1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Về quê “chị Dậu”

(Dân trí) - Làng Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội là nơi ra đời tác phẩm Tắt Đèn của nhà văn Ngô Tất Tố. Từ đó, mỗi khi nhắc đến ngôi làng này - “quê chị Dậu” (cách gọi của dân trong vùng) ai cũng liên tưởng ngay đến sự túng bấn, nghèo đói.

Nay, nơi đây đã mang diện mạo mới, là một trong những làng quê giàu có nhất huyện Đông Anh.

 

Về nơi chị Dậu “sinh ra”

 

Trong buổi chiều đầu xuân se lạnh, những thôi thúc trong lòng đã đưa tôi về thăm "quê hương chị Dậu". Làng Lộc Hà vẫn còn giữ nguyên thế đất cũ, một con đường độc đạo dẫn vào thôn, những cánh đồng ngô xanh ngắt như những vòng tay ôm ấp lấy làng.

 

Dưới gốc cây đa cổ thụ, ông trưởng thôn Ngô Thế Đoàn đang bấm máy điện thoại di động đôn đốc các thành viên trong HTX đến họp đúng giờ để bàn phương án quy hoạch mới nơi đặt nhà máy bơm phục vụ nước tưới cho bà con xã viên.

 

Khi trò chuyện với nhà báo, ông Đoàn rất phấn khởi và tự hào giới thiệu mình là cháu họ của nhà văn Ngô Tất Tố. Ông "phỏng vấn" ngay chúng tôi: "Các anh về Lộc Hà dịp này để tìm hiểu dòng họ Ngô, thăm gia đình cụ Ngô Tất Tố, hay muốn ghi nhận "sức Xuân" ở "quê chị Dậu" này?".

 

Lộc Hà hiện nay có trên một ngàn nhân khẩu với 547 hộ gia đình, 100% các hộ đều có nhà ngói và biệt thự, 98% các hộ đã mắc điện thoại, các gia đình có ô tô thì nhiều không đếm xuể. Ngồi trong ngôi nhà lợp ngói âm dương của mình, ông Đoàn phải thanh minh ngay là tôi thích kiểu nhà cổ này, chứ không đến nỗi nghèo khó mà không xây nôi ngôi nhà mái bằng.

 

Điều rất đáng quý ở mảnh đất này là hiện nay người dân vẫn giữ nguyên được không gian làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Trong làng, vẫn còn những bụi tre, bụi mây, những bông hoa dứa dại... Nhiều gia đình có tới 1-2 nghìn mét vuông đất vẫn giữ nguyên không hề cắt xén để đem bán. Họ thích một cái ao cá, thích trồng mấy luống rau, thích vườn cây ăn quả hơn những thứ vật chất khác mà chỉ cần họ bán mươi mét vuông đất đi thôi là có được những thứ đó.

 

Điển hình là các gia đình con cháu cụ Ngô Tất Tố, vườn nhà ai nhà nấy rộng thênh thang. Hình ảnh này đối nghịch hẳn với cảnh đất chật người đông ở các đô thị, mà chẳng ở đâu xa, ngay tại các làng bên cạnh cảnh tượng đó đã quá rõ rồi.

 

Trong vùng vẫn truyền nhau câu ví: "Chạ Thái bánh đúc cháo kê, chạ Lộc làm ruộng, chạ Lê đánh thừng". Nhưng nay, trước sự chuyển mình của xã hội, các công việc xưa dần được thay thế bởi những ngành nghề mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Lộc Hà cũng như mọi nơi, đất nông nghiệp ngày một thu hẹp để dành diện tích xây dựng các nhà máy, xí nghiệp. Mà chỉ nay mai thôi, vùng đất này được nâng cấp thành trung tâm của quận mới thành lập thì không lẽ người dân cứ ôm khư khư cái nghề nông sao?! Bởi thế, các thế hệ trai trẻ trong làng đều bảo nhau chăm chỉ học hành, người giỏi thì thoát ly, người khá thì cố học lấy một cái nghề cho giỏi.

 

"Âu phải xa rời công việc đồng áng, nhiều người cảm thấy vui, nhưng cũng không ít người cảm thấy buồn"- ông Ngô Thế Đoàn bùi ngùi tâm sự.

 

Viếng thăm gia đình cụ Ngô

 

Khách xa khi đặt chân đến Lộc Hà, dẫu có vội đến mấy cũng không thể không dành thời gian ra thăm khu lăng mộ cụ Ngô - một nhà văn, một nhà báo, một nhà văn hóa lớn của thế kỷ 20 nhưng hết sức gần gũi với tầng lớp nông dân Việt Nam. Khu lăng mộ cụ Ngô được xây dựng trên một khuôn viên đất rộng gần 100m2 với kiến trúc giản dị mộc mạc do người con trai của cụ là ông Ngô Hoành Trù thiết kế.

 

Ngồi bên ấm trà nóng trong ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi, ông Ngô Hoành Trù ngược thời gian trở về quá khứ kể cho chúng tôi nghe những thăng trầm của cụ Ngô, của bản thân ông, cũng như vì sao ông là con trai của một nhà văn, nhà báo nổi tiếng mà lại không bén duyên với nghề của cha mình.

 

"Truyện ngắn Tắt đèn - một trong những tác phẩm gắn liền với tên tuổi của cha tôi được sáng tác năm 1939,  khi đó tôi cũng chưa ra đời, nhưng sau này cha tôi thường kể cho tôi nghe về những chuyện ở làng Lộc Hà này ngày đó. Trong khánh chiến chống Pháp, gia đình tôi phải tản cư lên Bắc Giang. Năm 1955, sau khi bố tôi mất ở Bắc Giang, tôi lại trở về làng này.

 

Quê hương nghèo lắm, trong làng phần lớn là nhà tranh tre vách đất. Ngôi nhà mà tôi và anh đang ngồi đây, hiện nay được coi là tồi tàn, sập sệ nhất làng thì ngày xưa có thể ví là "cung điện" ở xứ Lộc Hà này.

 

Năm 1956, tôi được cử đi CHDC Đức, sau khi học 7 năm thiếu sinh quân, tôi trở về học tiếp cấp III. Quãng thời gian xa nhà trở về, quê hương cũng không đổi thay nhiều, lác đác có thêm vài ngôi nhà ngói.

 

Bố tôi có cả thẩy là 7 người con, bốn trai, ba gái. Mẹ tôi phải tần tảo sớm hôm mới kiếm được đồng rau, đồng cháo nuôi mấy chị em tôi. Ngày đó, ước nguyện của gia đình rất muốn đưa hài cốt của bố tôi từ Bắc Giang về quê, nhưng điều kiện khó khăn mãi đến năm 1995, ước nguyện đó tôi mới thực hiện được.

 

Thời trai trẻ, cũng có nhiều người khuyên tôi theo nghiệp của cha, nhưng tôi cũng tự cảm thấy không có duyên với cái nghiệp này. Và tôi đã "sinh nghề tử nghiệp" với nghề chế tạo máy cho đến hôm nay". 

 

Toàn xã Mai Lâm có gần 1.000 hộ thu nhập từ 10 triệu đồng/năm trở lên.

 

Mức hưởng thụ văn hóa, ứng xử văn hóa trong nhân dân không cách xa nhau. Nhà giàu có xe hơi thì nhà nghèo cũng có xe máy, tivi, tủ lạnh.

Qua những thăng trầm của đất nước, quê hương, ông Trù càng ngày càng cảm nhận rõ sự đổi thay từng ngày trên quê hương mình. Không cần nói đâu xa xôi, chỉ riêng làng Lộc Hà quê ông thôi, hơn 10 năm trở lại đây đời sống người dân đã đổi thay rõ rệt.

 

Năm xưa, nhân vật chị Dậu nghèo đến mức phải bán con đi nộp sưu thuế, người đi làm thuê quần quật cả ngày mới được vài xu. Nay, nói đến tiền trăm, tiền triệu, thì nhà ai mà chả có.

 

Những giấc mơ xưa, nay đều thành hiện thực.

 

Xuân về trên “quê chị Dậu”

 

Dẫn tôi đến thăm gia đình anh Ngô Tất Hiểu, là cháu đích tôn của cụ Ngô mà nét mặt ông trưởng thôn không giấu nổi niềm tự hào. Trên mảnh đất ngày xưa cụ Ngô sinh sống, nay đã mọc lên ngôi nhà 4 tầng khanh trang, gia đình anh Hiểu tuy không ai theo nghiệp viết văn như cụ Ngô, nhưng đều thao thức với quê hương, không ngừng nỗ lực lao động và học tập. Con cháu cụ Ngô có rất nhiều người đã là những cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, có người hiện đang làm luận án tiến sĩ ở nước ngoài.

 

Những năm gần đây, làng Lộc Hà năm nào cũng có hàng trăm học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp. Riêng các em thi đỗ đại học, cao đẳng thì đứng đầu bảng xã Mai Lâm. Quỹ khuyến học - khuyến tài được tất cả các dòng họ trong thôn xây dựng để hỗ trợ, động viên, con cháu học tập.

 

Rời Lộc Hà ra về khi màn đêm đã bắt đầu buông xuống, nhưng trong lòng chúng tôi thì ấm áp. Phải chăng hơi ấm của sức xuân, của tình người vùng đất này đã sưởi ấm và làm nên điều kỳ diệu đó.            

 

Vũ Văn Tiến