Ván cờ cuộc đời của Nữ kỳ thủ

Trong giới thể thao, Hoàng Hải Bình vang danh với danh hiệu “đại sư” ở môn cờ tướng. Rời bàn cờ, cô là chủ cơ sở chuyên xuất khẩu các sản phẩm hàng thủ công làm từ giấy báo cũ.

Đặt cược trước bàn cờ

Đang là tuyển thủ cờ tướng của tỉnh nhà Bình Định, muốn thử thách mình nên Hải Bình quyết định vào TPHCM lập nghiệp. Tuy có bề dày thành tích nhưng cô không thể thoát khỏi quy định tạm ngừng thi đấu trong 2 năm. Trong thời gian chờ đợi được đấu cờ trở lại, cô phải làm đủ việc để sống từ dạy chơi cờ đến làm nhân viên công ty.

Dù phải chạy vạy từng ngày vì chén cơm manh áo nhưng Hải Bình luôn nung nấu suy nghĩ: “Phải làm được nhiều hơn những gì đã làm để có thể ngẩng cao đầu khi về thăm quê”. Là kỳ thủ, cô quyết định phải vang danh trên làng cờ. Rời bàn cờ cô muốn làm được cái gì đó thật độc đáo mà tại Việt Nam chưa ai biết tới. Sau thời gian quan sát, suy nghĩ, nữ “kỳ thủ” cùng cô bạn thân Diệu Hiền quyết định làm và bán mặt hàng giấy xếp thủ công để trang trí bàn làm việc, văn phòng.

Là dân chơi cờ nên sau khi “nghĩ chín chắn, quyết định đúng đắn”, Hải Bình mới bắt tay thực hiện. Cô đích thân đến các vựa ve chai để lục lọi tìm mua giấy phế thải về làm nguyên liệu. Lựa được giấy về, cô cùng bạn cắt dán rồi làm mẫu thử. Hàng mẫu thành công, cả hai vui trào nước mắt vì thấy nó “đẹp và dễ thương quá”, rồi tính ra chi phí cao nhất cho một sản phẩm chỉ 35.000 đồng. “Cũng quá rẻ!”.

Ngay lúc ấy cô nghĩ: “Những sản phẩm này ai mà chẳng thích mua”. Thế nhưng, khi đưa ra thị trường, cô mới biết đây là điều không hề đơn giản.

Ván cờ căng thẳng nhất cuộc đời

Làm mẫu thành công, Bình và người bạn hồ hởi đi chào hàng. Thế nhưng ngày đầu tiên, sau khi trình làng “những sáng tạo” từ nơi sang trọng đến bình dân, từ siêu thị đến quán ăn, cả hai chỉ nhận được lời khen sản phẩm đẹp và lời từ chối mua hàng. Lý do “sản phẩm chỉ có giá trị làm đẹp mà tới hai, ba chục ngàn là quá đắt!”.

Lúc này, cô và người bạn chỉ còn biết thở dài khi mân mê chiếc xe kéo ngộ nghĩnh, nhìn con thuyền mỏng manh, cái hình nộm đáng yêu, chiếc đèn có hình cô gái mặc áo dài duyên dáng... Hai người bèn ghi vào sổ tay bài học đầu tiên: “Phải tìm hiểu thị hiếu khách hàng trước khi tung sản phẩm”. Không bỏ cuộc, Bình lại tiếp tục chào hàng với hy vọng sẽ có người nhận ra giá trị “những đứa con”.

Nhưng 2 năm trôi qua, tia hy vọng cũng không le lói. Lúc này, Bình đành chấp nhận sự thật: “Sản phẩm chưa thể có chốn dung thân tại thị trường trong nước, chỉ còn cách tìm đường đưa ra nước ngoài mới mong vượt qua ván cờ nghiệt ngã này”. Nhưng không biết gì về marketing, đồng vốn cuối cùng vay mượn được cũng không còn, nhân lực chẳng có ai... nên cô chẳng biết xoay sở thế nào để hàng ra nước ngoài.

Tưởng như đối thủ cuộc đời chiếu bí “đại sư” đến nơi, tưởng rằng giấc mơ kinh doanh đã tan vỡ.  Nhiều lúc Bình nản quá muốn “xếp cờ” nhưng nghĩ nếu bỏ cuộc là sẽ mất hết - danh dự, mong muốn, vốn liếng... Bình xem đây là ván cờ với đấu thủ lớn nhất trong cuộc đời và muốn thắng nên lại tiếp tục cố gắng.

May sao, SEA Games 22 diễn ra tại Việt Nam và Bình nghĩ ngay cách tiếp thị sản phẩm với người nước ngoài. Cô bèn huy động các “đệ tử” cờ tướng của mình mang sản phẩm ra khu phố tây Phạm Ngũ Lão để bán và lần tiếp thị này thành công rực rỡ. Vì sau đợt ấy, có khách hàng Thái Lan và Mỹ đặt hàng với số lượng rất lớn, rồi có cả công ty lớn muốn đến xem cơ ngơi sản xuất trước khi ký hợp đồng làm ăn lâu dài... “Sinh lộ” đã được mở.

Nhưng một lần nữa, cô phải ghi vào sổ tay bài học về sự chuẩn bị. Vì cô và bạn mình chưa hề nghĩ tới trường hợp sẽ làm và bán được ngay một lượng hàng lớn như vậy nên chưa chuẩn bị nhân sự, xưởng sản xuất... Thế là cả hai đành ngẩn ngơ nhìn những cơ hội bán lượng sản phẩm lớn ra nước ngoài lần lượt trôi qua.

Đường cờ may mắn

Hy vọng đã lóe lên, Bình lại tiếp tục chào hàng với những công ty chuyên xuất khẩu. Và cuối cùng cũng có công ty nhận làm đầu mối xuất hàng cho Bình. Đơn vị này cũng gợi ý cho hai người làm những sản phẩm có giá trị sử dụng để dễ bán hơn như đĩa, tô, hũ có nắp đậy... Sau khi thử thách tay nghề, đối tác bắt đầu mang về cho Hải Bình những hợp 

đồng đầu tiên. Rồi lượng hợp đồng và mẫu hàng được đặt cứ tăng dần. Có mẫu khách hàng chỉ đưa ra ý muốn, có mẫu khách đưa hẳn mẫu đã thành hình... Và đến nay, cơ sở đã xuất được 26 mẫu sản phẩm ra nhiều quốc gia khác nhau với 3 dòng sản phẩm: hàng làm từ giấy tổ ong, từ giấy bào quấn và sản phẩm làm từ giấy đan, trong đó giấy đan là sản phẩm mới nhất với hai mẫu được chào hàng.

Ước mơ của một kỳ thủ đa đoan

Ngồi nhớ lại, Bình cho rằng nhờ chơi cờ mà mình vượt qua được thời gian khốn khó đã qua. Vì người chơi cờ chuyên nghiệp phải sống bằng ý chí. Trong thi đấu, kỳ thủ cần phải trầm tĩnh, phải suy nghĩ vừa rộng vừa sâu để từ đó đưa ra quyết định: đi nước cờ nào. Bên cạnh vai trò bà chủ, Bình còn là thành viên của đội tuyển cờ tướng TP.HCM.

Cô phải mất rất nhiều thời gian để  thực hiện nghĩa vụ của một tuyển thủ. Do đó, sắp tới Bình rất cần có người hợp tác có tâm để quảng bá cho sản phẩm và phát triển quy mô sản xuất, nhất là tìm cách chinh phục khách hàng trong nước. Vì hiện bà chủ vẫn còn gần 50 mẫu sản phẩm dễ thương độc đáo chưa ra được với đời.

Nhưng phát triển thị trường không phải là mong muốn lớn nhất của Hải Bình. Điều mà cô cố gắng thực hiện là: “Mọi người trong cơ sở giữ được mối quan hệ thân thiết như gia đình. Có được diện tích đủ rộng để có thể bố trí cho nhân công có thể làm việc và ở lại tại chỗ vừa giúp họ tiết kiệm chi phí vừa có chỗ ở tốt hơn bây giờ”.

Theo Võ Thiên Hương
Thanh Niên