MINI "gây bão" trên mạng xã hội Trung Quốc vì sự cố phân biệt đối xử

Nhật Minh

(Dân trí) - Tại Triển lãm ô tô Thượng Hải, MINI đã bố trí một quầy kem để tặng khách tham quan, mà không lường trước được nó có thể trở thành thảm họa truyền thông của hãng.

Video cho thấy một người nước ngoài được tặng kem trong khi khách Trung Quốc bị từ chối đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội. Với người Trung Quốc, các nhân viên tại quầy kem trong gian trưng bày của MINI nói rằng họ đã hết kem. Sự việc diễn ra hôm 19/4.

Người quay video đã cho thấy một nhóm người phương Tây ngồi thưởng thức kem trong gian hàng của MINI ngay sau khi anh bị từ chối. 

MINI gây bão trên mạng xã hội Trung Quốc vì sự cố phân biệt đối xử (Video: Weibo).

Nhiều cư dân mạng Trung Quốc coi việc này là một sự xúc phạm đối với họ ngay trên quê hương mình. 

"Sự việc đã xóa sạch những ấn tượng tốt đẹp của tôi với BMW", một người dùng Weibo cho biết.

"BMW MINI" đã trở thành chủ đề được tìm kiếm nhiều thứ hai trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, với hơn 93 triệu lượt xem. Nhiều người dùng đã để lại ý kiến bình luận thể hiện sự phẫn nộ, công kích MINI phân biệt đối xử. Một người nói: "Với tinh thần hiếu khách, lẽ ra kem phải được ưu tiên cho khách tham quan". Một người khác phê phán rằng quầy kem của MINI chỉ miễn phí cho người nước ngoài.

Theo nguồn tin của Reuters, hãng xe Đức đã chuẩn bị 300 suất kem để tặng khách tham quan. Tuy nhiên, một số suất đã được giữ lại để phần cho nhân viên công ty và "người nước ngoài" trong clip gây tranh cãi được cho là một nhân viên của BMW. Các cô gái phụ trách quầy kem là nhân viên thời vụ chứ không phải nhân viên chính thức của BMW và MINI.

Sự việc đã vượt khỏi tầm kiểm soát của hãng, trở thành một thảm họa truyền thông.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, MINI Trung Quốc đã lên mạng xã hội Weibo giải thích và xin lỗi. Họ thừa nhận đã thiếu cẩn trọng trong công tác quản lý nội bộ, khiến tất cả đều không vui. Công ty hứa sẽ chấn chỉnh việc này và tăng cường hoạt động đào tạo nội bộ.

Dù vậy, nhiều cư dân mạng ở nước này vẫn không hài lòng. Một người đặt câu hỏi: "Nếu tôi có thể nói tiếng Anh thì liệu có được tặng kem không?" Một người khác nói: "Tôi không tin là nhân viên đó không được chỉ đạo làm như vậy". Những người khác rõ ràng thấy sự giải thích của MINI không thuyết phục. Một người nói: "Thật vớ vẩn, lần sau đừng để bị chụp hình".

Người tiêu dùng Trung Quốc rất nhạy cảm với vấn đề kỳ thị chủng tộc, văn hóa dù là xuất phát công ty nước ngoài hay nội địa. Sự chỉ trích thậm chí có thể dẫn tới các chiến dịch tẩy chay của người tiêu dùng. 

Năm 2019, thương hiệu thời trang Dolce & Gabbana (D&G) từng rơi vào thảm họa truyền thông ở Trung Quốc khi chiến dịch quảng cáo của họ bị các nghệ sĩ và mạng xã hội nước này đánh giá là phân biệt chủng tộc.

Các video trong chiến dịch quảng cáo này có hình ảnh một phụ nữ Trung Quốc loay hoay sử dụng đũa để ăn pizza và spaghetti. Và việc này đã gây phẫn nộ. Dưới góc nhìn của người Trung Quốc, các video này chế nhạo và tầm thường hóa văn hóa của họ, dù thương hiệu thời trang Italy giải thích rằng đó là một sự hiểu nhầm về văn hóa, họ chỉ diễn đạt rằng văn hóa Trung Quốc và Italy có thể kết hợp với nhau. 

Kết quả là doanh số của D&G tại Trung Quốc được cho là sụt giảm tới 98%, hình ảnh thương hiệu đến giờ vẫn chưa được khôi phục.

Theo www.dailymail.co.uk