Biến nước thải và dầu máy thành... nước lọc

Khoát tay vào làn nước trong vắt trong bể cuối thuộc hệ thống xử lý nước thải của Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng, Kỹ sư Võ Hà Thành nói: "Nước này trong lắm, không hề có mùi gì cả, hoàn toàn đạt tiêu chuẩn nước thải công nghiệp loại B".

Vục tay lấy nước lên thử theo anh Thành, quả điều anh nói là đúng, nước sau xử lý trong vắt, không mùi. Điều đó đã được xác nhận tại tờ phiếu kiểm tra ngày 17/3/2005 của Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ (thuộc Sở KH-CN Đà Nẵng), công nhận mẫu nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn loại B. Theo tiêu chuẩn Việt Nam số 5945-1995, để đạt tiêu chuẩn nước thải loại B, hàm lượng chất cặn trong nước trong 1 lít nước cho phép là 1mg, nhưng mẫu lấy tại Xí nghiệp đã không phát hiện được chất cặn.

Đây là cơ sở đầu tiên của ngành Đường sắt đưa ứng dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến vào sản xuất. Và đặc biệt, hệ thống xử lý nước thải ở đây do một cơ sở của Việt Nam sản xuất, với chi phí chỉ bằng 1/3 so với thiết bị nhập khẩu của nước ngoài.

Hàng trăm lít dầu mỡ đổ ra cống thành phố mỗi tháng

Anh Thành cho biết, Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng là đơn vị thuộc Công ty Vận tải hành khách Hà Nội, nằm ngay cạnh Ga Đà Nẵng, giữa trung tâm thành phố. Hàng ngày, có từ 8 đến 10 đầu máy tàu hoả được tu sửa, bảo dưỡng tại xí nghiệp. Để sửa chữa một chi tiết máy, trước tiên phải làm sạch. Các công nhân phải dùng máy bơm nước với áp lực lớn, trong đó có pha hoá chất để tẩy rửa dầu mỡ, dầu máy. Do đó, các chất thải công nghiệp đổ ra hệ thống nước thải rất nhiều. Theo nghiên cứu trước đây, mỗi ngày xí nghiệp dùng hết 30 lít nước để vệ sinh chi tiết máy.

Nước mưa cũng là một con đường mang dầu mỡ rơi rớt quanh xí nghiệp, trên đường ray ra hệ thống thoát nước. Lượng mưa bình quân trong khu vực xí nghiệp mỗi năm là khoảng 370 m3/năm. Nước mưa mang theo dầu máy, hoá chất xuống hệ thống rãnh thoát nước để cuối cùng đưa ra cống nước thải.

Tổng lượng hoá chất xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng thải ra hàng ngày lên tới 41 lít dầu diesel, 40 lít dầu máy. Ngoài ra, mỗi tháng xí nghiệp còn thải ra môi trường 20 lít a-xít (dùng để tẩy rửa), 350 kg mỡ, 100 lít xăng, 5 kg sơn và dung môi. Bảng số liệu khiến tôi ghê cả người, vì xí nghiệp nằm ngay trong thành phố đông đúc. Theo anh Thành, riêng lượng dầu máy thoát ra hệ thống cống thành phố, hàng ngày người dân hớt được đã kiếm được một khoản tiền kha khá khi bán cho các cơ sở nấu bún để đốt lò.

Ngoài ra, do nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gần 700 cán bộ công nhân viên, mỗi ngày xí nghiệp cũng thải ra đến 44 m3 nước thải sinh hoạt khác. "Ai cũng biết là lượng chất thải này là nguồn gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Nhưng vấn đề quan trọng nhất mà các cơ sở như của chúng tôi gặp phải, đó là không có tiền. May mà có sự viện trợ của CHLB Đức" - anh Đoàn Minh Phương, Phó Giám đốc xí nghiệp cho biết.

Sản phẩm từ trí tuệ Việt Nam

Năm 2002, Đức viện trợ cho xí nghiệp kinh phí khôi phục 15 đầu máy D11H do Rumani sản xuất. Cùng với đó, phía bạn yêu cầu ta phải có các biện pháp bảo vệ môi trường, không để chất thải từ quá trình sản xuất gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh, nhất là khi xí nghiệp đóng giữa một thành phố lớn. Số tiền đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải lên tới 232.700 euro, theo mức giá tháng 11/2002 (khoảng 4,7 tỷ đồng, theo tỷ giá hiện nay).

Để thực hiện dự án này, chính phủ Đức giao cho công ty Holdtrade GmbH làm nhà thầu. Và sau quá trình nghiên cứu, xét thầu nghiêm ngặt, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới Môi trường (Vittep) đã vượt qua các đơn vị nước ngoài được lựa chọn nhờ cam kết về chất lượng mà chi phí lại thấp. Nhà thầu phụ đảm nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng như đường cống, bể nước là Công ty Xây dựng số 7 Đà Nẵng.

Dẫn tôi tham quan hệ thống xử lý nước, kỹ sư Thành chỉ dẫn: "Ở đây có hai hệ thống chứa nước thải khác nhau. Nước mưa sẽ đem theo dầu mỡ từ sân bãi xuống một bể, cùng với nước được gom sau khi vệ sinh các thiết bị trong nhà xưởng. Nước thải sinh hoạt được đưa xuống một bể riêng, lắng cặn để lọc bỏ và định kỳ 120 phút một lần, bơm lên bể xử lý".

"Mấu chốt của hệ thống là việc lọc dầu mỡ sau khi đã gom phần nước thải công nghiệp", anh Thành giải thích rõ. "Vittep đã thiết kế các bể thu dầu thông qua các bình tràn có vách ngăn, áp dụng quy tắc bình thông nhau. Khi nước thải từ xưởng đổ vào dâng lên đến miệng vách, do dầu nổi lên trên sẽ tràn vào bể chứa dầu riêng. Sau ba lần lọc như vậy, gần như dầu mỡ đã tách hẳn khỏi nước".

"Từ hai bể này, nước thải tiếp tục được bơm vào bể xử lý. Đối với nước thải sinh hoạt đã lắng cặn, sẽ đưa vào bể chứa các vi sinh vật ăn chất hữu cơ. Nước trong bể này được sục qua các ống để tăng diện tích tiếp xúc với các vi sinh vật. Nếu phát hiện vẫn còn chất cặn và bùn, nước từ đây lại được tự động bơm về bể lắng để lọc lại lần nữa.

Đối với nước thải công nghiệp, sau khi lọc riêng, váng dầu sẽ được đưa vào thiết bị để tách dầu, cũng bằng bình tràn có vách ngăn. Qua quy trình này, nếu phát hiện còn dầu, hệ thống sẽ tự động bơm nước về bể xứ lý để gạt váng lại. Sau quá trình này, nước được lắng lần cuối, rồi sục khí clorin trong 120 phút để khử mùi trước khi xả ra hệ thống nước thải của thành phố".

"Và đây là kết quả", anh Thành kết thúc bài thuyết minh bằng bàn tay khoả trong miệng bể thăm nước chỉ kích cỡ 20 x 20 cm. Nước dâng lên đến nửa chừng sẽ tự động theo đường ống nhựa thoát ra ngoài. "Nếu múc nước này bỏ vào chai nhựa đặt lên bàn, dễ uống nhầm lắm", anh đùa.

Hiệu quả vì con người

Quá trình thi công hệ thống được đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt của công ty Hà Lan Chuchawal - De Water Int Ltd. "Họ giám sát ngiêm lắm, thi không không đảm bảo bắt dỡ ra làm lại ngay", anh Thành cho biết và bổ sung thêm: "Sau 1 năm vận hành, tháng 11/2004, Vittep quay lại làm thủ tục chấm dứt bảo hành, và chúng tôi đã công nhận không hề có trục trặc nào xảy ra. Thỉnh thoảng, chỉ cần thay dây curoa máy bơm, vì máy chạy suốt ngày, dây cao su bị rão".

Hiện chỉ cần 1 cán bộ kỹ thuật trực tại trạm điều hành, công việc khá đơn giản vì mọi công đoạn đều được tự động hoá hết, chỉ cần điều khiển các nút tắt, mở máy bơm thôi. "Nước thải thì sạch, môi trường cho nhân dân quanh vùng được đảm bảo, mà mình lại thu được hàng chục lít dầu máy mỗi ngày, các lò nấu thép vẫn đến đây mua lại đấy", anh Thành kể thêm về "tác dụng" của công nghệ sạch này.

Tổng Giám đốc TCT Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Bàng, khi tham quan hệ thống xử lý nước thải tại xí nghiệp, đã hết sức tự hào và nhắc nhở các cán bộ, công nhân đơn vị lưu ý đảm bảo chất lượng công trình, vì đây sẽ là tiêu điểm áp dụng trong các cơ sở công nghiệp của ngành hiện đang còn đóng trong các thành phố.

Hiện tại Đà Nẵng, mới chỉ có một vài đơn vị đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải như tại Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện C. Rời xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng, tôi chỉ mong rằng mai đây, những dòng nước chảy ra từ các nhà máy, xí nghiệp sẽ cũng trong lành như tại xí nghiệp này. Mong rằng những nhà máy mới xây dựng, dù không nằm trong khu dân cư, cũng sẽ quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường để chuẩn bị kinh phí đầu tư, không để "bên Tây" họ cứ lo hộ mãi về môi trường cho chúng ta.

Tiên Long (Theo VnMedia)