Lạnh bụng, lạnh người là bệnh

Vật bất ly thân của chị Minh Trang là dụng cụ chườm ấm bụng, nếu không bụng luôn có cảm giác lạnh lẽo. Còn chị Hằng thì thường xuyên nổi gai ốc kể từ sau sinh. Đa số chị em cho rằng, do sinh đẻ không kiêng cữ nên họ dễ bị lạnh. Điều này có đúng?

 

Lạnh bụng, lạnh người là bệnh - 1

Bị lạnh hơn bình thường có thể là huyết áp thấp
 

Đa dạng lạnh

 

Chị Minh Trang nói về tình trạng luôn cảm thấy lạnh của mình: "Bị yếu đường ruột từ bé, khi lớn lên, tôi trở thành người kén ăn, vì chỉ cần ăn món nào hơi lạ là bị "Tào Tháo" rượt ngay, kể cả ăn rau sống rửa rất sạch. Vật bất ly thân của tôi là dụng cụ chườm ấm bụng, nếu không, bụng luôn có cảm giác lạnh lẽo. Đi công tác, người ta lo quần áo vật dụng cá nhân, còn tôi thì đồ chườm bụng, bình thủy đựng trà... Chưa hết, chỉ cần thời tiết thay đổi là tôi nhức đầu chóng mặt, lạnh hết cả người". Cùng bệnh với chị Trang, chị Hằng cho rằng, do không giữ ấm kỹ sau khi sinh nên chỉ cần lạnh một chút là chị nổi gai ốc.

 

Buổi tối, nếu chồng con mở máy lạnh là chị Minh Như không chịu nổi! Nếu không muốn bị cảm lạnh, ho thì chị phải đi vớ, mặc áo lạnh. Người ốm, thiếu mỡ cảm thấy lạnh đã đành, người “dầy cơm” tròn trịa, phốp pháp như chị Lan cũng bị lạnh. Vào quán ăn, mọi người dõng dạc gọi trà đá thì chị nhẹ nhàng xin một ly trà nóng. Chị cho biết: “Coi tôi to con vậy nhưng chỉ là “phồn vinh giả tạo”, người yếu xìu, da tôi lạnh ngắt, tay chân cũng lạnh. Có cô bạn giới thiệu cho tôi bài thuốc Đông y Bát vị quế phụ giúp làm ấm cơ thể, không biết có nên dùng không?”.

 

Cần điều trị nguyên nhân

 

Có nhiều nguyên nhân gây ớn lạnh, dù thời tiết nóng bức như: huyết áp thấp, suy nhược cơ thể, cao tuổi... Về huyết áp, bác sĩ Lương Lễ Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp TPHCM, thực hiện mô hình thống kê khám sức khỏe và phát hiện: nhiều phụ nữ trẻ có huyết áp quá thấp. Nếu cứ nghĩ huyết áp tăng mới nguy hiểm thì không đúng. Huyết áp thấp không có thuốc đặc hiệu để điều trị như huyết áp cao. Vì thế, tại phòng cấp cứu, số người huyết áp thấp bị nhồi máu cơ tim, đứt mạch máu cao gấp đôi số người cao huyết áp. Huyết áp thấp dễ gây chóng mặt, nhức đầu, không thể làm những việc cần suy nghĩ lâu, mau mệt. Dấu hiệu dễ nhận biết huyết áp thấp là: Nắng Sài gòn, em đi mà... lạnh toát! Lạnh này không liên quan đến nhiệt độ mà do thiếu máu.

 

Đông y đã sớm phát hiện ra thể chất của mỗi người không giống nhau. Người mạnh khỏe là người trong cơ thể có được sự cân bằng âm - dương. Những người âm thịnh, dương suy luôn cảm thấy lạnh. Nguyên nhân: lượng máu trong cơ thể tuần hoàn không tốt. Sự yếu kém của hệ tuần hoàn làm suy yếu các cơ quan khác như hệ tiêu hóa, thận, hệ thống miễn dịch. Họ không chỉ cảm thấy lạnh mà còn dễ bị các bệnh về cơ - xương - khớp. Xem ra, y học dù Đông hay Tây vẫn có chung quan điểm về nguyên nhân khiến người bệnh lúc nào cũng lạnh. Tuy nhiên, nếu cảm thấy lạnh mà uống Bát vị quế phụ là chưa đúng. Đây là vị thuốc điều trị các triệu chứng đau lưng, mỏi gối, lạnh lưng, lạnh chân, thường đi tiểu vào sáng sớm, nước tiểu nhiều, trong, nếu là phụ nữ thì bị rối loạn kinh nguyệt, lãnh cảm, đàn ông bị liệt dương (thận dương hư). Do đó, khi bị bệnh, nếu muốn dùng Đông dược, cần đến lương y để được chẩn mạch và tìm ra nguyên nhân, không nên nghe lời chỉ dẫn của bạn bè, vì người chịu tác dụng phụ của thuốc là mình chứ không phải người “mách nước”. Sau khi sinh một thời gian mà bị lạnh, chị em chỉ cần dùng bát trân (bổ khí huyết) là cải thiện được tình hình.

 

Trong các trường hợp bị lạnh nêu trên, chỉ có chị Minh Như là không có bệnh, vì bị lạnh khi nhiệt độ thay đổi là bình thường. Chỉ cần tập thể dục đều đặn, nâng cao sức đề kháng, chị sẽ khỏe hơn. Thông thường, những ai thường bị lạnh sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, cơ thể suy nhược. Theo lương y Đinh Công Bảy, trong trường hợp này nên tập luyện, vận động vừa sức, thích gì tập đó: đi bộ, đánh cầu lông, tập yoga... (lạnh thuộc âm, ham hoạt động thuộc dương, vì thế khi vận động sẽ thấy người ấm lên). Về dinh dưỡng, nên chú ý dùng các món bổ khí, huyết: canh gà, xúp gà nấu gừng, gà kho sả, xúp hải sâm, xúp hải sản, nấm tuyết ngân nhĩ, sâm bổ lượng, chè bạch quả... Uống các loại nước ấm, không uống trà, cà phê đặc.

 

Tây y khi điều trị huyết áp thấp sẽ bổ sung một số sinh tố, khoáng chất, sắt để tạo hồng cầu. Nhưng, theo BS Lương Lễ Hoàng, có nhiều nguyên nhân gây huyết áp thấp: thiểu năng tuyến giáp, thiểu năng tuyến thượng thận, làm cơ thể suy dinh dưỡng... Vì vậy, bệnh nhân cần điều trị nguyên nhân chứ không nên tự chẩn bệnh rồi tự dùng thuốc.

 

Theo Phương Nam

Phụ nữ online