra tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng khi cung cấp dịch vụ nhưng các doanh nghiệp hầu như không tôn trọng theo những qui định của bộ.

Hằng tháng, doanh nghiệp phải báo cáo với bộ tình trạng khiếu nại của khách hàng về chất lượng dịch vụ nhưng các doanh nghiệp lại cố tình lờ đi động tác này. Trong khi đó, do không thể thường xuyên tiến hành kiểm tra chất lượng dịch vụ nên Bộ Bưu chính - Viễn thông chẳng thể đưa ra được đánh giá chính xác về chất lượng dịch vụ ngoài việc theo dõi phản ánh của báo chí.

Rất may là Bộ cũng nhận ra chuyện này và đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng đưa ADSL vào danh mục dịch vụ cần quản lý chất lượng. Ông Hải cho biết nếu ADSL được đưa vào danh mục này, Bộ Bưu chính - Viễn thông sẽ có cơ sở hơn để kiểm tra chất lượng dịch vụ, xử phạt doanh nghiệp.

Theo Khiết Hưng

Tuổi trẻ