Mưu sinh ở làng nấu hến hơn 300 năm tuổi

Xuân Sinh

(Dân trí) - Thuyền vừa cập bến, những người phụ nữ nhanh chóng tiếp cận. Họ mang theo rổ, thúng để đưa hến từ khoang thuyền đi rửa sạch rồi cho vào nồi luộc. Từ sáng đến tối, họ được trả công vài trăm nghìn đồng.

Mưu sinh ở làng nấu hến hơn 300 năm tuổi - 1

Hơn 300 năm qua, thôn Bến Hến, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vẫn duy trì được nghề nấu hến. Cũng ở nơi đây, hàng chục người phụ nữ miệt mài mưu sinh bằng nghề rửa hến, nấu hến thuê.

Mưu sinh ở làng nấu hến hơn 300 năm tuổi - 2

Nghề làm hến, đãi hến nơi đây được duy trì quanh năm, nhưng chính vụ là từ tháng 3 đến tháng 7. Vào những tháng nắng nóng, các món ăn được làm từ hến càng được ưa thích.

Mưu sinh ở làng nấu hến hơn 300 năm tuổi - 3

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, làng nghề này có hơn 300 năm nay. Hiện có hơn 70 hộ dân đang theo nghề làm hến. Tuy nhiên, không phải hộ làm nghề nào cũng có đủ nhân công, mà đa phần phải thuê người làm.

Mưu sinh ở làng nấu hến hơn 300 năm tuổi - 4

Những người làm nghề rửa hến, nấu hến thuê này đa phần là phụ nữ chừng 40-60 tuổi sống trên địa bàn xã Trường Sơn. Các tàu thuyền sau một đêm đánh bắt hến ở sông La và những khu vực lân cận, khoảng 4h sáng cập Bến Hến và đây cũng là khoảng thời gian bắt đầu công việc của những người phụ nữ này.

Mưu sinh ở làng nấu hến hơn 300 năm tuổi - 5

Do hến mới đánh bắt lên từ sông nên còn lẫn lộn với bùn, cát. Nhiệm vụ của những người phụ nữ này là xúc hến từ khoang thuyền cho vào từng rổ nhỏ để đãi, rửa cho sạch bùn.

Mưu sinh ở làng nấu hến hơn 300 năm tuổi - 6

Sau khi rửa sạch, hến sẽ được cho vào một cái chảo lớn để luộc. Người dân luộc mỗi lần từ 20-30kg hến, trong khoảng thời gian 10-15 phút. Với 10kg hến luộc ra sẽ thu về được 1kg ruột hến. Hến được bán tại chỗ với giá 50-60 nghìn đồng/kg.

Mưu sinh ở làng nấu hến hơn 300 năm tuổi - 7

Hến được bắt vào buổi sáng, đến buổi trưa và chiều thì đem đi nấu. Mỗi ngày một hộ dân nơi đây nấu từ 2-3 tạ hến.

Mưu sinh ở làng nấu hến hơn 300 năm tuổi - 8

"Nhà tôi chỉ có 2 vợ chồng, nhưng mỗi ngày nấu 2-3 tạ hến nên phải thuê người làm. Thường tôi thuê từ 1-2 người đãi hến, nấu hến", chị Trần Thị Hoài cho biết.

Mưu sinh ở làng nấu hến hơn 300 năm tuổi - 9

Chị Nguyễn Thị Thủy (50 tuổi, thôn Bến Hến) có hơn 10 năm làm nghề đãi hến, nấu hến thuê. Chị cho biết, sau khi công việc đồng áng xong xuôi, chị lại đến các hộ làm nghề nấu hến để xin làm việc.

Mưu sinh ở làng nấu hến hơn 300 năm tuổi - 10

"Có nhiều công đoạn như rửa hến, luộc hến, rồi đãi hến để tách ruột mang đi bán. Tôi chỉ làm phân đoạn luộc hến. Để con hến giữ được vị ngon, ngọt thì luộc chừng 10 phút là được. Tiền công chủ trả cho từ 10.000-15.000 đồng một lần luộc hến", chị Thủy cho biết.

Mưu sinh ở làng nấu hến hơn 300 năm tuổi - 11

Còn bà Lê Thị Tân (63 tuổi, thôn Bến Hến) thì chỉ làm công việc rửa hến, đãi hến cho sạch cát, bùn. Công việc của bà chỉ diễn ra từ khoảng 4h sáng đến khoảng 11h trưa cùng ngày.

Mưu sinh ở làng nấu hến hơn 300 năm tuổi - 12

"Công việc phải ngâm mình dưới nước và luôn phải cúi gập người nên khá đau lưng. Mỗi buổi chúng tôi kiếm được khoảng 50.000-100.000 đồng. Đó là khoản tiền giúp chúng tôi trang trải cuộc sống hằng ngày", bà Tân nói.

Mưu sinh ở làng nấu hến hơn 300 năm tuổi - 13

Khuôn mặt đầy mồ hôi sau buổi nấu hến giữa thời tiết nắng nóng của những người làm thuê nơi đây.

Mưu sinh ở làng nấu hến hơn 300 năm tuổi - 14

Hến sông La được người tiêu thụ ưa chuộng bởi rất ngọt, không có mùi bùn. Hến nơi đây được đưa đi khắp các khu chợ trong tỉnh Hà Tĩnh để tiêu thụ, thậm chí ra tận tỉnh Nghệ An. Hến có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon, mát, bổ dưỡng như xào, xúc bánh đa, nấu lẩu, cháo, cơm hến... đặc biệt được ưa chuộng vào những ngày hè nóng nực.