1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chân dung cuộc sống:

Đám cưới của người Dao đỏ

(Dân trí) - Chắc chắn sẽ không có nhiều người ở Hà Nội như chúng tôi được dự một đám cưới đặc biệt mang bản sắc dân tộc đến thế, đó là đám cưới của người Dao đỏ.

Anh Lê Sơn Hà, một người bạn mà chúng tôi quen, được coi là “thổ dân” ở thung lũng Tả Van (Sa Pa), đưa ra lời mời rất chân tình: Lên Sa Pa dự một đám cưới của người Dao đỏ.

Thuê một chiếc xe ôm từ Sa Pa, vượt qua khá nhiều đoạn đường lên xuống, chúng tôi  đến được Tả Van khi trời đã mờ tối. Tả Van, một thung lũng có thể nói là đẹp còn hơn cả trong tranh vẽ. Anh Hà đã chuẩn bị sẵn một phong bì quà mừng và dặn chúng tôi: Nhất nhất muốn làm cái gì cũng phải hỏi gia chủ trước, bởi ngày cưới là ngày đặc biệt quan trọng trong đời sống của người Dao đỏ, đừng thất thố để họ mất vui.

Người Dao đỏ cũng giống như tất cả người dân tộc ở vùng Sa Pa này đều có một điểm chung: Rất chân tình và mến khách. Nhưng muốn làm gì thì hãy quan sát và nếu cần cứ hỏi gia chủ.

Nhóm chúng tôi gồm 4 người, anh Hà, 2 phóng viên Dân trí và cả người lái xe ôm cũng trở thành khách mời. Điểm đáng quý của người Dao là bất kể anh là ai, nếu vào dự đám cưới đều trở thành khách quý và được đón tiếp rất nồng hậu.

Vượt qua Cầu Mây, rồi trèo qua một hẻm núi, đi trên một chiếc ván gỗ cheo leo bắc qua  con suối, chúng tôi vào thôn Giàng Tả Chảy. Rất dễ nhận ra đám cưới bởi có khá nhiều cô gái Dao đỏ đội một chiếc mũ cầu kỳ đỏ rực trên đầu.

Sau lời giới thiệu, một người đàn ông cỡ ngoài 60 tuổi bước ra cười rất tươi rồi mời chúng tôi lên gác, đó là ông nội của Lý Lào San (chú rể trong tiệc cưới hôm nay). Ngôi nhà nếu so với nhà ở thành phố hay dưới xuôi thì khá tuềnh toàng, nhưng ở vùng này thì thuộc vào hàng khá giả. Có khoảng ba bốn chục người đang có mặt trong đám cưới.

Chúng tôi bỏ giầy, dép trước khi bước lên trên lầu. Đám cưới của người Dao đỏ ngày nay không dềnh dang tốn kém như xưa nữa mà chỉ làm trong 2 ngày. Khi đón cô dâu về, chú rể phải làm một thủ tục rất "ga-lăng" là đến đầu bản phải cõng cô dâu qua suối về tận nhà mình.

Cũng có một truyền thống nữa mà người dưới xuôi phải học tập đó là khi cưới nhau rồi thì hầu như giữa hai người không có chuyện li dị. Hai người phải sống với nhau đến khi "đầu bạc, răng long".

Khi chúng tôi đến nơi thì cô dâu Tần Thị Mẩy đã được đưa vào một nơi kín đáo dùng ri-đô ngăn tạm lại thành phòng, để chờ đến giờ tốt mới ra chào quan khách. Từ ăn uống, đón khách, tiễn khách, động phòng... tất cả đều diễn ra trong ngôi nhà của người Dao.

Có thể đời sống của người Dao vẫn còn nhiều khó khăn do phong tục, tập quán và do kinh tế nhưng người Dao rất ưa sự sạch sẽ. Khác với những gì tôi tưởng tượng: Có đầy đủ bát, đũa, thìa, nước chấm... cho một đám cưới. Và đồ ăn cũng ngon ra phết.

Người hạnh phúc nhất có lẽ là ông nội của chú rể. Ông cười rất tươi và nói với phóng viên Dân trí: "Ở đây vui với chúng tao suốt đêm nay đi, đừng về". Ngủ để lấy sức, dậy ăn tiếp rồi lại ngủ. Khi chúng tôi lên trên lầu đã có một loạt người nằm lăn ra chiếu để ngủ. Ông chủ nhà phải bê từng người vần vào trong góc nhà để lấy chỗ cho chúng tôi ngồi. Nếu thực sự vì say rượu hay muốn ngủ lại chắc chắn chúng tôi cũng sẽ có một chỗ như vậy.

Đêm, chúng tôi cũng phải tạm biệt chủ nhà để về lại Sa Pa. Chủ nhà ra tiễn vẻ rất quyến luyến. Tình cảm của họ rất thật. Mời ở lại, nếu ở sẽ rất nhiệt tình nhường chỗ, nhưng nếu phải về thì cũng không khách sáo.

Đám cưới của người Dao đỏ - 1

 
Chiếc Cầu Mây đưa chúng tôi vào thôn Giàng Tả Chảy.
 

Đám cưới của người Dao đỏ - 2

Rất dễ nhận ra đám cưới bởi có khá nhiều cô gái Dao đỏ đội mũ đỏ rực trên đầu.

Đám cưới của người Dao đỏ - 3

Bọn trẻ con cũng là những khách mời không thể thiếu để làm đám cưới thêm vui vẻ. 

Đám cưới của người Dao đỏ - 4

Chú rể Lý Lào San đang chuẩn bị mũ mão, quần áo để đưa cô dâu ra mắt quan khách.

Đám cưới của người Dao đỏ - 5

Đồ mừng cưới mà người Dao mừng phần lớn là những bức trướng có ghi những chữ chúc phúc cho cô dâu, chú rể trăm năm hạnh phúc.

Hiền Chi Mai