Về Tân Kỳ xem nghề ép cây mía "đẻ"... ra tiền

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Với mức giá 15.000- 20.000 đ/lít bán ngay tại nhà, người làm mật mía ở các xã trên địa huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động .

Về Tân Kỳ xem nghề ép cây mía đẻ... ra tiền - 1

Thay vì đem bán hay nhập cho nhà máy đường, cây mía ở đây được người dân chặt dần diện tích để ép lấy mật đem bán.

Xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ, (Nghệ An) nằm ngay cạnh đường Hồ Chí Minh. Đây được xem là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng về sản xuất  mật mía. Sản phẩm mật nơi đây đậm chất "quê" không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang Lào, mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con.

Quá trình sản xuất mật mía.

Thay vì đem bán hay nhập cho nhà máy đường, cây mía ở đây được người dân chặt dần diện tích để ép lấy mật đem bán. Mùa làm mật mía thường được bắt đầu từ tháng 10, thời điểm cây mía đủ độ đường và kéo dài đến tháng 3 năm sau.

Trước đây khi khoa học kỹ thuật chưa phổ biến, nghề làm mật rất vất vả. Muốn làm được mật, phải huy động rất nhiều nhân lực, dùng sức kéo của trâu, bò để kéo che nên năng suất  kém.

Về Tân Kỳ xem nghề ép cây mía đẻ... ra tiền - 2

Mía được vào máy để ép.

Đến nay, bà con trong làng đã biết cải tiến thay sức kéo của trâu bò bằng sức của máy nổ, mô tơ nên công việc ép mía trở nên đơn giản và hiệu quả cao. Trong quy trình sản xuất ra được mật, công đoạn nấu mật có lẽ là khó khăn nhất, làm sao để mật vừa sáng, vừa thơm ngon, đạt tiêu chuẩn.

Cái khó là công đoạn này không có thiết bị kiểm tra, đo lường chất lượng mà chỉ bằng thủ công. Nếu không có kinh nghiệm, kỹ thuật thì mật sẽ không ngon.

Về Tân Kỳ xem nghề ép cây mía đẻ... ra tiền - 3

Rồi cho ra bể nước lóng .

Gia đình anh Lê Văn Minh (SN 1978, ở thôn Châu Nam, xã Tân Hương) là một trong những gia đình có thâm niên làm mật mía cho biết: " Cái nghề này tôi được truyền lại từ nhiều đời nay, nghề ép mật mía khá phức tạp, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, đòi hỏi người làm phải chịu khó, tỉ mỉ vì trải qua nhiều giai đoạn. Phải nhanh tay bởi trong quá trình nấu mật mía khi bắt đầu sôi, nếu không vớt kịp bọt, làm nước bị trào thì mật sẽ có màu đen, mất sản lượng và kém thơm ngon".

Về Tân Kỳ xem nghề ép cây mía đẻ... ra tiền - 4

Nước mía sau khi ép được "lóng" cặn và đổ vào chảo để nấu mật.

 "Trước đây tôi làm nghề lái xe tải nhưng nhận thấy công việc nguy hiểm và vả nên đã bàn với vợ đầu tư mua máy và các thiết bị để về làm nghề mật mía. Sau nhiều năm sản xuất ổn định giờ đây gia đình đã xây được nhà và kinh tế bớt đi khó khăn", anh Minh cho biết thêm.

Về Tân Kỳ xem nghề ép cây mía đẻ... ra tiền - 5

Trong một ngày nhiều tấn mía được xay để lấy mật.

Vừa rót ly nước chè pha với mật trên chảo cho khách uống, chị Nguyễn Thị Mai - vợ anh Minh hồ hởi: "Trước đây làm thủ công vất vả lắm nhưng nay đã có máy móc nên công việc từ thu hoạch, làm sạch mía, vớt bọt… đến giai đoạn cho thành phẩm đã rút gọn đi được nhiều công đoạn".

Về Tân Kỳ xem nghề ép cây mía đẻ... ra tiền - 6

Để nấu mật mía, người dân đã xây một chiếc lò gồm 4 ngăn.

Về Tân Kỳ xem nghề ép cây mía đẻ... ra tiền - 7

Cột thoát hơi nước được xây rất cao nhằm bảo vệ môi trường.

"Làm nghề này vừa mang lại kinh tế vừa mang lại niềm vui cho người dân. Không chỉ người lớn mà các công việc nhỏ nhẹ như: Đun lửa, vớt bọt mía các con tôi cũng phụ giúp được. Hiện trong thôn chúng tôi có rất nhiều hộ gia đình sản xuất nghề mật mía truyền thống này", chị Mai chia sẻ thêm.

 Không chỉ riêng tại xã Tân Hương, các xã như: Nghĩa bình, Giai Xuân, Tân Xuân của huyện Tân Kỳ người dân cũng khá lên nhờ nghề làm mật mía.

Về Tân Kỳ xem nghề ép cây mía đẻ... ra tiền - 8
Về Tân Kỳ xem nghề ép cây mía đẻ... ra tiền - 9

Khi mật sôi, trong chảo mật sẽ được bỏ thêm 1 cái lồng để "nhốt" mật, tránh mật trào ra ngoài.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Công Trung, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Tân Kỳ cho biết: "Nghề làm mật mía đã có từ lâu đời trên địa bàn huyện, hiện nay để áp dụng mô hình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) thì huyện Tân Kỳ có sản phẩm mật mía "nức tiếng" mang lại hiệu quả cao cho người dân. Mật mía ở đây không chỉ nổi trong nước và còn bán ra các nước láng giềng".

Về Tân Kỳ xem nghề ép cây mía đẻ... ra tiền - 10
Về Tân Kỳ xem nghề ép cây mía đẻ... ra tiền - 11

Sau khi nấu khoảng 2 tiếng đồng hồ mật được ra lò.

"Sản phẩm mật mía Tân Kỳ chủ yếu được thương lái thu mua rồi bán lại cho các cơ sở sản xuất bánh kẹo, bên cạnh đó còn chế biến các món ăn khác trong thực đơn mỗi gia đình. Do chất lượng tốt, nhiều thương lái đã đến thu gom mật để xuất bán cho nước bạn Lào", ông Trung cho biết thêm.

Về Tân Kỳ xem nghề ép cây mía đẻ... ra tiền - 12

Mật mía có màu vàng khươm trông rất hấp dẫn. Đây được xem là sản phẩm mật mía "nức tiếng"  của huyện miền núi Tân Kỳ.

Về Tân Kỳ xem nghề ép cây mía đẻ... ra tiền - 13

Mức giá  mật mía hấp dẫn chỉ từ 15.000- 20.000 đ/lít bán ngay tại nhà, kinh tế nhiều hộ gia đình đã khá lên trông thấy từ nghề này.

Được biết, trung bình mỗi tấn mía sau khi hoàn thành sẽ cho cho 1,4 tạ mật cô đặc. Với mức giá 15.000- 20.000 đ/lít bán ngay tại nhà, người làm mật ở huyện Tân Kỳ đã khá lên.

Nhiều gia đình đã dành toàn bộ đất sản để trồng mía, trung bình mỗi hộ nấu mật, trừ chi phí sản xuất thu về từ 40- 60 triệu đồng/năm. So với trồng lúa, ngô, khoai thì làm mật mía cho thu nhập cao hơn nhiều. Nghề làm mật còn tận dụng nguồn nguyên liệu bã mía làm thức ăn cho trâu bò…

Về Tân Kỳ xem nghề ép cây mía đẻ... ra tiền - 14

Du khách thưởng thức món mật mía với nước chè xanh ngay tại lò sản xuất.