1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Thuốc quý trong món ăn Tết

Không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa cổ truyền, những món ăn trong ngày Tết Nguyên đán như xôi gấc, dưa hành, chè kho... còn là vị thuốc quý giúp chúng ta phòng chống bệnh.

Món xôi gấc

 

Tết đến, trên mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên luôn có đĩa xôi gấc. Người Việt coi màu đỏ của xôi gấc là màu của may mắn, màu của hạnh phúc, màu của chiến thắng... Xôi gấc thơm, béo và giàu dinh dưỡng. Các nhà y dược học đã dùng dầu gấc để phòng và chữa chứng khô mắt, mờ mắt, quáng gà... Dầu gấc chứa bêta-caroten (tiền vitamin A) nên có nhiều ưu điểm trong phòng thiếu vitamin A cho trẻ em.

 

Caroten là chất chống ôxy hóa rất mạnh được dùng để ngăn chặn tình trạng lão hóa tế bào, lão hóa cơ thể, giúp con người luôn khỏe mạnh và tươi trẻ. Nó ngăn chặn các bệnh tim mạch, chứng đột quỵ, bệnh ung thư phổi, thực quản, dạ dày và gan mật.

 

Các caroteroid có trong dầu gấc giữ chức năng sinh học rất quan trọng trong quá trình phát triển của cơ thể, giúp phát triển thính giác, thị giác, vị giác, tăng cường trao đổi thông tin trong phát triển tế bào, đáp ứng miễn dịch, tăng sự sinh sản và tạo tinh trùng.

 

Hạt thảo quả trong món chè kho

 

Chè kho làm tăng thêm hương vị của miếng bánh chưng ngày Tết. Nguyên liệu để nấu chè kho ngoài đậu xanh, đường kính và vừng trắng ra, không thể thiếu thảo quả. Ngoài tác dụng làm gia vị, thảo quả còn là một cây thuốc quý. Bộ phận được dùng làm thuốc là hạt.

 

Theo Đông y, thảo quả vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng trục hàn, trừ đờm, ấm bụng, tiêu tích, giúp ăn ngon miệng. Trong nhân dân ta, thảo quả chủ yếu dùng để làm thuốc kích thích tiêu hóa, chữa nôn mửa, ngực bụng trướng đau, ho, sốt, tiêu chảy. Liều dùng mỗi ngày 3 g, tán bột uống.

 

Dưa hành

 

Dưa hành là món ăn truyền thống có tác dụng kích thích tiêu hóa tốt. Nó là hành được muối thành dưa qua các công đoạn sinh hóa đơn giản với nồng độ muối và chất chua phù hợp để hành lên men trong nước. Hành để muối dưa thông thường là loại hành ta, củ vừa phải; có thể thêm các loại củ quả khác như cà rốt, su hào...

 

Theo y học cổ truyền, hành có tác dụng chữa cảm lạnh, chữa sẹo lồi, đầy hơi, giúp tăng cường chức năng của dạ dày và lách. Y học hiện đại đã chứng minh hành có thể giúp tiêu diệt hơn 100 loại vi khuẩn có hại trong cơ thể, ngăn ngừa bệnh cúm, các bệnh đường ruột và một số bệnh khác có hiệu quả tốt.

 

Hạt dưa, hạt bí 

 

Thuốc quý trong món ăn Tết - 1
 

 

 

Các nhà dinh dưỡng học nghiên cứu cho thấy, hạt dưa chứa nhiều chất dinh dưỡng như protid, glucid, lipid, vitamin B1, B2, E, PP, calci, sắt, kẽm, phốt pho, selen... Trong đó protid của hạt dưa là chất đạm không thể thiếu cho thần kinh; cơ bắp; huyết dịch; nội tạng; xương khớp. Chất glucid trong hạt dưa là thành phần chính cấu tạo tế bào và thần kinh, tất cả tế bào và tổ chức thần kinh của cơ thể đều có chứa glucid. Ngoài ra, những chất dinh dưỡng khác cũng là những chất đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

 

Nghiên cứu cho thấy, thường ăn hạt dưa giúp tăng cường trí nhớ, nâng cao chức năng não-thần kinh, nhanh chóng phục hồi sức hoạt động của tế bào não. Ngoài ra, chất béo trong hạt dưa, phần nhiều là acid béo không bão hòa, nếu thường ăn hạt dưa sẽ giúp ích trong việc phòng ngừa xơ cứng động mạch, bệnh mạch vành, chứng cao mỡ máu...

 

Hạt dưa vị ngọt, tính bình. Y học cổ truyền cho rằng hạt dưa đạt hiệu quả thanh phế nhuận táo (thanh nhiệt phổi chống ráo), hóa đàm hòa trung (tan đàm điều hòa hệ tiêu hóa). Cho nên, người bị ho do phổi nóng; đàm nhiều; ăn uống kém, nên thường dùng. Về liều lượng, không nên dùng nhiều, thường mỗi ngày dùng một lần, mỗi lần khoảng 25g.

 

Mứt gừng

 

Gừng chứa nhiều sinh tố và chất dinh dưỡng như protid, lipid, chất xơ, bêta-caroten, vitamin B1, B2, PP, C, còn chứa calci, sắt, kẽm, phốt pho, selen... đều là những chất không thể thiếu cho cơ thể. Y học cổ truyền cho biết gừng có tính ấm, vị cay. Có tác dụng cầm nôn, tiêu đàm, ra mồ hôi, sát trùng.

 

Gừng sống và chín đều có tác dụng làm ấm dạ dày, chống nôn thấy rõ. Bất kể những chứng dạ dày hàn lạnh dẫn đến buồn nôn tức ngực, ngực bụng căng tức, chán ăn... đều có thể dùng. Người bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng có thể dùng làm món ăn hỗ trợ.

 

Nước gừng trì hoãn độc tính khi bị ngộ độc thuốc. Tác dụng thứ hai là tiêu đàm trị ho suyễn. Tác dụng thứ ba là giải độc sát trùng, người bệnh lỵ trực trùng, ký sinh trùng đường ruột, sốt rét... đều có thể dùng như món ăn hỗ trợ. Tác dụng thứ tư của gừng là giúp ra mồ hôi giải cảm.

 

Gừng tươi sắc uống trị cảm mạo do lạnh, cũng như trị đau lưng gối do phong thấp.

 

Gừng mang lại nhiều lợi ích, nhưng không nên dùng nhiều, nhất là những ai có bệnh nóng, mỗi ngày dùng 1-2 lần, mỗi lần 4-5 lát.

 

Hạt sen

 

Còn gọi là liên tử, vị ngọt, chát, tính bình. Người xưa đã biết hạt sen có tác dụng bổ tâm và thận, thích hợp dùng làm món ăn “thực dưỡng” trong các trường hợp người mất ngủ, mộng nhiều, hồi hộp bất an, di tinh, phụ nữ bạch đới, tiêu chảy do chức năng tiêu hóa bị rối loạn...

 

Các nhà chuyên môn phân tích cho thấy hạt sen giàu chất dinh dưỡng: mỗi 100 g hạt sen chứa 2,8 g protid, 0,5 g lipid, 0,7 mg chất xơ, 46,2 g glucid, vitamin B1: 0,04 mg; B2: 0,09 mg, PP: 1,5 mg, 24 mg calci, 133 mg phốt pho, đều là những thứ cần cho nhu cầu của cơ thể.

 

Thường ăn hạt sen có tác dụng giảm cảm xúc căng thẳng, trấn an giúp dễ đi vào giấc ngủ. 

Theo Sức khỏe đời sống & Người lao động

Dòng sự kiện: Thuốc từ quả