1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Phòng tai nạn thương tích khi đi du lịch

(Dân trí) - Không chỉ trẻ em mà người lớn đều háo hức với những chuyến du lịch, nghỉ lễ. Để chuyến đi trọn vẹn cần hết sức chú ý, phòng tránh những tai nạn thương tích có thể xảy ra trong chuyến đi.

Tai nạn sinh hoạt

Chuyến đi Phú Quốc cuối tháng 3/2013 trở thành chuyến đi ghi dấu ấn xấu nhất của gia đình chị Nguyễn Bình Phương (Kim Mã, Hà Nội). Chưa kịp tận hưởng không khí mát lành của đảo ngọc, cô nhóc hai tuổi nhà chị đã bị tai nạn và phải khâu ba mũi tại bệnh viện Phú Quốc.
 
Hãy chú ý để chuyến đi du lịch của cả nhà được an toàn.
Hãy chú ý để chuyến đi du lịch của cả nhà được an toàn.

“Con đang cầm cốc thủy tinh uống nước, rồi lại đòi ngồi bô. Mình không để ý nên cứ vậy bế con lên. Chiếc cốc tuột khỏi tay bé, rơi xuống nền gạch, mẹ không bị sao nhưng mảnh thủy tinh đã đâm vào chân con, máu túa ra không thể cầm được. Hai vợ chồng vội vàng ôm con đến viện. Con khóc ngất khi bị khâu 3 mũi và từ đó đến hết cả chuyến đi, luôn phải bế con trên tay, bé không thể tự đi, chơi đùa”, chị Phương nhớ lại.

Chị Phương chia sẻ, chị chưa từng nghĩ có tình huống con mình phải đến bệnh viện cấp cứu khi đang đi du lịch.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), những tình huống tai nạn sinh hoạt trong khi đi du lịch rất hay gặp phải. Bản thân ông cũng từng tư vấn cho nhiều trường hợp, khi thì bị kẹt tay do đóng cửa mạnh, ngã từ giường xuống đất khi trẻ đùa nghịch nhau…

Vì thế, cần hết sức để mắt đến trẻ, những tai nạn sinh hoạt nhiều khi không để lại hậu quả quá lớn nhưng để lại tâm lý nặng nề cho cha mẹ, khiến chuyến đi chơi không còn trọn vẹn.

Phòng đuối nước

Ở các khu du lịch biển, hầu như năm nào cũng xảy ra tai nạn đuối nước ở cả người lớn và trẻ em. Nhiều người lớn chủ quan, bơi ra biển một mình vào sáng sớm, tắm biển ban đêm nên khi xảy ra tai nạn thường không được cấp cứu kịp thời, chỉ đến khi xảy ra hậu quả, không thấy người thân trở về thì mới phát hiện đã gặp nạn trên biển.

Vì thế, để phòng đuối nước ở cả người lớn và trẻ em, tuyệt đối không được chủ quan ngay cả khi biết bơi, bơi giỏi.

“Nhiều người Việt, cứ ra đến biển là lao ầm ngay xuống mà quên mất khâu khởi động rất quan trọng để phòng chuột rút. Bài khởi động chỉ 5 - 7 phút ngắn ngủi nhưng ít người đủ kiên nhẫn làm nhưng thực tế, nó rất có giá trị, giúp làm nóng cơ thể trước khi xuống nước lạnh, phòng ngừa được nguy cơ chuột rút. Vì thế, người lớn hãy luôn là gương cho trẻ, vận động trước khi xuống nước để trẻ học được thói quen tốt này”, TS Dũng khuyên.

Ngộ độc thực phẩm

Ăn uống là điều cần tuyệt đối lưu tâm vì khi đi du lịch, gia đình ăn hoàn toàn bên ngoài, phó thác toàn bộ sự an toàn của mình cho hàng quán. Nguy cơ càng tăng cao hơn ở trẻ nhỏ do sức đề kháng kém. Cùng một bữa ăn với nguồn thực phẩm như nhau, cùng bát đũa… nhưng người lớn có thể không sao, trẻ nhỏ lại bị tiêu chảy.

Vì thế, với trẻ nhỏ đang ăn cháo bột, đồ ăn của trẻ nên được chế biến sẵn. Như với trẻ nhỏ đang ăn bột, việc thay bé bột mặn bằng vài ba ngày một ngọt không ảnh hưởng gì tới dinh dưỡng của trẻ, lại an toàn và tiện lợi trong những ngày du lịch.

Đi du lịch khỏi vùng miền nơi mình sinh sống, ai cũng có tâm trạng háo hức được thưởng thức món đặc sản nơi mình đến. Nhưng hãy cẩn trọng, món đặc sản dù rất phổ biến ở địa phương đó, mọi người ăn an toàn nhưng rơi vào mình lại có chuyện. Bởi bộ tiêu hóa của mình chưa từng tiếp nhận nguồn thực phẩm lạ đó. Vì thế, với món ăn mới, ngay cả người lớn cũng chỉ nên thử một tí. Sau một ngày thấy ổn thì hôm sau có thể gọi ăn tiếp. Và với con trẻ thì càng phải thận trọng hơn”, TS Dũng cảnh báo.

Tú Anh