1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

1 tháng rong ruổi tìm việc của nữ công nhân 36 tuổi mất việc

Hoa Lê

(Dân trí) - Tìm kiếm trên mạng, rồi "săn" tin tuyển dụng tại các công ty, nhà máy khắp khu công nghiệp Thăng Long, Quang Minh (Hà Nội)… nữ công nhân vẫn ngẩn ngơ ra về vì chưa có công việc ưng ý.

Công ty vận động công nhân nghỉ việc

"Đến bây giờ, tôi vẫn day dứt, liệu quyết định chấp thuận nghỉ việc của mình có đúng không", chị Nguyễn Thị Thu Huyền (quê Phú Thọ) bắt đầu câu chuyện.

Gia đình khó khăn, từ hồi trẻ chị Huyền sớm bỏ ước mơ giảng đường đại học để vào nhà máy làm việc, kiếm tiền khi mới 18 tuổi. Đến nay, chị đã có gần 2 thập kỷ gắn bó với việc làm công nhân tại một công ty sản xuất kính trong khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội).

Chị còn nhớ tháng 9/2005, cầm trong tay tháng lương đầu tiên được 800.000 đồng, chị vui mừng khôn xiết vì có tiền lo cho cuộc sống của mình và gửi một chút về giúp mẹ nuôi em ở quê nhà.

Chừng ấy năm trôi qua, công việc này giúp chị trang trải cuộc sống tại thủ đô. Sau khi lập gia đình, chị cùng chồng mình nuôi dưỡng những ước mơ mua nhà, an cư lạc nghiệp nhờ đồng lương tháng đều đặn làm công nhân trong nhà máy.

Bao năm phấn đấu, anh chị cũng mua được căn nhà ở xã Nam Hồng (huyện Đông Anh) nhờ số tiền tiết kiệm và vay mượn thêm.

1 tháng rong ruổi tìm việc của nữ công nhân 36 tuổi mất việc - 1

Chị Huyền vẫn mong mỏi tìm được công việc trong giờ hành chính để có thời gian dành cho gia đình (Ảnh: Quế Chi).

Khó khăn, áp lực dồn dập từ tháng 5/2022. Thời điểm đó, công ty bắt đầu ít đơn hàng, công nhân chỉ làm trong giờ hành chính, cắt toàn bộ giờ làm thêm. Trong khi nhiều công ty khác vẫn làm việc đều đặn thì sau 3 tháng "cắt tăng ca", chị nhận được thông báo nghỉ 15 ngày.

Sự rảnh rỗi quả là đáng sợ với những người lao động ráo mồ hôi là hết tiền. Khoản nợ trả góp để mua nhà còn treo trên đầu, chị Huyền khá căng thẳng trong thời điểm đó.

Bước sang năm 2023, tình hình đơn hàng càng sụt giảm mạnh. Cứ đi làm 7 ngày, công nhân lại nghỉ 3 ngày tiếp theo.

Tình trạng kéo dài cả năm, nữ công nhân vô cùng nản lòng. Trước đây, môi trường làm việc, đãi ngộ của công ty khá tốt, chị Huyền xác định gắn bó, thời gian ở nhà máy còn nhiều hơn ở nhà.

Cả thanh xuân trôi qua ở đây, công ty không đơn thuần chỉ là nơi làm việc, mà với những lao động "chung tình" như chị Huyền, đây thực sự là ngôi nhà thứ 2.

Giờ đến nước doanh nghiệp phải vận động công nhân nghỉ việc, chị Huyền đắn đo cân nhắc lắm, đã phải tham khảo ý kiến rất nhiều người. Cuối cùng, không còn cách nào khác, chị chấp nhận ký vào đơn tự nguyện nghỉ việc, được nhận trợ cấp thôi việc là 9 tháng lương cơ bản.

"Không biết tới đây tôi có tìm được một công việc nào tương đương vị trí chúng tôi từng làm không", nữ công nhân chia sẻ.

Công nhân "già" tìm việc

Đến nay đã hơn 1 tháng kể từ ngày chị nhận quyết định chấm dứt hợp đồng lao động. Cũng bằng ấy thời gian, chị Huyền rong ruổi đi tìm việc.

Chị học tham gia vào các hội nhóm công nhân trong khu công nghiệp trên mạng xã hội để tìm kiếm việc làm. Thấy không ít công ty đăng tuyển lao động nhưng chị Huyền vẫn chưa tìm được nơi ưng ý.

Chị cũng đã 2 lần rong ruổi chạy xe khắp các nhà máy, công ty trong khu công nghiệp Thăng Long và sang cả tại khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh) để tìm việc.

"Công ty mà tôi thấy công việc phù hợp, mức lương ổn thì lại chỉ tuyển lao động đến 32 tuổi, trong khi tôi đã 36", chị Huyền nói.

Nữ công nhân cũng đã thử tìm những công việc bên ngoài nhà máy.

Chị kể: "Tôi đã tìm được công việc bán hàng quần áo song chưa đi làm ngày nào, cửa hàng bắt đóng 1 triệu đồng tiền trang phục. Điều đáng nói, cả tháng đi làm mà lương chỉ gần 4 triệu đồng".

1 tháng rong ruổi tìm việc của nữ công nhân 36 tuổi mất việc - 2

Tăng cường kết nối việc làm cho người lao động.

Quyết định "quay xe", chị nhận làm theo giờ cho một đơn vị bảo vệ. Tuy nhiên, nơi làm việc cách nhà tới 20km.

18h dắt xe ra về, trời mưa như trút khiến tay lái chệch choạc, chị suýt ngã mấy lần trên chặng đường dài về nhà. Lúc này chị rớt nước mắt nghĩ về công việc cũ với mức lương ổn định, chỉ 17h30 tan làm. Tầm này, chị đã lo nấu bữa tối xong xuôi cho gia đình.

Chồng thường xuyên đi làm xa, vắng nhà, một tay chị quán xuyến việc chăm sóc, đưa đón con đi học. Chính vì vậy, chị mong một công việc làm theo giờ hành chính với mức lương trung bình. Song mong mỏi đó với chị giờ quá xa vời và hành trình tìm việc chưa biết đến khi nào...

7 tháng đầu năm, Hà Nội đã ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 48.000 nghìn người với số tiền hỗ trợ trên 1.300 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 585 người với số tiền gần 2,7 tỷ đồng.

Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, số lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tăng là thực tế của thị trường lao động.

Mặc dù ghi nhận doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ việc, cắt giảm lao động, tuy nhiên, qua đánh giá trực tiếp từ cơ sở dữ liệu nguồn lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trên địa bàn Hà Nội không có tình trạng doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc ồ ạt.

Số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp dù tăng so với cùng kỳ song chưa đến mức đáng lo ngại (7 tháng năm 2022 tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho trên 35.500 người với kinh phí hỗ trợ hơn 932 tỷ đồng).