Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long: "Đây là bài học vô cùng đau xót"

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Nói lời sau cùng, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết "đây là bài học vô cùng đau xót". Bị cáo mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình, xã hội.

Ngày thứ hai của phiên tòa phúc thẩm đại án "Việt Á" kết thúc khi trời đã sẩm tối. Khoảng 18h50 ngày 16/5, 11 bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm mới lần lượt rời phòng xét xử, bị áp giải ra xe chuyên dụng.

Sau hai ngày xét xử, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội bước vào nghị án. 

Tổng giám đốc Việt Á xin giảm án cho cấp dưới

Là người đầu tiên nói lời sau cùng, bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho cấp dưới là Vũ Đình Hiệp (Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á) và Trần Thị Hồng (nhân viên Công ty Việt Á). 

Việt trình bày, đây là hai nhân viên dưới quyền của mình, họ không thể làm khác các mệnh lệnh của cấp trên.

Tổng giám đốc Công ty Việt Á đánh giá, hai nhân viên này là những người "đỡ đạn" cho người khác, bởi nếu không có họ sẽ có người khác làm thay. 

Trước bục khai báo, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói rằng Covid-19 là dịch bệnh chưa từng có trong tiền lệ nên các biện pháp phòng chống dịch cũng là chưa có tiền lệ. 

Thời điểm đó, nhiệm vụ đặt ra với Bộ Y tế là vô cùng cấp bách về việc làm thế nào để có kit test, làm thế nào để có biện pháp chống dịch...

Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long: Đây là bài học vô cùng đau xót - 1

Bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, tại phiên tòa phúc thẩm (Ảnh: Nguyễn Hải).

Trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19, bị cáo đã tận tâm, tận lực và không bao giờ nghĩ làm việc vì bản thân.

Thời điểm xảy ra dịch Covid-19, ông Long chỉ mong muốn cứu được càng nhiều người càng tốt. 

"Tôi không dám kể công bất cứ điều gì, không dám so sánh công hay tội nhưng xin HĐXX xem xét khoan hồng để bị cáo có thể sớm trở về với gia đình, cộng đồng hành nghề y giúp ích cho bản thân, xã hội. Đối với bị cáo đây là bài học vô cùng đau xót", cựu Bộ trưởng Bộ Y tế giãi bày.

Bị cáo Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương nói rất ân hận, đau xót với hành vi phạm tội của bản thân.

Chỉ trong một khoảnh khắc không giữ được mình, bị cáo đã đánh mất tất cả quá trình công tác, cống hiến của bản thân nói riêng và cán bộ ngành y tế nói chung trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, phải đứng trước phiên tòa phúc thẩm sự ân hận, đau xót càng lớn. 

Cựu Giám đốc CDC Hải Dương mong HĐXX xem xét giảm bớt hình phạt cho bị cáo để sớm trở về đóng góp, cống hiến công sức nhỏ bé cho xã hội, phục vụ nhân dân. 

Bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu Vụ phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết bản thân vô cùng ăn năn, hối lỗi, nhận thức rõ hành vi sai phạm của bản thân.

Nói lời sau cùng, hầu hết các bị cáo còn lại đều bày tỏ ăn năn, hối hận, mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt để họ có thể sớm trở về với gia đình, xã hội.

Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long: Đây là bài học vô cùng đau xót - 2

Bị cáo Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương (Ảnh: Nguyễn Hải).

Viện kiểm sát bất ngờ đề nghị chấp nhận kháng cáo

Trong bản luận tội, Viện kiểm sát (VKS) đánh giá, bản án sơ thẩm mà Tòa án nhân dân TP Hà Nội xử phạt các bị cáo là đúng người, đúng tội.

Theo VKS, trong vụ án trên, bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, là người giữ vai trò cao nhất, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặt biệt lớn nên phải chịu tình tiết tăng nặng. 

Tại phiên tòa phúc thẩm, Việt đã nộp khắc phục thêm 200 triệu đồng, song VKS đánh giá số tiền nộp khắc phục thêm này là quá ít. 

Do đó, quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao là đề nghị HĐXX bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Phan Quốc Việt.

Đối với cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, VKS đánh giá bị cáo nhận hối lộ nhiều lần nên chịu tình tiết tăng nặng phạm tội 2 lần trở nên. 

Mặc dù ông Long và gia đình đã nộp khắc phục thêm 1 tỷ đồng nhưng cơ quan công tố cho rằng, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhận số tiền hối lộ 2,25 triệu USD là đặc biệt nghiêm trọng nên không có lý do để chấp nhận kháng cáo.

Do đó, VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Thanh Long. 

Tại phần luận tội, đề nghị mức án đầu giờ chiều 16/5, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX bác toàn bộ kháng cáo của 11 bị cáo. 

Tuy nhiên đến hơn 18h cùng ngày, sau gần 3 tiếng nghe các bị cáo, luật sư trình bày quan điểm bào chữa, đại diện VKS bất ngờ đề nghị lại mức án đối với 11 bị cáo có đơn xin giảm nhẹ hình phạt tại phiên tòa phúc thẩm. 

Theo đó, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự của bị cáo Trần Thanh Phong, cựu Phó trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC tỉnh Bình Dương; chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của 2 bị cáo Lê Thị Hồng Xuyên, cựu nhân viên CDC tỉnh Bình Dương và Ngụy Thị Hậu, cựu Phó phòng Tài chính kế toán, CDC tỉnh Bắc Giang. 

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Trần Thanh Phong bị xử phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; bị cáo Lê Thị Hồng Xuyên bị xử phạt 24 tháng tù; bị cáo Trần Thị Hồng bị xử phạt 30 tháng tù cùng về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với 8 bị cáo còn lại, VKS đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm bác kháng cáo, giữ nguyên mức án mà tòa phúc thẩm đã tuyên.

Sau khi VKS đề nghị lại mức án đối với các bị cáo, HĐXX cho rằng đây chỉ là đề xuất của VKS, không phải phán quyết cuối cùng. 

Việc làm này của Viện kiểm sát thể hiện sự cầu thị, lắng nghe quan điểm bào chữa của các luật sư cũng như các bị cáo.

Điểm nhấn quan trọng nhất mà VKS đề nghị lại mức án đối với các bị cáo này là do họ có sai phạm nhưng không nhận tiền của Việt Á. 

Riêng bị cáo Lê Thị Hồng Xuyên có nhận tiền nhưng đã trả lại trước khi bị khởi tố.

Sau thời gian nghị án, HĐXX sẽ tuyên án vào 15h ngày 17/5.