Công an TPHCM nói về việc người dân cần làm ngay khi gặp trộm, cướp

Q.Huy

(Dân trí) - Công an TPHCM khuyến cáo người dân lập tức tri hô, tránh đối mặt với đối tượng và ghi nhớ đặc điểm nhận dạng, biển số xe nếu bị trộm, cướp.

Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban Chỉ đạo) chiều 21/3, phóng viên Dân trí đặt vấn đề cho Công an thành phố, thời gian qua, tình trạng trộm cắp, cướp giật tại địa bàn có dấu hiệu gia tăng trở lại, đặc biệt tại khu vực vùng ven vào ban đêm. Ngành công an đã có biện pháp gì để phòng ngừa loại tội phạm này và khi gặp tình huống trên, người dân cần ứng phó ra sao?

Trả lời câu hỏi trên, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an TPHCM, chia sẻ, tính chung trong quý I năm 2022, tội phạm cướp giật, trộm cắp tại địa phương có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.

Trước phản ánh về việc trộm cắp tại khu vực vùng ven gia tăng, lực lượng công an đã đưa ra giải pháp tăng cường tuần tra, mật phục tại những khu vực phức tạp về an ninh trật tự, tăng cường lực lượng về cơ sở, huyện, xã.

Công an TPHCM nói về việc người dân cần làm ngay khi gặp trộm, cướp - 1

Ông Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an TPHCM, tại họp báo (Ảnh: T.N.),

Đại diện Công an TPHCM khuyến cáo, khi gặp tình huống bị trộm cắp, cướp, giật vào ban đêm, người dân cần tri hô ngay để tìm kiếm trợ giúp từ những người khác gần đó cùng cơ quan chức năng. Người dân cần hạn chế đối mặt với các đối tượng để đảm bảo an toàn cho bản thân.

"Các đối tượng thường rất manh động, có thể sử dụng vũ khí, làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân", ông Lê Mạnh Hà chia sẻ.

Việc tiếp theo, người dân cần ghi nhớ ngay biển số xe, đặc điểm nhận dạng của đối tượng để trình báo công an, phục vụ điều tra, xử lý. Đại diện Công an TPHCM phân tích, một số trường hợp, người dân lấy lại được tài sản nên không trình báo công an, dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm. 

"Về mặt pháp lý, việc đối tượng cướp, giật bất thành đã hình thành tội phạm. Người dân cần trình báo công an để phục vụ xử lý, ngăn chặn các vụ việc khác có thể xảy ra", Thượng tá Lê Mạnh hà phân tích.

Ông Lê Mạnh Hà chia sẻ thêm, hiện nay, các lực lượng Hiệp sĩ Đường phố tại TPHCM vẫn phối hợp với công an tham gia phòng, chống tội phạm trên tinh thần tự nguyện. Hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.

Trong thời gian tới, sau khi hoàn tất, đây sẽ là cơ sở pháp lý để kiện toàn lực lượng hỗ trợ cơ quan chức năng trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Về mặt chế độ chính sách, hiện tại, các quận, huyện đã có Quỹ Bình yên Cuộc sống nhằm hỗ trợ người dân chịu thiệt hại khi tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.