1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gia Lai:

Trai nghèo bỏ vợ bầu, mẹ góa, bán mạng vì mộng kiếm việc ngàn "đô"

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Bảy thanh niên thuộc hộ nghèo làng Kloong (Gia Lai) đã bỏ lại vợ bầu, mẹ già, xuất ngoại tìm "việc nhẹ lương cao". 10 ngày sau, nhóm thanh niên gọi về cầu cứu, để chuộc thân nơi đất khách.

Bị lừa bán, bỏ đói, hành hung

Xã Ia O là vùng biên giới thuộc huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Đây là xã khó khăn khi đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số Jrai, đời sống kinh tế khó khăn. Quanh năm, bà con chỉ biết trông chờ vào củ mỳ, cây lúa. Thanh niên trong xã đa số chỉ tốt nghiệp đến bậc trung học cơ sở, cao lắm thì có bằng cấp 3, nghề nghiệp không ổn định.

Trai nghèo bỏ vợ bầu, mẹ góa, bán mạng vì mộng kiếm việc ngàn đô - 1

Làng nghèo xôn xao khi nhóm thanh niên đi "xuất ngoại" để làm "việc nhẹ lương cao" thành ra biệt tích.

Đầu tháng 6, những thanh niên trong làng Kloong đã nghe tin ở TPHCM, Bình Dương đang tuyển người không cần bằng cấp, chỉ cần biết đánh máy vi tính, sẽ nhận được mức lương từ 18-20 triệu đồng/tháng.

Từ chỗ quanh năm sống với nương rẫy ở làng, nhiều thanh niên quyết chí theo lời bạn bè, kéo nhau tới thành phố lớn lập nghiệp.

Với sự chỉ dẫn của một người quen biết ở ngay trong xã, nhóm thanh niên gồm 7 người, thuộc 6 gia đình cùng trú tại làng Kloong (xã Ia O, Ia Grai) đã thuê một chiếc taxi, bí mật ra đi trong đêm. Nhiều người trốn đi, không kịp chào mẹ già, vợ bầu.

Trai nghèo bỏ vợ bầu, mẹ góa, bán mạng vì mộng kiếm việc ngàn đô - 2

Người mẹ già ngày đêm ngóng chờ với nỗi lo không biết lấy tiền đâu mà cứu 2 người con.

Ksor C. (SN 2003, ở làng Kloong) là một trong 7 thanh niên bỏ làng đi tìm "việc nhẹ, lương cao". Hơn 10 ngày qua, kể từ khi C. rời làng, bà B. (mẹ của C.) không đêm nào ngủ được. 

Từ sáng đến tối, bà B. chỉ ngồi trước nhà để chờ tin con. Gần đây, C. liên tục gọi về yêu cầu gia đình vay mượn tiền để kiếm đủ 150 triệu đồng gửi sang "chuộc" để em được thả về nước.

Trai nghèo bỏ vợ bầu, mẹ góa, bán mạng vì mộng kiếm việc ngàn đô - 3

Dù gia đình ngăn cản nhưng nhiều thanh niên trong làng theo lời rủ rê, quyết xuất ngoại đi tìm "việc nhẹ, lương cao".

Bà B. cho biết: "Đầu tháng 6, cháu nghe thanh niên trong làng rủ vào TPHCM đi làm với mức lương tháng 18 triệu đồng. Tôi thấy cũng lạ vì đi làm mà không cần giấy tờ, đi lại lén lút. Lúc đó, tôi đã can ngăn, khuyên cháu ở nhà làm cái nương cái rẫy phụ giúp bố mẹ nhưng cháu một mực không nghe".

"9h đêm ngày 10/6, C. cùng nhóm thanh niên trong làng đã lẳng lặng bắt taxi rời khỏi làng vào TPHCM mà không nói gì với gia đình. Vài ngày sau, C. gọi điện về báo đã bị lừa sang Campuchia nhưng không làm được việc nên bị bỏ đói, hành hung, giờ muốn trở về thì gia đình phải gửi 150 triệu đồng chuộc mới cứu được con. Gia đình hiện không có tiền vì quanh năm sống nhờ mấy cây lúa rẫy. Vì vậy, tôi rất mong chính quyền, công an giúp đỡ sớm đưa cháu về nước", bà B. gạt nước mắt kể.

Vợ bầu ngày đêm ngóng tin chồng

Cả 7 thanh niên làng Kloong bất chấp sự ngăn cản của gia đình, đi theo lời hứa về một công việc nhàn hạ với mức lương từ 18-20 triệu đồng, chỉ vài ngày sau, đều gọi về nhà cầu cứu như Ksor C.

Tuy nhiên, người dân làng Kloong đến cơm ăn từng bữa còn chưa đủ thì lấy đâu ra hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng để gửi sang cứu con.

Bà K.P (làng Kloong) có 2 người con trai là T. (SN 1994) và Đ. (SN 1998) cùng đi theo nhóm thanh niên trên sang Campuchia để làm.

T. đã có một người con trai kháu khỉnh lên 5 tuổi. Đ. mới lập gia đình 2 năm và người vợ đang mang thai người con trai 5 tháng tuổi.

Trai nghèo bỏ vợ bầu, mẹ góa, bán mạng vì mộng kiếm việc ngàn đô - 4

6 gia đình có người đi làm đều là hộ nghèo, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn.

Gia cảnh 2 anh em T. và Đ vô cùng khó khăn khi cùng mẹ già sống trong một căn nhà sàn rách nát, xiêu vẹo. Quanh năm, hai anh em đi làm quần quật mà cơm không đủ ăn. Nghe có công việc lương cao nên anh em cũng bàn nhau để đi với nhóm thanh niên trong làng.

Chị Siu N. (vợ của anh Đ.) nói: "Anh ấy đi cũng không nói gì với gia đình. Anh ấy chỉ nói qua là muốn đến TPHCM để làm việc gì đó với mức lương cao. Tôi cũng can ngăn, mong anh ở nhà phụ giúp gia đình và chờ ngày con chào đời nhưng chắc thấy nhà khó khăn nên anh ấy vẫn quyết tâm ra đi".

Thế rồi đi được vài ngày, Đ. gọi điện nói gia đình gửi 80 triệu đồng tiền đền bù hợp đồng và 10 triệu đồng tiền đi đường để được thả về nước. Nếu không chuyển sớm số tiền 90 triệu, Đ. sẽ bị bán qua nơi khác làm và không được về nữa.

Cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào việc Đ. lên rẫy kiếm ăn từng ngày. Giờ lao động duy nhất bị kẹt ở Campuchia và yêu cầu đóng một số tiền lớn, người vợ trẻ Siu N. lo lắng, mất ăn, mất ngủ.

Đang nỗ lực giải cứu các nạn nhân

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cơ quan chức năng đã liên tục nhận trình báo về thanh niên ở nhiều huyện, xã vì tin lời người lạ trên mạng xã hội, xuất ngoại đi tìm "việc nhẹ, lương cao". Sau đó, nhiều người lại gọi về nhà cầu cứu, nhờ gửi tiền chuộc để được thả từ Campuchia về nước.

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Đinh Văn Sơn - Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, gần 6 tháng đầu năm, đã ghi nhận 43 cuộc trình báo người lao động bị lừa đảo qua mạng, với tổng số tiền thiệt hại tới trên 26 tỷ đồng.

Các thủ đoạn lừa đảo đa số vẫn là hình thức đã có trước nay như tuyển cộng tác viên bán hàng, mời đầu tư tiền ảo, giả danh cán bộ thông báo án phạt…

Mới đây, cơ quan chức năng nhận thêm nhiều trình báo, phản ánh của người dân về thủ đoạn mới là lừa đi làm việc tại Campuchia với mức lương hàng tháng 800-1.000 USD.

Trai nghèo bỏ vợ bầu, mẹ góa, bán mạng vì mộng kiếm việc ngàn đô - 5

Chính quyền địa phương đang tích cực vận động người dân không nghe theo lời rủ rê để đi lao động trái phép.

Theo thông tin trình báo của một số nạn nhân, khi sang Campuchia, họ được đưa vào sống trong các căn hộ chung cư do người Trung Quốc quản lý.

Công việc hàng ngày là qua mạng xã hội gọi điện về Việt Nam lừa đảo người trong nước bằng các hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng, kêu gọi đầu tư, lôi kéo dụ dỗ đi làm việc tại Campuchia…

Những người bị lừa bán nếu làm không đạt chỉ tiêu sẽ bị phạt ít nhất 1.000 USD, bị đánh đập, bỏ đói rồi sau đó buộc phải gọi điện cho người nhà cầu cứu, yêu cầu gửi tiền chuộc thân. Các nạn nhân chỉ được thả khi gia đình đã nộp hàng trăm triệu đồng để chuộc người.

Trung tá Đinh Văn Sơn khuyến cáo, người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước những lời mời "việc nhẹ, lương cao" trên mạng để tránh mắc bẫy lừa đảo.

"Những người dân khi có nhu cầu tìm việc làm cần phải tìm hiểu kỹ và thực hiện các thủ tục theo quy định về hợp đồng lao động đồng thời tìm hiểu công việc, nơi làm thông qua chính quyền địa phương hoặc cơ quan của ngành Lao động - Thương binh&Xã hội để được hướng dẫn, tư vấn cụ thể", ông Sơn nhấn mạnh.