Bước tiến mới trong điều trị và kiểm soát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Trường Thịnh

(Dân trí) - Hội thảo khoa học "Chìa khóa cho bộ 3 mục tiêu trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Việt Nam", do Hội Phổi Việt Nam phối hợp AstraZeneca Việt Nam tổ chức thu hút nhiều chuyên gia tham dự.

Sự kiện này nằm trong chuỗi hội nghị khoa học được tổ chức từ tháng 3 và tháng 4 giới thiệu đến gần 2.000 chuyên viên y tế trên cả nước giải pháp mới tiên tiến giúp giải quyết những khoảng trống trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hướng đến nâng cao hiệu quả điều trị và giảm gánh nặng cho bệnh nhân.

Trên toàn cầu, ước tính có 392 triệu ca mắc phổi tắc nghẽn mạn tính, 3/4 trong số đó là ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới, với khoảng 3 triệu ca tử vong mỗi năm.

Tại Việt Nam, gánh nặng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là mối quan tâm của ngành y tế trong lĩnh vực hô hấp. Tần suất mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,2% dân số ở nhóm từ 40 tuổi trở lên, 46% bệnh nhân có đợt cấp trong năm trước đó, và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4. 

Thực trạng trên cũng là vấn đề mà các chuyên gia đầu ngành hô hấp đang trăn trở, GS.TS. Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam cho biết, hiện nay, Việt Nam vẫn còn nhiều bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính trải qua đợt cấp và triệu chứng. Do vậy, bác sĩ cần nhận diện sớm các bệnh nhân có nguy cơ cao dựa vào tiền sử đợt cấp và triệu chứng để từ đó có những lựa chọn giúp bệnh nhân tiếp cận với các liệu pháp tiên tiến và hiệu quả.

Bước tiến mới trong điều trị và kiểm soát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - 1

GS.TS.Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung thảo luận về những gánh nặng và vấn đề chưa giải quyết được với các liệu pháp hiện tại, đặc biệt là giảm tử vong trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Theo GOLD 2023 (The Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease - Ủy ban Sáng kiến toàn cầu về Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), liệu pháp bộ ba đóng ICS/LABA/LAMA trong 1 dụng cụ hít được khuyến cáo và chứng minh giảm tử vong do mọi nguyên nhân so với bộ đôi LABA/LAMA.

PGS.TS.BS. Richard Russell, Giám đốc lâm sàng, West Hampshire Intergrated Respiratory Service, Chuyên gia Hô hấp, Southern Health NHS Foundation Trust, Đại học Oxford cung cấp thêm những bằng chứng về tính hiệu quả và hồ sơ an toàn của liệu pháp bộ ba đóng Budesonide/Glycopyrronium/Formoterol từ các nghiên cứu mù đôi, ngẫu nhiên, đối chứng, nhóm song song đa trung tâm, đa quốc gia.

Công nghệ tiên tiến Aerosphere giúp các hoạt chất phân phối thuốc hiệu quả và ổn định hơn tới toàn bộ phổi. Từ đó, giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm đáng kể đợt cấp trung bình nặng so với các liệu pháp điều trị bộ đôi ICS/LABA và LABA/LAMA. Đồng thời nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn 49% so với liệu pháp bộ đôi LABA/LAMA.

Đồng quan điểm với các chuyên gia, PGS. Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TPHCM và PGS.TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Liên chi hội Hen, Dị ứng và Miễn dịch Lâm sàng, Phó chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam cùng nhận định liệu pháp bộ ba đóng là một trong những bước tiến quan trọng, giúp tăng tuân thủ của bệnh nhân và tăng tỷ lệ thành công trong điều trị.

Liệu pháp mới chứa 3 thành phần quen thuộc đã được sử dụng trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trước nay tại Việt Nam sẽ giúp các chuyên gia y tế có thêm lựa chọn trong điều trị cho bệnh nhân. Đây là các thuốc quan trọng, vì từ GOLD 2023 đã nhấn mạnh mục tiêu giảm tử vong bên cạnh giảm triệu chứng và giảm đợt cấp, phòng ngừa tiến triển bệnh trong điều trị và quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Ông Atul Tandon, Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam chia sẻ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây ra nhiều hậu quả. Mối liên quan của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đến sự gia tăng các biến cố tim phổi và tử vong sớm mà các chuyên gia đã chỉ ra cho thấy sự cần thiết phải dành sự ưu tiên cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bên cạnh các bệnh mạn tính khác như bệnh tim và ung thư phổi.

AstraZeneca đem đến những giải pháp có thể giúp thay đổi cuộc sống của người bệnh. Đây là minh chứng cho cam kết vững chắc của AstraZeneca trong việc đóng góp vào mục tiêu cải thiện quản lý bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống y tế bền vững cho người dân Việt Nam.

Bước tiến mới trong điều trị và kiểm soát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - 2

Các đại biểu tại hội thảo.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, qua 30 năm, AstraZeneca đã ký kết hợp tác với Bộ Y tế, các hội y khoa và các đối tác trong ngành để đẩy mạnh trao đổi khoa học, triển khai nhiều chương trình có sức ảnh hưởng, nhằm thúc đẩy nhận thức, phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh tật.

Điển hình là chương trình "Vì lá phổi khỏe" nhằm nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú cho bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi. Tính đến nay, chương trình đã hỗ trợ thành lập và đưa vào hoạt động hơn 155 phòng khám ngoại trú hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đạt chuẩn tại 51 tỉnh thành, nâng cao năng lực của các nhân viên y tế trong việc quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh phổi tiến triển ngày càng nặng và có thể đe dọa mạng sống người bệnh. Bệnh gây ra khó thở, dẫn đến tình trạng ngày càng trầm trọng và gây các biến chứng nghiêm trọng. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không thể chữa khỏi, nhưng nếu được điều trị đúng cách sẽ làm giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ tử vong.

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân hàng đầu của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do tiếp xúc với khói thuốc lá (hút thuốc lá chủ động hoặc hút thuốc thụ động), gây ra 3 trên 4 trường hợp mắc bệnh. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời, bụi và khói phát sinh trong quá trình sản xuất. Nhiều trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể được phòng ngừa bằng cách không hút thuốc hoặc cai thuốc lá sớm.