Ba ước mơ mồ côi

Nghèo. Mồ côi. Hiếu học. Đó là gia cảnh chung của những sinh viên Lê Quốc Bình, Trần Văn Quốc, Nguyễn Văn Quang. Họ đang phải từng ngày đánh vật với cuộc sống để những ước mơ không bao giờ tắt.

Nuôi ước mơ bên mâm xôi

Trong cơn mưa tầm tã, men theo quốc lộ 1A và 53, vượt hàng trăm kilômet chúng tôi mới gặp được Lê Quốc Bình (xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh), tân sinh viên ngành điện tử Trường ĐH Cần Thơ. 

Bình đang cặm cụi với xấp giấy gói bánh mì (4.000đ/kg) bán ngoài chợ và cắt giấy tập cũ đóng lại thành tập để chuẩn bị bước vào giảng đường. Nhà vắng tanh, lành lạnh trong cơn mưa rả rích.

Bình lặng lẽ tâm sự: “Mẹ ra chợ bán xôi từ tờ mờ sáng, mưa lớn thế này chắc trưa lắm mới về. Chị Hai dạy cấp III lo trả nợ ngân hàng, còn chị Ba học ĐH Cần Thơ cả năm mới về thăm nhà để tiết kiệm tiền xe”.

Người cha bỏ đi từ năm Bình 3 tuổi, 2 công ruộng đã trở thành tiền cho ba chị em ăn học, khó khăn ngày một chất ngất. Vừa trò chuyện với chúng tôi, đứa con trai út của ngôi nhà vắng cha vừa cặm cụi vót tỉ mỉ cây thước chuẩn bị sẵn sàng đi dạy kèm; rồi nói trong nước mắt: “Hơn 10 năm nay mẹ chưa một ngày ngủ ngon vì cứ 3 giờ sáng là phải thức dậy nấu xôi, hâm lại nồi cơm nguội với ước vọng các con vào đại học”.

Và cũng bao năm rồi, sáng nào Bình cũng phụ mẹ hoàn tất mâm xôi. Đã bao lần mẹ ngất xỉu bên mâm xôi chưa kịp mang ra chợ vì mất sức. Bình khoe “tài sản lớn nhất còn lại là cái tivi trắng đen - quà kỷ niệm từ ngày cha mẹ mới... cưới nhau”.

Đêm vu lan không rộn rã tiếng cười nhưng trong căn nhà trống trước hụt sau ấy có một người mẹ không kìm được nước mắt khi con trai đậu đại học. Người con ấy rủ rỉ với chúng tôi: ngay khi vào học sẽ tìm  một chân gia sư hoặc làm “thợ đụng” và đã nhờ chị liên hệ một chân chạy bàn tại quán cơm ở Cần Thơ. Nếu không, có thể sẽ lại về phụ mẹ nấu xôi...

Bán vé số để mua... ước mơ đi học

Ba ước mơ mồ côi - 1

Tân SV Trần Văn Quốc tiếp tục rong ruổi mưu sinh với xấp vé số.

Gặp Trần Văn Quốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) khi chàng tân sinh viên ngành Quản lý Đất đai đang bán vé số.

Cha mẹ ly thân khi Quốc học lớp 2, mẹ lập gia đình khác. Quốc và hai đứa em ở với ngoại, cắn răng vừa học vừa làm nuôi mình lẫn hai đứa em ăn học.

Phan Văn Nam, bạn thân của Quốc, kể: “Thời cấp II, hè đến là nó mải mê “đi bạn” lênh đênh trên biển câu mực, bắt cá, chắt mót mỗi chuyến được vài trăm nghìn đồng.

Ngoài giờ học tại lớp, cứ rảnh là Quốc đi suốt lúa, mót lúa, cắt lúa, làm cỏ mướn, đặt lờ, giăng câu, leo dừa... chắt chiu từng đồng mua sách vở, đóng học phí cho mấy đứa em, phụ ngoại mua gạo. Cả xóm ai cũng thương. Lên cấp III, Quốc bắt đầu rong ruổi bán vé số”.

Thấy anh cực khổ, đứa em nào cũng cố học. Em thứ ba đã lên lớp 12 và hứa với anh Hai sẽ thi đậu ĐH. Em thứ tư học lớp 6 cũng thế. Còn Quốc vẫn hồn nhiên kể về ước mơ “khỏe để lo cho mấy đứa em”, dù chúng tôi biết cuộc mưu sinh ăn học nhọc nhằn đã khiến người bạn trẻ này bị viêm gan siêu vi, mắt nhập nhòe gần 3 độ.

Và mới nhập học được vài ngày, Quốc lại rong ruổi với xấp vé số. Nhìn dáng đi lủi thủi của Quốc, chúng tôi thầm lo: liệu ước mơ giảng đường Quốc sẽ đi trọn nổi với gánh nặng mưu sinh?!

Lặng lẽ một ước mơ 

Ba ước mơ mồ côi - 2

Ngày ấy mẹ ra đi/ Đứa con thứ ba mới vừa tròn 2 tuổi/ Những nỗi buồn đau một thời chưa nói/ Đã bám đầy tóc rối tinh sương/ (…) Đứa con lớn lên/ Những câu hỏi làm người cha bối rối…”.

Đó là những dòng thơ ngập nỗi niềm của Nguyễn Văn Quang (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), tân sinh viên ngành sư phạm Anh văn Trường ĐH Cần Thơ, mà chúng tôi được đọc.

Thế nhưng tìm Quang tại ký túc xá, một sinh viên cho biết: “Mới té từ trên giường tầng xuống phải xát muối. Vậy mà 6 giờ sáng nay, Quang đã theo bạn bè đi làm đèn trung thu tặng trẻ mồ côi rồi...”.

“Vắng tình thương của mẹ từ nhỏ nên mình hiểu sự khát khao của những bạn nhỏ khó khăn”, người học trò nghèo, từng là học sinh giỏi Anh văn cấp thành phố, bộc bạch về niềm vui san sẻ của mình, rồi khoe: “Mình đã “ướm” được một nơi nhận làm gia sư rồi...”.

Thủ khoa khối C Dương Công Hiệp, bạn thân của Quang, bảo: “Mới vào ĐH, Quang đã mơ ra trường sẽ về U Minh quê mẹ dạy…”. Bỗng dưng, Hiệp bỏ lửng câu nói: “Chỉ sợ hoàn cảnh như thế này thì...”.

Theo Thanh Xuân
Tuổi Trẻ