Về Quỳnh Lưu thưởng thức các món ngon từ sâm đất

(Dân trí) - Cứ vào khoảng cuối tháng 11 đến hết tháng Giêng âm lịch hàng năm là mùa các mẹ, các chị vùng ven biển Quỳnh Lưu, mỗi người một cuốc, một xô đi đào con sâm đất (còn gọi là sá sùng hay hải sâm).

Đây là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao đồng thời cũng là vị thuốc chữa được nhiều bệnh.

Khi nước triều vừa rút những cái hang sâm nhỏ xíu lộ ra. Với người đào sâm đất lâu năm, chỉ cần nhìn thấy lỗ nào có ụ bùn cát nhỏ đùn lên xung quanh thì giáng cuốc đào dồn dập. Sau chừng 5 nhát, họ đã lôi lên một con sâm đất dài ngoẵng. Thả trên cát một lúc nó co lại còn một nửa, mình to gần bằng ngón tay cái, màu nâu đỏ lấp lánh.
Món sâm đất nấu đông 

Món sâm đất nấu đông 
 

Dẫu là dân sành ăn, thoạt đầu trông thấy con sâm đất còn sống ngọ ngoậy trong chưa chắc ai dám ăn. Tuy nhiên sâm đất sau khi đã qua các khâu chế biến thì cực kỳ hấp dẫn. Sâm đất được các chị, các mẹ đào bắt về, đem chà rửa nhiều lần cho bong tróc lớp đất nâu đỏ bên ngoài, để ráo. Sau lấy cái tô kê một rổ nhựa lên trên, tiếp đến dùng kéo cắt ra làm đôi hoặc đoạn bằng đốt ngón tay. Khi cắt sẽ thấy nước gạch màu vàng từ trong mình sâm đất tiết ra, rỉ xuống tô. Sâm đất cắt xong, phần nước gạch họ để lắng rồi gạn bỏ đất lấy phần nước vàng trong để nấu. Phần cái họ lộn từ trong ra ngoài như lộn ruột gà rồi cho muối vào xát thật kỹ, đến khi đem rửa nước có màu trong thì được.

Sâm đất xào su hào
Sâm đất xào su hào
 
Hành tím bóc vỏ đập dập, ớt cay tươi xắt lát bỏ hạt, tất cả băm nhỏ đem khử mỡ vừa tới. Các mẹ cho sâm đất vào, đảo đều cho thấm rồi nêm các loại gia vị gồm mắm, muối, bột ngọt, tiêu xay. Theo bí quyết của những phụ nữ nơi đây, sâm đất được xào qua nước và xác mỡ lợn sẽ ngon hơn cũng sâm đất nhưng xào với dầu ăn. Và để giữ được mùi vị đặc trưng của con sâm họ tận dụng nước cốt trong mình nó để rưới lên phần thịt đã được xào tái trên chảo.

Sâm đất sau khi sơ chế được trút vào âu lớn để thật nguội rồi cất vào tủ lạnh dùng dần. Mỗi lần xào nấu chỉ cần xén lấy vài ba muỗng là đủ. Hải sâm tươi được các chị, các mẹ vùng biển Quỳnh chế biến theo nhiều cách khác nhau như xào với su hào, bắp cải, rau cần, hành tây, củ chuối non... Tùy theo mỗi loại rau, củ nấu cùng họ sẽ gia vào các loại rau tương ứng như thì là, hanh hao, hành lá, cà chua... để tăng thêm mùi vị cho món ăn.

Trộn lẫn với các thứ rau rợ xanh ngon là những miếng hải sâm trắng nõn, thơm bùi, giòn giòn, dai dai, đậm đà tan ra trên đầu lưỡi. Đặc biệt vị ngọt ở sâm đất rất đặc trưng nên người dân ở đây còn chế biến sâm đất cho vào nồi nước dùng để món lẩu, món cháo thêm phần hấp dẫn.

Sâm đất thường có quanh năm, nhưng đúng mùa phải vào cuối tháng 11 đến hết tháng giêng, lúc con sâm béo, chắc nhất. Đây cũng là dịp, phụ nữ vùng ven biển Quỳnh đi đào sâm đất về nấu đông ăn dần. Vì vậy mà nơi đây, các món ngon từ sâm cũng thường xuất hiện trên mâm cỗ gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về hoặc khi gia chủ có khách quý viếng thăm.

X.Chi  - K.Hồng