Giám đốc Sở Y tế bị ghép ảnh bán thuốc: Chặn trang này lại ra trang khác

Hoàng Lê

(Dân trí) - Khi phát hiện Giám đốc Sở Y tế TPHCM bị ghép ảnh vào quảng cáo bán thuốc, Sở Thông tin - Truyền thông đã tìm cách xử lý, nhưng vừa chặn trang này thì các tài khoản ảo khác lại được lập ra nhanh chóng.

Tại Hội thảo "Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong quản lý thực phẩm chức năng (TPCN) trên địa bàn TPHCM năm 2024", diễn ra ngày 25/4, tiến sĩ Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM đã báo cáo về nhiều trường hợp sai phạm trong quảng cáo TPCN trên các trang mạng xã hội hoặc các nền tảng quảng cáo khác.

Giám đốc Sở Y tế cũng bị ghép ảnh quảng cáo sản phẩm

Trường hợp thứ nhất là vào tháng 2 vừa qua, Sở Y tế và Sở Thông tin - Truyền thông đã lập đoàn kiểm tra và phát hiện Công ty quảng cáo Fruit (quận 11) sở hữu 18 tài khoản quảng cáo tư vấn trong lĩnh vực y tế, đăng thông tin quảng cáo trái phép trên mạng xã hội. Công ty này thực hiện quảng cáo cho phòng khám đa khoa Đại Việt (TPHCM) và phòng khám đa khoa Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang).

Trường hợp thứ 2 là tình trạng một số trang facebook ghép hình ảnh ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM vào quảng cáo bán thuốc trị bệnh mắt, nhưng thực chất bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Ông Thượng cũng bị "hô biến" thành Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

Khi phát hiện sự việc, Sở Thông tin - Truyền thông đã tiến hành chặn một số trang, nhưng các tài khoản quảng cáo ảo khác lại được lập ra nhanh chóng. Sau đó, Sở Y tế phải chuyển thông tin sang cơ quan công an để xử lý tiếp.

Giám đốc Sở Y tế bị ghép ảnh bán thuốc: Chặn trang này lại ra trang khác - 1

Hình ảnh Giám đốc Sở Y tế TPHCM bị cắt ghép để quảng cáo thực phẩm chức năng (Ảnh: MXH).

Trường hợp thứ 3 là việc xem xét, xử lý các website vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng. Sở Thông tin - Truyền thông đã lập biên bản nhắc nhở tên miền "nhathuocminhhuong.com" và gửi VNNIC chặn 3 tên miền bantragiamcan.com, alogiaohang.vn, muarehon.vn do đã mời 2 lần nhưng không đến làm việc.

Thứ tư, Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM đã yêu cầu Lazada gỡ bỏ quảng cáo vi phạm đối với 474 sản phẩm trên nền tảng của mình. Trong đó, có những sản phẩm thuốc cường dương, hỗ trợ khoái cảm và kích thích tình dục. Đáng chú ý, cơ quan chức năng không biết liệt những sản phẩm trên vào loại hình gì, khi chúng không phải thuốc và cũng không phải TPCN.

Ông Nguyễn Thanh Hòa nhận định, tính xuyên biên giới và dễ ẩn danh của tài khoản mạng xã hội làm cản trở công tác quản lý Nhà nước và các chế tài hiện có. Sự xuất hiện của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong chu trình quảng bá, buôn bán TPCN cho thấy tính phức tạp của vấn đề.

Giám đốc Sở Y tế bị ghép ảnh bán thuốc: Chặn trang này lại ra trang khác - 2

Một mẫu quảng cáo thực phẩm chức năng làm giả giao diện chương trình truyền hình (Ảnh: Cục ATTP).

Bên cạnh đó, hiện nay chế tài đối với nội dung phát sóng trực tiếp (livestream) chưa được quy định cụ thể. Bộ Thông tin - Truyền thông đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định hiện hành về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, trong đó có nội dung nêu trên.

Đại diện Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM đề xuất, cần tăng cường hơn nữa Quy chế phối hợp xử lý thông tin giả, sai sự thật trong thời gian tới giữa các sở ngành. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, răn đe về các vụ việc vi phạm.

Khó xác định chủ thể thực hiện hành vi để xử lý

Ông Dương Phát Chiếu, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở ATTP TPHCM cho biết, trong các năm 2020-2023, qua rà soát các nội dung quảng cáo về TPCN trên các website và mạng xã hội với hơn 45.100 sản phẩm, cơ quan này phát hiện 659 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm.

Từ năm 2018 đến năm 2023, các Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý ATTP TPHCM trước đây đã tiến hành kiểm tra 851 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN, qua đó xử phạt 53 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 1,9 tỷ đồng và chuyển hồ sơ cho Cục ATTP để tiếp tục xử lý 1 cơ sở.

Giám đốc Sở Y tế bị ghép ảnh bán thuốc: Chặn trang này lại ra trang khác - 3

Ban Quản lý ATTP TPHCM trước đây, trong một lần đi kiểm tra thực phẩm (Ảnh minh họa: NT).

Ông Chiếu nhận định, đa phần cơ sở kinh doanh TPCN chỉ là văn phòng đại diện. Một số cơ sở có hợp đồng thuê văn phòng nhưng chỉ đặt biển hiệu, không có hoạt động làm việc nên công tác kiểm tra còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý, còn khó xác định chủ thể thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe để xử lý.

Do đó, đại diện Sở ATTP TPHCM đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước sớm hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, quảng cáo, xử lý vi phạm hành chính để thuận lợi trong công tác quản lý TPCN. Kế đến, ban hành đầy đủ các chuẩn QCVN, TCVN cho sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm.

Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về ATTP cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý ATTP các cấp.