Bộ Khoa học - Công nghệ ra thông báo về sự cố hạt nhân tại Nhật

(Dân trí) - Nhiên liệu trong lò số 1 và số 3 có thể đã bị hư hại một phần vì đã phát hiện sự có mặt của hai chất phóng xạ Cesium-137 và Iodine-131 trong khu vực nhà máy. Hai lò phản ứng này thuộc loại thế hệ cũ, khả năng chống động đất thấp.

Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa ra thông báo về những sự cố hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I - Nhật Bản do hậu quả của trận động đất và sóng thần ngày 11/3 gây ra. Những thông tin về khả năng chống động đất của các lò phản ứng hạt nhân của Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng cũng được đưa ra tại cuộc họp.

Bộ Khoa học - Công nghệ ra thông báo về sự cố hạt nhân tại Nhật - 1
Sự cố xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I

Theo đó, Nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Fukushima I có công suất điện đạt 4,7 GW và là một trong 25 nhà máy điện hạt nhân lớn nhất trên thế giới. Fukushima I gồm 6 lò phản ứng nước sôi đang hoạt động. Đến nay, đã có 3 lò phản ứng hạt nhân xảy ra sự cố gồm lò số 1, 2 và 3 đều thuộc NMĐHN Fukushima I.
Lò phản ứng số 1 của NMĐHN Fukushima I thuộc đời đầu thế hệ II, có công suất khoảng 440MW, bắt đầu hoạt động từ ngày 26/3/1971. Lò phản ứng số 3 của  Fukushima I có công suất khoảng 784MW bắt đầu hoạt động từ ngày 27/3/1976.
Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân Ngô Đặng Nhân cho biết, hai lò phản ứng số 1 và số 3 xảy ra sự cố tại NMĐHN Fukushima I thuộc loại thế hệ cũ (đời đầu, thế hệ thứ II). “Hai lò này được thiết kế với khả năng chống động đất ở mức 7,3 độ richter vì vậy đã xảy ra sự cố khi động đất lên đến 9,0 độ richter diễn ra ngày 11/3. Nhiên liệu trong lò số 1 và số 3 có thể đã bị hư hại một phần vì đã phát hiện sự có mặt của hai chất phóng xạ là Cesium-137 và Iodine-131 trong khu vực nhà máy”, ông Nhân nói.
Những vụ nổ tại lò phản ứng hạt nhân là do oxy trong không khí kết hợp với hydro sinh ra trong lò do hiện tượng oxy hoá vỏ thanh nhiên liệu. Tuy nhiên, vụ nổ không làm ảnh hưởng đến kết cấu của nhà bảo vệ lò bằng bê tông cốt thép dày trên 1m và lớp thép dày 3cm, thùng lò áp lực bằng thép dày 15cm (nơi chứa thanh nhiên liệu hạt nhân và các thanh điều khiển).
Theo đại diện Bộ Khoa học - Công nghệ, cho đến nay sự cố hạt nhân tại Nhà máy Fukushima I ở mức 4 (tai nạn với hậu quả cục bộ) theo thang sự cố quốc tế INES, cao nhất là ở mức 7. Những thảm họa như Chernoby I ở Liên Xô cũ, năm 1986 được đánh giá ở mức 7; tai nạn ở Nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island ở Mỹ vào năm 1979, được đánh giá ở mức 5.
Đề cập đến mức độ phòng chống động đất của nhà máy điện hạt nhân mà Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng, ông Nhân cho biết, dù khả năng xảy ra động đất không như ở Nhật nhưng cũng cần đề phòng, tính toán độ an toàn cao hơn.

“Thực ra, vấn đề liên quan đến an toàn ngoài công nghệ còn có yếu tố con người. Phải đào tạo đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp trong nghiên cứu và vận hành. Việt Nam đang tìm mọi cách để đào tạo con người”, ông Nhân nói.

Đề phòng những bất trắc có thể xảy ra sau này, ông Nhân cũng cho rằng Việt Nam cần có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình quy phạm, vận hàng bảo dưỡng, xây dựng và tự giác thực hiện văn hóa an toàn. “Nếu kết hợp việc như thế, an toàn đảm bảo hơn. Dù vậy, những sự cố xảy ra ở Nhật chỉ là bài học, chứ không phải vì thế mà mất đi mong muốn xây dựng điện hạt nhân ở Việt Nam”, ông Nhân cho biết.

Quang Phong