Giám đốc bệnh viện ở TPHCM: "Lương lãnh đạo thấp hơn cấp dưới"

Hoàng Lê

(Dân trí) - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM cho biết, có nhiều trường hợp tiền lương lãnh đạo cấp trên lại thấp hơn cấp dưới, không thể hiện rõ thứ bậc trong công việc.

Ngày 17/10, tại trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã diễn ra hội nghị tiếp xúc cử tri ngành giáo dục, ngành y tế trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Giám đốc bệnh viện ở TPHCM: Lương lãnh đạo thấp hơn cấp dưới - 1

Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc cử tri ngành giáo dục, ngành y tế vào sáng 17/10 (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Nhiều trường hợp lương lãnh đạo thấp hơn cấp dưới?

Ý kiến tại hội nghị, bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM nhận định, tiền lương ở khu vực y tế công còn thấp, chưa đảm bảo nhu cầu đời sống của cán bộ viên chức và gia đình, chưa tạo nên động lực làm việc hiệu quả cho người lao động.

Bác sĩ này cho rằng, quy định mức lương và hệ số lương tối thiểu không thể hiện được tiền lương. Nhiều trường hợp tiền lương của lãnh đạo cấp trên lại thấp hơn so với lãnh đạo cấp dưới, không thể hiện rõ thứ bậc trong công việc.

Giám đốc bệnh viện ở TPHCM: Lương lãnh đạo thấp hơn cấp dưới - 2

Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM cho rằng, nhiều trường hợp lương của lãnh đạo cấp trên lại thấp hơn cấp dưới (Ảnh: GL).

Do đó, lãnh đạo Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM kiến nghị tiền lương cơ bản phải đảm bảo cho đời sống người lao động và gia đình.

Thứ hai, trả tiền lương cho viên chức theo chức danh, vị trí việc làm và chức vụ lãnh đạo, đảm bảo tương quan hợp lý về tiền lương trên thị trường lao động, giữa khu vực công và tư nhân.

Bác sĩ Kiều Ngọc Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh trăn trở với vấn đề quản lý giá, khi Thông tư 03 của Bộ Y tế về hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp chỉ quy định số lượng nhân sự tối thiểu mà không quy định tối đa.

Vị này đặt câu hỏi: Liệu người đứng đầu các đơn vị có được giao quyền lực, trách nhiệm quá lớn hay không?

Ngoài ra, đại diện Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng mong muốn nghiên cứu, bổ sung thêm Nghị định 60, cho phép đơn vị tự xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật của các dịch vụ và căn cứ định mức trên để chi phù hợp.

Góp ý trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bác sĩ Minh đặt ra vấn đề "quyền đóng thay", để có thể huy động các nguồn lực trong xã hội, hay những ai có điều kiện có thể đóng thay cho gia đình, người thân. Ngoài ra, có thể mở rộng thêm quyền được đóng bảo hiểm 1 lần cho người dân.

Giám đốc bệnh viện ở TPHCM: Lương lãnh đạo thấp hơn cấp dưới - 3

Cử tri đặt ra vấn đề có thể mở rộng quyền được đóng bảo hiểm 1 lần (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Liên doanh, liên kết mua sắm rất quan trọng

Trao đổi về vấn đề vị trí việc làm, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất kéo dài thời gian chuẩn hóa trình độ đối với điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên y sinh (theo lộ trình phải có trình độ từ cao đẳng trở lên từ 1/1/2025).

Nguyên nhân vì nguồn nhân lực của nhóm trên còn nhiều khó khăn, thiếu hụt. Tiến sĩ Dũng nhận định, dựa vào tình hình thực tế, việc chuẩn hóa nên tiến hành ở mốc thời gian 2030.

Về vấn đề tự chủ tài chính, trong tình hình giá thu viện phí chưa được tính đúng, tính đủ, Sở Y tế TPHCM để nghị ngân sách tiếp tục đầu tư cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, như phục vụ cho các dự án cải tạo, xây mới, bổ sung trang thiết bị quan trọng, để cho các đơn vị phát triển.

"Năm 2023, ngành y tế có đề xuất ngân sách cấp 148 tỷ đồng để cấp cho các đơn vị tự chủ còn khó khăn. Từ nay đến năm 2025, ngành y tế xin tăng tỷ lệ trên khoảng 20%", bác sĩ Dũng nói.

Giám đốc bệnh viện ở TPHCM: Lương lãnh đạo thấp hơn cấp dưới - 4

Tòa nhà điều trị mới đang xây dựng tại Bệnh viện Bình Dân, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Đại biểu Quốc hội, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy mong muốn được các cử tri cho thêm các ý kiến bằng văn bản về các khó khăn của ngành y, như việc thanh toán bảo hiểm y tế có khó khăn trong tổng mức thanh toán, giám định để thanh toán…

Bác sĩ Thức chia sẻ thêm, trong luật Bảo hiểm xã hội sắp ban hành có rất nhiều chế độ liên quan đến cán bộ viên chức ngành y. Do đó, Đại biểu Quốc hội TPHCM mong được nghe thêm các ý kiến để góp ý cho Quốc hội trong kỳ họp tới, đảm bảo quyền lợi cho anh em ngành y.

Về vấn đề khó khăn trong liên doanh, liên kết mua sắm, bác sĩ Thức cho biết, với sự cố gắng từ Trung ương đến địa phương, Chính phủ, Bộ Y tế, việc mua sắm thuốc được tháo gỡ rất nhiều. Nhưng để xử lý căn cơ và toàn diện thì chưa được.

Giám đốc bệnh viện ở TPHCM: Lương lãnh đạo thấp hơn cấp dưới - 5

Bệnh nhân chụp CT scan tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, thời điểm nơi đây gặp khó khăn về máy móc điều trị (Ảnh: Hoàng Lê).

Trong năm 2024, khi luật Đấu thầu mới được tiến hành cũng như có các nghị định, thông tư mới ra đời, ngành y tế hy vọng có thể tháo gỡ toàn diện việc mua sắm. Nhưng dù tháo gỡ đến đâu, nguồn lực nhà nước không thể nào bao trùm hết các hoạt động mua sắm. Do đó, việc liên doanh, liên kết rất quan trọng.

"Trước đây, có những liên doanh, liên kết xảy ra tiêu cực. Nhưng tiêu cực là vấn đề khác. Chúng ta có quy định rất rõ ràng để liên doanh, xã hội hóa liên kết, nhằm có được các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho người bệnh", Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói.

Bác sĩ Thức nêu câu chuyện, vừa rồi có bệnh nhân người Philippines chủ động qua Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị ung thư.

Đây chỉ là một điểm lóe sáng, còn để xây dựng được bức tranh toàn cảnh về trung tâm y tế chuyên sâu, du lịch y tế theo định hướng của ngành y tế TPHCM, cần tháo gỡ được các khó khăn trong nhiều quy định pháp lý.