1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chủ nhà hàng khu ẩm thực đắt đỏ nhất TPHCM: Chúng tôi may mắn "sống sót"

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Khi hàng loạt nhà hàng, quán ăn, quán cà phê ở khu trung tâm TPHCM đã treo biển sang nhượng, một số còn sót lại vẫn lay lắt trông chờ những "phép màu".

Chủ nhà hàng khu ẩm thực đắt đỏ nhất TPHCM: Chúng tôi may mắn sống sót - 1

Không ít nhà hàng, quán ăn ở khu phố Hàn Quốc - Nhật Bản ở TPHCM đã đóng cửa.

Vừa lau dọn bàn ghế, chị Tuyền, quản lý nhà hàng Hàn - Nhật ở đường Thái Văn Lung (quận 1, TPHCM) vừa thở dài khi từ 14h đến tối mới có 3 bàn khách ghé ăn. Chị phải cắt cử nhân viên ra phía trước cửa quán để mời chào khách nhưng cũng không cải thiện được tình hình. 

"Ngày đầu tuần là vậy, chỉ có buổi trưa chủ nhật là đông khách thôi. Đây là tình hình khó khăn chung nên chúng tôi cũng không tránh được", chị Tuyền buồn bã nói.

Kinh doanh trên tuyến phố đắt đỏ bậc nhất TPHCM, chị Tuyền thừa nhận kể từ thời điểm dịch Covid-19 đến nay là lúc nhà hàng rơi vào cảnh khó khăn nhất.

Không chỉ riêng nhà hàng của chị Tuyền, các nhà hàng, quán ăn dọc khu phố được mệnh danh là phố Nhật Bản - Hàn Quốc cũng vắng tanh. Các buổi tối ngày trong tuần, mỗi nhà hàng chỉ lác đác vài bàn khách. 

Chủ nhà hàng khu ẩm thực đắt đỏ nhất TPHCM: Chúng tôi may mắn sống sót - 2

Khu phố Nhật Bản là nơi nổi tiếng với văn hóa, ẩm thực Nhật Bản, Hàn Quốc (Ảnh: Nguyễn Vy).

Theo chị Tuyền, chị là một trong số ít những chủ nhà hàng còn bám trụ lại khu phố sầm uất này. Mặc dù tình hình kinh doanh có nhiều chuyển biến tốt, nhưng nhà hàng chỉ khôi phục ở mức 30-40% so với trước dịch.

"Nhà hàng của tôi đa số là khách từ Hàn Quốc lui tới. Còn khách Nhật thì gần đây hiếm thấy lắm. Vậy nên, nhà hàng thời gian qua chỉ phục vụ đến hơn 22h là đóng cửa, vì khoảng 21h đã hết khách rồi", chị Tuyền cho hay.

Theo nữ chủ quán, lượng khách có dấu hiệu phục hồi so với thời điểm vừa mở cửa sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, khoảng cách trở về thời "hoàng kim" còn rất xa. 

Trước đây, 9 nhân viên ở nhà hàng phải làm việc xuyên đêm mới kịp phục vụ lượt khách lớn. Mỗi ngày, nhà hàng đóng cửa vào lúc 3h sáng là chuyện bình thường.

Thế nhưng, hiện tại quán chỉ đông khách được vào buổi trưa cuối tuần. Riêng những ngày đầu tuần, nhà hàng vô cùng ế ẩm. Chị Tuyền buộc phải cắt giảm xuống còn 4 nhân viên phục vụ, 3 đầu bếp, đồng thời giảm ca làm của nhân viên từ 2 xuống còn 1,5 ca.

Chủ nhà hàng khu ẩm thực đắt đỏ nhất TPHCM: Chúng tôi may mắn sống sót - 3

Nhiều hàng quán bắt đầu có khách trở lại, tín hiệu phục hồi kinh doanh khả quan nhưng vẫn chỉ ở mức cầm cự (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Doanh thu chỉ đủ chi trả cho các mức phí và duy trì nhà hàng. Sau dịch, mọi thứ đều lên giá, chỉ có doanh thu là dậm chân tại chỗ", chị Tuyền bộc bạch.

Nữ chủ quán cho hay, vào thời điểm giãn cách do dịch Covid-19, chị và nhiều hộ kinh doanh xung quanh phải gồng mức lỗ rất lớn. Nhà hàng của chị có thể "sống sót" qua dịch quả là một kỳ tích. 

"Chỉ cầu mong cho khách du lịch đến TPHCM nhiều hơn, các hàng quán lại đông khách như trước đây. Chúng tôi giờ cầm cự được lúc này là quá may mắn", chị Tuyền trải lòng.

Ngọc Oanh, nhân viên thu ngân tại một nhà hàng phong cách Nhật Bản ở trung tâm TPHCM, cho biết, sau dịch Covid-19, lượng khách đến nhà hàng có xu hướng giảm. 

"Trước đây nhà hàng lúc nào cũng trong tình trạng kín bàn, phục vụ không kịp nghỉ. Doanh thu có thể lên đến 100 triệu đồng/ngày, nhưng giờ đây chỉ duy trì ở mức vài chục triệu đồng, vắng khách lắm", Oanh chia sẻ.

Chủ nhà hàng khu ẩm thực đắt đỏ nhất TPHCM: Chúng tôi may mắn sống sót - 4

Một số mặt bằng trước đây treo biển cho thuê, nay đã sáng đèn, bắt đầu có khách (Ảnh: Nguyễn Vy).

Không được may mắn như chị Tuyền, anh Huỳnh Du (chủ một nhà hàng cũng ở khu phố Nhật Bản - Hàn Quốc) than thở: "Giờ chúng tôi chỉ mong có phép màu mới có thể trở lại như trước dịch. Chúng tôi đã cố gắng đầu tư rất nhiều nhưng lượng khách không được ổn định như trước. Nếu tình trạng này kéo dài, không biết nhà hàng sẽ ra sao". 

*Tên một số nhân vật đã được thay đổi.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã đón hơn 5,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó có khoảng 204.000 lượt khách du lịch từ Nhật Bản. Xét riêng về lượng khách Nhật Bản, con số này giảm 50% so với thời điểm cùng kỳ năm 2019. 

Trong khi đó, lượng khách du lịch Hàn Quốc đã đạt hơn 1,3 triệu lượt, Trung Quốc là 399.000 lượt, Đài Loan (Trung Quốc) đạt mức 252.000 lượt. Chưa kể những nguồn khách du lịch khác như Campuchia, Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Singapore,... phục hồi ở mức trên 100%.

Chủ nhà hàng khu ẩm thực đắt đỏ nhất TPHCM: Chúng tôi may mắn sống sót - 5

Khách nước ngoài hào hứng với ẩm thực đa dạng tại khu phố sầm uất (Ảnh: Nguyễn Vy).

Trong giai đoạn phục hồi sau những ảnh hưởng của dịch bệnh, Tổng cục Du lịch Nhật Bản (JTA) và Hiệp hội Du lịch Nhật Bản vừa mới đưa ra Gói chính sách khuyến khích người dân Nhật Bản đi du lịch nước ngoài với 24 điểm đến được lựa chọn, trong đó có Việt Nam. Nhật Bản kỳ vọng năm 2024 sẽ có khoảng 20 triệu lượt người Nhật đi du lịch nước ngoài, tương đương mức trước đại dịch.