Giám sát người nhập cảnh từ vùng dịch Ebola về Việt Nam như thế nào?

(Dân trí) - Bất kể hành khách nào nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 21 ngày từ 4 quốc gia Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone đều sẽ phải làm tờ khai y tế bắt buộc trước khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Thực hiện tờ khai y tế bắt buộc với người trở về từ 4 quốc gia có dịch Ebola

Trả lời phóng viên Dân trí về việc hơn 200 lao động Việt Nam vừa trở về nước từ Lybia – một quốc gia thuộc châu Phi có cần thực hiện tờ khai y tế bắt buộc để theo dõi nguy cơ nhiễm Ebola? Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, các lao động này trở về từ Châu Phi, nhưng từ các quốc gia chưa ghi nhận dịch Ebola nên chưa cần thực hiện tờ khai y tế. Việc thực hiện tờ khai y tế với hành khách nhập cảnh vào Việt Nam chỉ thực hiện từ những người trở về trong vòng 21 ngày từ 4 quốc gia Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone.

Giám sát người nhập cảnh từ vùng dịch Ebola về Việt Nam như thế nào?

Thực hiện tờ khai y tế bắt buộc với hành khác nhập cảnh tại cửa khẩu sân bay Nội Bài. Ảnh minh họa: H.Hải

Theo đó, việc thực hiện tờ khai y tế bắt buộc với hành khách trở về từ vùng dịch sẽ được thực hiện từ ngày 15/8. Lý giải về việc vì sao không thực hiện ngay tờ khai y tế, ông Phu cho biết,  việc thực hiện tờ khai y tế phải phối hợp với nhiều bộ ngành nên cần có thời gian chuyển bị. Nhất là tại các nước này  không có đường bay thẳng về Việt Nam, hành khách có thể quá cảnh ở nhiều quốc gia, nhiều hãng bay khác nhau, về Việt Nam từ cửa khẩu quốc tế đường hàng không, đường bộ... nên để thực hiện kiểm soát khách nhập cảnh về từ những nước này thực sự rất khó khăn. 

"Nếu triển khai tờ khai y tế với tất cả các chuyến bay, tất cả các cửa khẩu thì sẽ rất tốn kém, không cần thiết và có thể gây hỗn loạn. Vì thế, nhân viên an ninh tại các cửa khẩu khi làm thủ tục nhập cảnh được giao nhiệm vụ xem hộ chiếu xác định hành khách có đi từ 4 nước này trong vòng 21 ngày không. Nếu có thì hành khách sẽ được yêu khai tờ khai y tế", ông Phu cho biết.

Ông Phu cũng khuyến cáo với hành khách trở về từ vùng dịch cần có sự hợp tác chặt chẽ cùng ngành y tế. Theo đó, ngoài khai tờ khai y tế, mọi người cũng cần tự theo dõi sức khỏe của mình khi trở về nhà. Nếu có biểu hiện gì bất thường trong 21 ngày trở về từ vùng dịch cần liên hệ theo số điện thoại trên tờ khai được phát để được hướng dẫn nhanh nhất.

“Việc kiểm soát này thực hiện rất nghiêm ngặt. Vì tỷ lệ mắc và tử vong do vi rút Eboal đang cao từng ngày; tử vong nhiều và nhanh. Cơ quan chức năng đều nắm được thông tin cá nhân, hành trình của những người trở về từ 4 quốc gia có dịch để kịp thời phản ứng khi có dấu hiệu bệnh.

Người có tiếp xúc với khách mới về từ nước có dịch thì nên cảnh giác. Khi có dấu hiệu ho, sốt, mệt mỏi.. thì nên đến cơ sở y tế kịp thời. Những trường hợp có biểu hiện sốt được tạm thời cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Ngành y tế sẽ tiếp tục khai thác hành khách tiếp xúc với những ai để lên danh sách theo dõi

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Ngoại hạn chế cử cán bộ đến các quốc gia đang có dịch bệnh Ebola khi không cần thiết. Trường hợp phải đi, cần tổ chức tuyên truyền về biện pháp phòng chống.

Liên quan đến dịch Ebola tại 4 quốc gia Tây Phi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu để kêu gọi sự phối hợp và ứng phó dịch bệnh tầm quốc tế là rất cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan quốc tế của vi rút Ebola.

Hồng Hải