Từ cậu bé tự kỷ trở thành thiên tài vật lý, được kỳ vọng đoạt giải Nobel

Ngô Trung Dũng

(Dân trí) - Jacob Barnett (người Mỹ) gây chú ý khi ban đầu không có khả năng đọc, viết nhưng dần trở thành thiên tài trong lĩnh vực vật lý.

Ngay từ khi Jacob Barnett còn nhỏ, bố mẹ đã nhận ra nhiều điểm khác biệt của anh so với những đứa trẻ bình thường.

"Mỗi khi tôi bế con, bé sẽ quay lưng lại và trốn tránh việc đối mặt, giao tiếp với tôi. Từ khi một tuổi, Jacob thường hướng về phía bóng tối hoặc nhìn chằm chằm, xoay quả bóng đồ chơi suốt nhiều giờ. Trong khi những đứa trẻ khác hiếu động và vui vẻ, tôi lại cảm thấy con trai trầm lắng một cách bất thường", bà Kristine - mẹ của Jacob - kể lại.

Jacob được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ khi gần hai tuổi. Bác sĩ nói rằng, cậu có thể sẽ không bao giờ biết đọc, biết viết, thậm chí là làm những việc bình thường như vệ sinh cá nhân, buộc dây giày.

Từ cậu bé tự kỷ trở thành thiên tài vật lý, được kỳ vọng đoạt giải Nobel - 1

Jacob được chẩn đoán mắc chứng phổ tự kỷ ở mức trung bình đến nặng (Ảnh: Shahrvand).

Các buổi trị liệu cùng hàng loạt chương trình giáo dục đặc biệt được áp dụng không mang lại kết quả khả quan. Jacob vẫn không muốn giao tiếp với mọi người và ngày càng thu mình lại, khép kín hơn.

"Jacob đã ngừng nói, không còn giao tiếp bằng mắt với bất kỳ ai cũng như không trả lời khi được nói chuyện. Nếu ai đó ôm Jacob, con sẽ đẩy ra xa. Nhà trường nói với tôi rằng, Jacob sẽ không bao giờ cần thẻ bảng chữ cái vì con sẽ không bao giờ học đọc", mẹ Jacob chia sẻ. 

Bà Kristine quyết định không dựa vào các liệu pháp y tế mà cho con trai phát triển tự nhiên và độc đáo đúng như bản chất của cậu bé. Jacob được cho học tại nhà, tham gia những hoạt động yêu thích như vẽ, làm toán, giải câu đố ghép hình.

Jacob rất thích thú khi tìm hiểu các hành tinh và không gian nên bà Kristine đã đưa con đến cung thiên văn để tham gia triển lãm, ngắm Sao Hỏa bằng kính viễn vọng. Tại buổi triển lãm, cậu khiến mọi người vô cùng bất ngờ khi trả lời được câu hỏi về quỹ đạo hình elip của Sao Hỏa.

Lúc 9 tuổi, khi đang chơi với các hình dạng, cậu bé đã xây dựng được loạt mô hình toán học giúp mở rộng thuyết tương đối của Einstein. Các giáo sư đại học mô tả việc tạo ra những mô hình đó là bước đột phá và kỳ vọng cậu sẽ sớm hoàn thành nghiên cứu vấn đề này trong tương lai, đoạt giải Nobel vật lý.

Từ cậu bé tự kỷ trở thành thiên tài vật lý, được kỳ vọng đoạt giải Nobel - 2

Jacob gây bất ngờ khi từ cậu bé không biết đọc, viết trở thành thiên tài trong lĩnh vực vật lý (Ảnh: The Mirror).

Năm 10 tuổi, Jacob vượt qua một bài kiểm tra vật lý và được Đại học Indiana - Đại học Purdue Indianapolis (IUPUI) mời nhập học với điều kiện phải hoàn thành chương trình giáo dục từ lớp 6 đến lớp 12 theo chuẩn của bang Indiana, Mỹ.

Cậu bé chỉ mất một năm để hoàn thành toàn bộ chương trình học và chính thức trở thành sinh viên ở tuổi 11. Cũng trong năm này,  Jacob xuất bản bài báo đầu tiên của mình trên một tạp chí khoa học uy tín.

Sau khi hoàn thành bằng đại học ở IUPUI, Jacob trở thành người trẻ nhất từng được nhận vào chương trình Học giả Perimeter Quốc tế (PSI) tại Viện Vật lý lý thuyết Perimeter (Canada) khi 15 tuổi. Thời gian theo học thạc sĩ tại đây giúp cậu nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về niềm đam mê vật lý và vũ trụ học với các học giả, nhà nghiên cứu "lão làng".

Từ cậu bé tự kỷ trở thành thiên tài vật lý, được kỳ vọng đoạt giải Nobel - 3

Jacob Barnett thực hiện tính toán, kiểm tra lại kết quả nghiên cứu (Ảnh: The Mirror).

Những nghiên cứu của Jacob trong lĩnh vực như lực hấp dẫn lượng tử vòng và lý thuyết trường lượng tử đã gây chú ý, đạt được sự ghi nhận trong cộng đồng khoa học. Chỉ sau hơn một năm, cậu hoàn thành bằng thạc sĩ tại Viện Vật lý lý thuyết Perimeter khi mới 16 tuổi.

Tuy nhiên, Jacob vẫn thể hiện sự khiêm tốn với thành tích của mình: "Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên và ngưỡng mộ câu chuyện của tôi. Tôi chỉ nghĩ rằng, tôi có đam mê, yêu thích vật lý và đã bắt đầu sớm hơn bạn bè cùng trang lứa nên gặt hái được thành công sớm hơn.

Tôi là cậu bé may mắn có được tình yêu thương, giúp đỡ của gia đình. Nhờ có sự ủng hộ của mọi người, tôi mới có thể vượt qua bệnh tật và trở thành nhà nghiên cứu vật lý".