DMagazine

Cô gái Sán Dìu vô địch Robocon quốc gia, muốn bình đẳng giới trong giáo dục

(Dân trí) - Diệp Thị Hiền từng nhận về nhiều ánh mắt hoài nghi khi đam mê và theo đuổi ngành kỹ thuật. Cô muốn chứng minh "không ngành nghề nào phân biệt giới tính" bằng những thành tích của bản thân.

"Là con gái, sao lại học ngành kỹ thuật?".

Đó là câu hỏi mà Diệp Thị Hiền (SN 2002) - sinh viên năm cuối ngành Điện tử - Viễn thông, Đại học Công nghiệp Hà Nội - nhiều lần nhận được từ những người xung quanh khi theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học công nghệ.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Diệp Thị Hiền cho biết, đối với cô, không có ngành nghề nào phân biệt giới tính. Tất cả đến từ sự đam mê và cố gắng theo đuổi mục tiêu của mình.

Cô gái Sán Dìu vô địch Robocon quốc gia, muốn bình đẳng giới trong giáo dục - 1

Đối diện với những hoài nghi về "con gái học kỹ thuật", Hiền tham gia nhiều cuộc thi và đạt được một số thành tích để chứng minh rằng, chỉ cần nỗ lực đúng cách sẽ gặt hái được thành quả.

Gần đây, cô gái 21 tuổi là một trong 20 nữ sinh tiêu biểu cả nước nhận Giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam 2023. Đây là giải thưởng được trao cho những nữ sinh có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc trong một số lĩnh vực khoa học công nghệ đặc thù.

Thành tích nổi bật của Diệp Thị Hiền là vô địch cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam - Robocon 2023.

"Em khá bất ngờ và cảm thấy may mắn khi giành được giải thưởng này. Đó là niềm tự hào của nhà trường, khoa, gia đình và bản thân em. Đây cũng là minh chứng cho những nỗ lực của em suốt thời gian qua và là động lực mạnh mẽ giúp em tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với kỹ thuật trong tương lai", cô chia sẻ.

NusinhvodichRobocon title 1.jpg

Diệp Thị Hiền sinh ra trong gia đình có 5 chị em, bố là người dân tộc Sán Dìu, mẹ là người Hoa. Cả nhà sống nhờ nghề trồng vải thiều ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Vì không có điều kiện đi học thêm, mấy chị em tự bảo ban nhau học hành từ nhỏ.

Khi Hiền học tiểu học, cứ mỗi lần tivi chiếu chương trình Robocon, cô cùng chị gái lại bị cuốn vào những trận tranh tài gay cấn và nuôi ước mơ được nghiên cứu, tự tay chế tạo robot trong tương lai.

Cô gái Sán Dìu vô địch Robocon quốc gia, muốn bình đẳng giới trong giáo dục - 5

Sau khi tốt nghiệp trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Lục Ngạn, Diệp Thị Hiền quyết định theo chân chị gái học ngành Điện tử - Viễn thông. Dù một số người nói ngành học này khô khan, không phù hợp với con gái, cô vẫn tin mình không lựa chọn sai lầm.

Là một trong 5 nữ sinh trong lớp có tới 60 bạn nam, Hiền không xem đó là điều bất lợi.

Trong 2 năm học đầu tiên, cô gái sinh năm 2002 hào hứng khi được tiếp xúc với những điều mới mẻ, từ lắp ráp mạch điện tử đến học về phần mềm, lập trình. Tuy có thời điểm phải học trực tuyến vì Covid-19, cô vẫn nỗ lực giành được học bổng và danh hiệu sinh viên giỏi.

NusinhvodichRobocon title 2.jpg

Bước sang năm thứ 3, việc học ổn định hơn và bản thân có sự tự tin nhất định với những kiến thức tiếp thu được, Diệp Thị Hiền đăng ký tham gia đội tuyển Robocon của khoa Điện tử. Cô cùng đồng đội xuất sắc vượt qua vòng tuyển chọn của Đại học Công nghiệp Hà Nội, sau đó là vòng loại miền Bắc và đặt chân tới vòng chung kết toàn quốc.

Càng vào sâu, đối thủ càng "đáng gờm", nhóm của Hiền phải cải tiến liên tục để cho ra sản phẩm robot tối ưu qua từng vòng. Trong đó, cô đảm nhận nhiệm vụ thiết kế, chế tạo mạch điện tử, giúp robot vận hành và làm một số công việc hậu cần.

Thời gian này, cả nhóm "ăn ngủ cùng robot". Tùy mỗi hôm có lịch học hay không, các thành viên lại lên phòng lab (phòng thí nghiệm) nghiên cứu, làm mạch cho tới tối muộn, khi trường đóng cửa mới về.

Đến giai đoạn nước rút, Hiền cùng các bạn ngày đêm có mặt ở xưởng để chạy thử robot và tập luyện, chỉ dám tranh thủ chợp mắt để kịp tiến độ.

Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi, tại trận chung kết Robocon Việt Nam năm nay, Hiền cùng đồng đội vỡ òa khi mang về chức vô địch cho Đại học Công nghiệp Hà Nội sau 15 năm chờ đợi.

Nữ sinh Sán Dìu bật khóc khi vô địch Robocon quốc gia (Video: VTV)

Đội tuyển sau đó đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Campuchia và đạt hạng ba chung cuộc, cùng giải "Kỹ thuật tốt nhất".

Nhìn lại hành trình vừa qua, Hiền trân trọng những kỷ niệm đẹp và trải nghiệm quý giá mà có lẽ không có được ở đâu khác.

"Robocon 2023 giúp em có cơ hội gặp gỡ, học hỏi rất nhiều điều hay từ thầy cô, anh chị và các bạn. Em sẽ không bao giờ quên được những ngày tháng cùng thầy cô và toàn đội nỗ lực không ngừng nghỉ để có được thành quả như hôm nay. Nếu có điều hối tiếc, có lẽ đó chỉ là tại sao em không gia nhập đội sớm hơn", nữ sinh chia sẻ.

Cô gái Sán Dìu vô địch Robocon quốc gia, muốn bình đẳng giới trong giáo dục - 9

Việc tham gia đội tuyển Robocon và giành được giải thưởng cao cũng giúp cho thời sinh viên của Hiền thêm trọn vẹn. Cô coi đây là cơ hội để trau dồi kiến thức và kỹ năng, đồng thời thử thách, rèn luyện bản thân.

Ví như, Hiền học được tính kiên nhẫn và kỷ luật cao trong quá trình làm mạch. Bởi lẽ, đứng trước những linh kiện nhỏ chỉ tính bằng milimet, cô không được phép nóng vội hay bất cẩn vì sẽ không thể hàn gắn, tạo ra được bảng mạch hoàn chỉnh.

NusinhvodichRobocon title 3.jpg

Đối với Diệp Thị Hiền, học tập thôi là chưa đủ, cô thích tham gia các hoạt động Đoàn, Hội và tình nguyện. Qua đó, nữ sinh vừa có thể tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm, vừa có cơ hội tham gia các lớp tập huấn giúp bản thân tự tin, mạnh mẽ hơn và cống hiến đúng với sức trẻ của thanh niên.

Hiện tại, Hiền là Ủy viên Ban chấp hành liên chi Đoàn khoa Điện tử, Bí thư chi đoàn Điện tử 6 - K15, Đại học Công nghiệp Hà Nội. Bên cạnh đó, với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ học thuật FEA khoa Điện tử, cô luôn là tấm gương sáng với điểm trung bình tích lũy 3.34/4.0, điểm rèn luyện 92/100.

"Ban đầu, em khá loay hoay trong việc sắp xếp thời gian để cân bằng học tập, nghiên cứu và hoạt động Đoàn, Hội. Sau đó, em học được cách sắp xếp thời khóa biểu chi tiết, đánh giá mức độ ưu tiên cho từng hoạt động ở mỗi giai đoạn. Như thời điểm thi Robocon, có những ngày em chỉ ngủ 4 tiếng, chấp nhận kết quả học tập giảm đi một chút để tập trung nghiên cứu.

May mắn là bên em luôn có thầy cô và những người bạn chỉ bảo, hướng dẫn để em có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ", cô chia sẻ.

NusinhvodichRobocon 4.jpg

Sau khi sân chơi Robocon khép lại, Diệp Thị Hiền thử sức tại cuộc thi IoT Challenge cấp trường. Với đề tài "Thiết kế hệ thống giám sát sức khỏe bệnh nhân", nhóm của cô gái SN 2002 giành giải nhất, trong đó cô phụ trách chính về phần mạch.

Cũng vào đầu năm học này, Hiền ứng tuyển và giành được học bổng 22 triệu đồng từ một tập đoàn. Nhờ đó, cô có cơ hội thực tập và được cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp.

"Em đang học tiếng Trung và tiếng Anh để chuẩn bị bước vào thị trường lao động. Điều này cũng giúp ích cho việc nghiên cứu khoa học của em sau này", nữ sinh nói.

Trong năm cuối ngồi trên giảng đường, Hiền vẫn còn nhiều dự định và kế hoạch ở phía trước.

Với vai trò là thành viên của đội Robocon, nữ sinh sẽ tiếp tục cùng các bạn học tập, nghiên cứu chuẩn bị tốt nhất cho cuộc thi Robocon 2024 được tổ chức tại Việt Nam.

NusinhvodichRobocon 5.jpg

Trong vai trò là chủ nhiệm CLB học thuật của khoa, Hiền hy vọng có thể cùng các thành viên dẫn dắt câu lạc bộ ngày một phát triển và giúp đỡ được nhiều sinh viên hơn.

"Trong tương lai, em vẫn sẽ học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức chuyên môn và theo đuổi niềm đam mê với kiến thức kỹ thuật. Em hy vọng có thể đóng góp vào sự phát triển chung của khoa học công nghệ,  gặt hái nhiều thành tích mới", cô gái 21 tuổi chia sẻ. 

NusinhvodichRobocon 6.jpg

Ảnh: NVCC

Thiết kế: Tuấn Huy

Nội dung: Thu Thảo