DNews

Kỹ nghệ đặc biệt trong cuốn thư pháp kỷ lục về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Mang tâm niệm thực hiện tác phẩm đặc biệt để tưởng nhớ vị tướng tài của dân tộc, nghệ nhân thư pháp Võ Dương thực hiện cuốn sách thư pháp lớn nhất thế giới với chi phí hơn 1 tỷ đồng.

Kỹ nghệ đặc biệt trong cuốn thư pháp kỷ lục về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tái hiện 103 sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời Đại tướng

Trước khi thực hiện tác phẩm "Đại tướng của Nhân dân, Võ Nguyên Giáp - Những năm tháng cuộc đời", nghệ nhân thư pháp Võ Dương đã từng có nhiều tác phẩm thư pháp chữ Việt ấn tượng thể hiện dưới dạng sách như "Kinh Vu lan và Báo hiếu" (năm 2014), "Những lời dạy của Bác Hồ" (năm 2016)…

Cuốn "Đại tướng của Nhân dân, Võ Nguyên Giáp - Những năm tháng cuộc đời" được xem là dấu mốc đáng nhớ nhất trong những năm tháng làm nghề của nghệ nhân Võ Dương. Đây là tác phẩm quy mô nhất mà nghệ nhân Võ Dương từng thực hiện. Đây là tác phẩm đầu tiên của anh được xác lập kỷ lục thế giới.

Cuốn sách hoàn thiện với kích thước 204cm x 136cm, gồm 250 trang nội dung. Bìa cuốn sách được chạm trổ bằng tay trên gỗ quý. Mặt bìa là chân dung cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp kích thước 50x70cm được chạm nổi.

Kỹ nghệ đặc biệt trong cuốn thư pháp kỷ lục về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 1
Kỹ nghệ đặc biệt trong cuốn thư pháp kỷ lục về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 2
Kỹ nghệ đặc biệt trong cuốn thư pháp kỷ lục về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 3
Kỹ nghệ đặc biệt trong cuốn thư pháp kỷ lục về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 4

Cuốn sách được chia thành 5 lốc và xen kẽ là 5 tác phẩm đặc biệt, bao gồm: 1 bức điêu khắc gỗ bài viết của Đại tướng; 2 chân dung ghép bằng đá quý; 1 bức sơn dầu với chủ đề Pháo đài Điện Biên Phủ, tái hiện chiến tích lịch sử gắn liền với tên tuổi Đại tướng... Bên ngoài sách có khóa bằng đồng thau kích thước 41cm.

Đi kèm cuốn sách là 15 tác phẩm riêng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp như "Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi cùng năm tháng", "Đại tướng đầu tiên", "Nụ cười thân thương"…  được thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau.

Nghệ nhân Võ Dương đã dành gần 2 năm, từ tháng 2/2017 đến tháng 9/2018 để thực hiện tác phẩm. Tác phẩm đã được xác lập Kỷ lục Việt Nam vào ngày 20/12/2018 và được Liên minh Kỷ lục thế giới xác lập kỷ lục "Cuốn sách Thư pháp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp lớn nhất thế giới" vào tháng 6/2019.

Kỹ nghệ đặc biệt trong cuốn thư pháp kỷ lục về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 5
Kỹ nghệ đặc biệt trong cuốn thư pháp kỷ lục về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 6
Kỹ nghệ đặc biệt trong cuốn thư pháp kỷ lục về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 7
Kỹ nghệ đặc biệt trong cuốn thư pháp kỷ lục về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 8

Theo nghệ nhân Võ Dương, nguyên bản tác phẩm này là cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - Những năm tháng cuộc đời" do nhà xuất bản Trẻ biên soạn, xuất bản cuối năm 2013. Cuốn sách điểm lại 103 sự kiện đáng chú ý trong cuộc đời 103 năm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.  

"Sau quá trình bàn thảo và được sự cho phép của nhà xuất bản, tôi thể hiện lại tác phẩm bằng hình thức thư pháp và thêm cụm từ "Đại tướng của Nhân dân" vào cuốn sách. Bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị Đại tướng đầu tiên của quân đội mà còn là Đại tướng mãi mãi trong lòng nhân dân", nghệ nhân Võ Dương giải thích.

Vay nợ để làm sách thư pháp

Theo anh Võ Dương, việc thực hiện tác phẩm này được lên kế hoạch chi tiết, kể cả phần chi phí cũng được xây dựng từng hạng mục với dự tính là 1,03 tỷ đồng. Khoản chi phí được xây dựng dựa trên ý tưởng cuốn sách thư pháp viết về 103 sự kiện quan trọng trong cuộc đời 103 năm của Đại tướng.

Trong số kinh phí đó, đơn vị mà anh Dương công tác vào thời điểm đó (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) hỗ trợ 500 triệu đồng. Phần còn lại, Võ Dương gom góp từng chút để làm, có lúc phải vay nợ để mua nguyên vật liệu làm cho kịp tiến độ.

Kỹ nghệ đặc biệt trong cuốn thư pháp kỷ lục về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 9

Nghệ nhân Võ Dương có lúc phải vay mượn để hoàn thành tác phẩm (Ảnh: NVCC).

Chi phí thực hiện tác phẩm cao vì mỗi trang sách đều được sử dụng chất liệu vải bố (Calvat), một mặt in hình ảnh, nội dung Võ Dương viết tay chữ thư pháp bằng mực Tàu và Acrylic. Mỗi trang gồm 5 lớp (2 lớp vải bố và 3 lớp keo bảo vệ), kích thước 96cm x 165cm, nặng gần 2kg. Tác phẩm có 250 trang như thế.

Bìa sách cũng là một tác phẩm giá trị cao, sử dụng gỗ quý, do thợ tay nghề cao thực hiện, khắc họa chân dung Đại tướng, sau đó mạ vàng 24k. Chỉ riêng bìa sách đã cần hơn 100 triệu đồng chi phí.

Tuy nhiên, chi phí không phải là điều Võ Dương quan tâm. Anh thật sự vui mừng được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và thân nhân gia đình cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp thẩm định ý tưởng, nội dung và chất lượng tác phẩm trước khi cho phép anh thực hiện tác phẩm. Sau khi hoàn thiện, tác phẩm được tỉnh Quảng Bình (quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đón nhận, đưa về bảo tàng tỉnh để trưng bày.

Kỹ nghệ đặc biệt trong cuốn thư pháp kỷ lục về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 10

Thân nhân gia đình cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp thẩm định ý tưởng và chất lượng 1 trang sách Võ Dương thực hiện (Ảnh: NVCC).

Kỹ nghệ đặc biệt trong cuốn thư pháp kỷ lục về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 11

Không gian trưng bày sách tại Bảo tàng tỉnh Quảng Bình (Ảnh: NVCC).

Nghệ nhân Võ Dương nói: "Tôi xem đây là một phần tâm ý dâng lên Đại tướng nên không để ý gì đến tiền bạc. Số tiền làm tác phẩm với tôi là lớn, giá trị của tác phẩm cũng có thể rất lớn nhưng không lớn bằng giá trị tâm linh, tấm lòng ngưỡng vọng của tôi đối với Đại tướng".

"Việc tác phẩm được đặt tại sảnh bảo tàng lớn nhất ở quê hương Đại tướng, mỗi năm có hàng ngàn người đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu về cuộc đời, công lao đóng góp của ông đã khẳng định giá trị không thể đo lường, khiến tôi cảm thấy vinh dự hơn bất cứ con số định giá nào", nhà thư pháp cho biết thêm.

Bỏ việc lương cao vì đam mê thư pháp

Nghệ nhân Võ Dương quê ở Quảng Nam, sau khi tốt nghiệp cấp 3 vào TPHCM học tập và làm việc. Tại đây, anh có điều kiện tiếp cận thư pháp dành cho giới trẻ tại Nhà văn hóa Thanh niên từ những năm 2000. Tuy nhiên, những năm đầu bận rộn mưu sinh nên anh chưa có nhiều thời gian và tài chính để theo đuổi bộ môn này.

Đến năm 2009, Dương có công việc ổn định tại sân bay Tân Sơn Nhất nên tham gia nhiều hoạt động sáng tác, tụ hội những người cùng đam mê, hành nghề thư pháp tại TPHCM.

Nghệ nhân Võ Dương chia sẻ: "Khi làm chuyên nghiệp rồi thì mỗi đợt lễ tết, tôi cũng kiếm được khá nhiều tiền nhờ thư pháp. Những khoản tiền đó, tôi đều dành dụm lại để thực hiện những dự án, tác phẩm tâm huyết với chi phí cao, không tính toán đến lợi nhuận nhằm cống hiến cho xã hội, cho nghề thư pháp. Tác phẩm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong số đó".

Kỹ nghệ đặc biệt trong cuốn thư pháp kỷ lục về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 12

Nghệ nhân Võ Dương theo nghề từ năm 2009 và các sản phẩm được nhiều người yêu thích, đón nhận (Ảnh: NVCC).

Càng học hỏi, tìm hiểu và làm nghề, nghệ nhân Võ Dương càng say mê và quyết chí theo đuổi thư pháp, coi đó là sự nghiệp cả đời. Anh mong muốn góp phần quảng bá bộ môn này như một kỹ năng nghề nghiệp có thể mưu sinh, lập nghiệp cho những nhà thư pháp chuyên nghiệp.

Anh Dương chia sẻ: "Tôi rất vinh dự được một số trường đại học mời giảng dạy về bộ môn thư pháp, được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vinh danh là nghệ nhân thư pháp. Tôi thấy, con đường phấn đấu đúng đắn của một nhà thư pháp là trở thành nghệ nhân, cống hiến và rèn luyện thật nhiều để có cơ hội được vinh danh nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân như các bộ môn thủ công mỹ nghệ khác…".

Quyết tâm theo đuổi con đường chuyên nghiệp, năm 2020, Võ Dương quyết định thôi việc ở sân bay dù công việc có thu nhập tốt và ổn định. Sau đó, anh thực hiện các thủ tục để xây dựng câu lạc bộ Nghệ nhân thư pháp Việt, trực thuộc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, quy tụ những nhà thư pháp chữ Việt chuyên nghiệp trên cả nước.