Năm 2021, người lao động kỳ vọng điều gì về việc làm, tiền lương?

Nhóm phóng viên
Nhóm phóng viên

(Dân trí) - Người lao động mong muốn năm mới kinh tế đi lên, việc làm ổn định, giảm tình trạng mất hoặc giãn việc do Covid-19, công việc được phục hồi, thậm chí hàng quán đông khách hơn...

Mong Covid-19... biến mất

Năm 2020 là năm người lao động ở Đà Nẵng đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt, làn sóng dịch Covid-19 lần hai đã tác động tiêu cực đến việc khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động sau thời gian giãn cách xã hội ở đợt một. Đây cũng là năm tỷ lệ thất nghiệp chung toàn Đà Nẵng cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Làm nghề xe thồ chở hàng cho tiểu thương chợ Hàn hơn 40 năm nay, đối ông Nguyễn Văn Cự (76 tuổi, trú phường Bình Hiên, quận Hải Châu) có lẽ năm 2020 là năm khó khăn nhất. Dịch Covid-19 xảy ra 2 đợt trên địa bàn thành phố khiến ông không có việc làm trong thời gian cách ly xã hội. Khi hết dịch, mọi hoạt động trở lại bình thường nhưng công việc của ông vẫn bị ảnh hưởng bởi chợ Hàn chủ yếu phục vụ khách du lịch.

Năm 2021, người lao động kỳ vọng điều gì về việc làm, tiền lương? - 1

Ông Nguyễn Văn Cự mong năm mới không còn Covid-19, kinh tế phục hồi để người dân có công ăn việc làm

"Năm mới tôi chỉ mong không còn Covid-19 nữa, kinh tế phục hồi để mọi người có công ăn việc làm, không bị ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày", ông Cự nói.

Mong quầy sổ xố đắt khách

Không chồng, không con, bà Mai Thị Hai (76 tuổi, trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) làm nghề bán vé số gần 30 năm nay để nuôi sống bản thân. Ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến cuộc sống bà Hai gặp nhiều khó khăn khi không có thu nhập.

Năm 2021, người lao động kỳ vọng điều gì về việc làm, tiền lương? - 2

Bà Mai Thị Hai mong năm mới nhiều người mua vé số ủng hộ bà

"Cách ly xã hội phải nghỉ bán nên không có tiền, giờ được bán lại nhưng người dân cũng không mua vé số nhiều vì bây giờ ai cũng khó khăn", bà Hai nói và cho biết mong năm mới không còn dịch bệnh, cuộc sống người dân khá lên để tiếp tục mua vé số ủng hộ bà.

Người lái xe ôm có thêm thu nhập

Năm 2020 cũng là một năm vô cùng khó khăn với ông Nguyễn Đình Trị (phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi). Không chỉ ông, 4 người cùng chạy xe ba gác máy, xe ôm trong nhóm cũng thở dài khi được hỏi về công việc trong năm qua.

Năm 2021, người lao động kỳ vọng điều gì về việc làm, tiền lương? - 3

Ông Nguyễn Đình Trị (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng nghiệp chia sẻ với phóng viên

Theo ông Trị, những người hành nghề xe ôm, ba gác máy bị ảnh hưởng rất nhiều của dịch Covid-19. Hoạt động giao thông bị ảnh hưởng nên xe ôm mất khách. Kinh tế khó khăn, công trình xây dựng giảm, nhu cầu vận chuyển nhỏ lẻ cần đến ba gác, xe ôm cũng rất ít. Đã gặp khó trong công việc thì đến cuối năm nhà cửa lại bị thiệt hại do mưa bão.

"Trước Covid có tháng kiếm được 3 đến 4 triệu đồng. Còn năm qua thì tháng nào nhiều nhất cũng khoảng 2 triệu. Vậy mà bão còn làm hư hỏng nhà cửa. Dù nhà nước có hỗ trợ nhưng việc làm không có nên vẫn rất khó khăn. Dịp Tết năm nay chắc chắn công việc cũng ít hơn các năm trước. Bước sang năm mới mong sao dịch bệnh "biến mất" luôn để những lao động tự do như chúng tôi có thêm việc làm", ông Trị chia sẻ.

Gánh hàng rong bớt ế

Ngày cuối cùng năm cũ, chúng tôi gặp chị Trương Thị Thủy (sinh năm 1973, trú tại phường Hương Long, TP Huế). Chị bán hàng rong các loại củ, quả luộc như sắn, khoai lang, bắp luộc.

Chia sẻ với chúng tôi: "Trong suốt một năm qua, bản thân gia đình tôi và công việc của tôi gặp rất nhiều khó khăn, làm ăn không được. Dịch bệnh Covid-19 đã làm cho số lượng khách hàng giảm rất nhiều. Thậm chí có những hôm tôi không thể đi bán được, công việc cứ bấp bênh như vậy".

Năm 2021, người lao động kỳ vọng điều gì về việc làm, tiền lương? - 4

Kết thúc một năm đầy khó khăn, chị Thủy hi vọng sang năm mới 2021 tình hình dịch bệnh, thiên tai sẽ giảm bớt để công việc của chị thuận lợi, suôn sẻ hơn

Chị Thủy mong rằng qua năm mới năm 2021, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi, thiên tai có thể giảm bớt và khách đông hơn để công việc buôn bán diễn ra thuận lợi, điều này sẽ góp phần giúp chị trang trải thêm cuộc sống cho gia đình. 

Cửa hàng lưu thoát sản phẩm nhanh hơn

Còn tiểu thương Bùi Thị Xuân Lợi (buôn bán rau tại chợ Phường Phù Đổng, TP.Pleiku, Gia Lai) cho biết: "Nhìn lại năm 2020 đúng là một năm khó khăn nhất trong mọi năm. Ngay từ đầu năm, tình hình dịch Covid - 19 đã khiến cho lượng người mua liên tục giảm mạnh, hàng hóa từ các vùng nguyên liệu bị mất mối liên tục do việc thông thương bị ngưng trệ...".

Năm 2021, người lao động kỳ vọng điều gì về việc làm, tiền lương? - 5

 Chị Lợi cũng như các tiểu thương mong muốn hàng hóa thông thương để thuận lợi cho việc buôn bán

"Sang năm 2021, tôi cũng như các tiểu thương đều mong muốn các hàng hóa tại vùng xuôi sẽ thông thương trở lại. Đồng thời, dịch bệnh được khống chế để chúng tôi yên tâm trong buôn bán. Người dân công việc ổn định để có thu nhập còn tăng chi tiêu.", chị Lợi mong muốn.

Ngư dân mong thoát thẻ vàng EC

Ngoài giảm về sản lượng, trong năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã giá cá chỉ còn 75.000-95.000 đồng/kg, giảm khoảng 30.000-35.000 đồng/kg so với năm trước. Do đó nhiều ngư dân đành để thuyền nằm bờ, chuyển đổi ngành nghề mới.

Năm 2021, người lao động kỳ vọng điều gì về việc làm, tiền lương? - 6

Ngư dân hành nghề câu cá ngừ đại dương mong thoát thẻ vàng EC

Bước sang năm 2021, ngư dân Phú Yên mong muốn các cấp các ngành sẽ có các chính sách hỗ trợ cải hoán tàu cá, cấp hạng ngạch đối với các tàu cá 14,9m (chiều dài thực hơn 15m nhưng do tâm linh, tín ngưỡng chỉ để 14,9m) được khai thác ở vùng khơi…Đặc biệt quan tâm đến các chế tài về giám sát hành trình để không tàu cá nào còn đánh bắt qua các vùng biển nước bạn, từ đó nước ta thoát thẻ vàng EC. Khi thoát thẻ vàng, cá ngừ đại dương "hiên ngang" xuất khẩu, giá cá lên cao đời sống ngư dân ổn định hơn." - ông Hồng chủ tàu PY 95067 ở phường Phú Đông (TP. Tuy Hòa, Phú Yên) mong muốn.

Mong ít bão, công nhân điện bớt vất vả

Anh Phan Văn Kiên (SN 1982), là công nhân ngành điện Quảng Nam, công tác tại điện lực Hiệp Đức, Quảng Nam. Trong đợt mưa bão lịch sử vào cuối tháng 10/2020, hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành điện ở vùng sạt lở huyện Phước Sơn bị thiệt hại nặng nề. Anh cùng với các công nhân khác không quản ngại khó khăn, ngày đêm khắc phục hậu quả bão lụt để khôi phục, đưa dòng điện đến với bà con nhanh nhất có thể.

Năm 2021, người lao động kỳ vọng điều gì về việc làm, tiền lương? - 7

Anh Phan Văn Kiên kéo dây, khôi phục lại điện ở vùng sạt lở Phước Sơn

Theo anh Kiên, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của anh trong năm qua là anh cùng đồng nghiệp đã nỗ lực hết mình để mang ánh sáng đến với bà con nhanh nhất sau cơn lũ dữ. Dù anh và đồng nghiệp có vất vả hơn so với ngày thường nhưng khôi phục điện đến bà con vùng sạt lở một cách nhanh nhất là niềm hạnh phúc của anh và đồng nghiệp.

Anh Kiên mong muốn trong năm 2021, người dân vùng núi cao Phước Sơn, Quảng Nam cũng như nhiều vùng miền khác trong cả nước không còn chứng kiến cảnh thiên tai, sạt lở, lũ dữ… xảy ra. Để không còn cảnh tan thương, mất mát cho người dân nữa.