"Bẫy" sức khỏe trong đồ uống có đường

Nam Phương

(Dân trí) - Cứ vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao đặc biệt là các loại đồ uống có đường như nước ngọt, nước tăng lực... Ít ai biết loại đồ uống này liên quan đến một loạt bệnh.

Nguy hiểm tiềm ẩn từ đồ uống có đường

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do. Thống kê cho thấy, tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017 và năm 2018 là 50,7 lít/người.

Trung bình một người tiêu thụ khoảng 46,5gr đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50gr/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25gr/ngày của WHO.

Bẫy sức khỏe trong đồ uống có đường - 1

Đặc biệt vào dịp cuối năm, mức tiêu thụ nước ngọt cũng tăng gấp nhiều lần ngày thường. Những ngày nghỉ lễ, Tết, đa số trong các bữa ăn và đãi khách không thể thiếu bia, rượu và nước ngọt…

Hiện nay, gánh nặng sức khỏe ngày càng tăng do tiêu thụ đồ uống có đường. Có bằng chứng liên quan đến việc tiêu thụ đồ uống có đường với sự gia tăng toàn cầu về thừa cân, béo phì, nguy cơ sâu răng, đái tháo đường túyp 2, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, các rối loạn chuyển hóa khác và một số bệnh ung thư.

Nghiên cứu tại các nước cho thấy có mối liên quan thuận giữa tăng tiêu thụ nước ngọt và cân nặng, tăng vòng eo, tăng mỡ trong cơ thể. Ở nữ tiêu thụ từ trên 1,3 lon đồ uống có đường/ngày, nguy cơ rối loạn chuyển hóa tim mạch tăng 3,2 lần so với nữ tiêu thụ đồ uống có đường ít hơn.

Sử dụng nhiều đồ uống có đường còn làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng như canxi, vitamin.

Đường trong đồ uống có đường là đường lỏng và chủ yếu là fructose nên được hấp thụ nhanh qua gan và chuyển thành chất béo trong gan.

Bẫy sức khỏe trong đồ uống có đường - 2

Theo Healthline, glucose có thể được chuyển hóa bởi mọi tế bào trong cơ thể bạn, trong khi fructose chỉ có thể được chuyển hóa bởi một cơ quan đó là gan.

Khi bạn tiêu thụ quá nhiều, gan của bạn sẽ bị quá tải và biến đường fructose thành chất béo. Một số chất béo được vận chuyển ra ngoài dưới dạng chất béo trung tính trong máu, trong khi một phần vẫn còn trong gan của bạn. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Bẫy sức khỏe trong đồ uống có đường - 3

Đường cũng làm tăng đáng kể sự tích tụ mỡ bụng. Đặc biệt, fructose có liên quan đến sự gia tăng đáng kể chất béo nguy hiểm xung quanh bụng và các cơ quan của bạn. Đây được gọi là mỡ nội tạng, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường túyp 2 và bệnh tim.

Vì việc tiêu thụ quá nhiều fructose có thể dẫn đến kháng insulin, vì thế nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa tiêu thụ đồ uống có đường và bệnh tiểu đường túyp 2.

Đã đến lúc Việt Nam cần giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường

Theo TS.BS Nguyễn Thị Hồng Diễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, WHO khuyến cáo cả người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ. Giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% (25gr) mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.

Bẫy sức khỏe trong đồ uống có đường - 4

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (Ảnh: Nhật Bắc).

Chia sẻ với báo chí ngày 22/12, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, tiếp tục nhấn mạnh: "WHO kêu gọi Việt Nam đánh thuế các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, trong đó có đồ uống có đường. Chúng ta cần phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ giới trẻ".

Hiện nay, thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm lượng tiêu thụ đối với đồ uống có đường, trong đó chủ yếu là 4 biện pháp: Ghi nhãn dinh dưỡng và quảng cáo, giảm tính sẵn có, hoạt động truyền thông, áp dụng chính sách thuế và giá.

Đối với biện pháp áp dụng chính sách thuế và giá, WHO khuyến cáo đánh thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe.115 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

Hiện nay, Việt Nam chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào đồ uống có đường, sản phẩm này chỉ chịu ảnh hưởng của thuế GTGT 10%.

Về bản chất, thuế tiêu thụ đặc biệt cho đồ uống có đường là loại thuế gián thu đánh vào sản phẩm đồ uống chứa đường tự do do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoặc nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam. Mục đích định hướng sản xuất và điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng.

Thực tế, tại Thái Lan cho thấy, 2 năm sau khi thực hiện đánh thuế đồ uống có đường, lượng tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 2,8% trong đó tiêu thụ đồ uống có ga giảm nhiều nhất, với mức tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 17,7%.

Đồ uống có đường gồm:

- Nước ngọt không chứa cồn có ga hoặc không có ga.

- Nước ép trái cây/rau củ, đồ uống từ trái cây/rau củ, dưới dạng đồ uống.

- Chất cô đặc dạng lỏng và dạng bột.

- Nước có pha chế hương liệu.

- Nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao.

- Nước có vitamin.

- Trà pha sẵn.

- Cà phê pha sẵn.

- Sữa có pha chế hương liệu và đồ uống làm từ sữa.

- Các sản phẩm đồ uống thay thế sữa có nguồn gốc thực vật có đường.