1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hà Nội:

“Vô tác dụng” quy định niêm yết giá vận tải

(Dân trí) - Thông tư liên tịch quy định niêm yết giá vận tải hành khách có vẻ “vô tác dụng” với Hà Nội khi mà chế tài xử phạt vi phạm quá nhẹ khiến doanh nghiệp chống đối. Điều này khiến hành khách mất quyền lợi còn các bến xe thì… bất lực.

Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT của Liên Bộ Tài chính và Giao thông Vận tải có hiệu lực từ ngày 10/10/2010 quy định ô tô vận chuyển hành khách và hàng hóa chạy theo tuyến cố định, xe buýt, taxi... bắt buộc phải niêm yết giá ở mặt ngoài thành xe và bên trong xe để bảo vệ người tiêu dùng.
 
Nhà xe bất cần Luật
 
Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) mỗi ngày có gần 1.000 lượt xe ra vào khai thác vận tải hành khách, nhưng số lượng xe thực hiện quy định niêm yết giá vé ở mặt ngoài thành xe rất ít, nhiều doanh nghiệp vận tải tỏ thái độ bất cần quy định.
 
“Vô tác dụng” quy định niêm yết giá vận tải  - 1
Đa phần các doanh nghiệp đều "phớt" quy định niêm yết, công khai giá vận tải
 
Thuộc “họ” nhà xe, anh Dũng (tuyến Hà Nội - Thanh Hóa) thản nhiên cho biết: “Xe của tôi ra vào bến Giáp Bát đã 10 năm, giá vé đã có sẵn rồi thì cứ thế mà chạy, cần gì phải niêm yết, rách việc…”.
 
Ở bến xe Giáp Bát, theo ghi nhận của PV Dân trí, tâm lý chung của các doanh nghiệp vận tải là không muốn niêm yết giá vé, những doanh nghiệp vận tải tỏ ra có “ý thức” thì thực hiện quy định này theo kiểu đối phó để được nhận lệnh xuất bến chứ không phải vì tuân thủ. Khi xe ra khỏi bến, những bảng giá niêm yết này được các nhà xe bóc ra để phục vụ cho việc “làm giá” trên suốt lộ trình.
 
Đơn cử như: theo quy định, hình thức niêm yết giá cước bắt buộc đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định tại nơi bán vé, ở mặt ngoài thành xe phía bên trái gần cánh cửa trước và bên trong xe nơi hành khách dễ quan sát, nhưng do bên trái đã dán lôgô quảng cáo nên nhiều xe chuyển dán sang bên phải thành xe - nơi hành khách không thể quan sát được; bảng giá có rất nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau và không niêm yết giá chặng trên lộ trình…
 
Tại bến xe Gia Lâm, cho đến giữa tháng 11/2010, các đơn vị vận tải vẫn “phớt” quy định niêm yết giá và bến xe này buộc phải ra thông báo sẽ đình tài hàng loạt, nhưng hiện việc niêm yết giá được thực hiện theo kiểu “hình thức”.
 
Còn bến xe Mỹ Đình, cho đến nay một số doanh nghiệp vận tải nhỏ lẻ, hoạt động không thường xuyên đã tự cho mình quyền “miễn” niêm yết giá vé.
 
Xử lý không xuể và bất lực
 
Sau hơn 1 tháng thực hiện, bản thân quy định đã bộc lộ nhiều hạn chế, còn phía các nhà xe thì “nhởn nhơ” không sợ Luật.
 
Liên quan đến vấn đề này, đại diện các bến xe tại Hà Nội đã xác nhận tình hình và cho biết một mặt do bến xe không có thẩm quyền xử phạt, mặt khác vì chế tài xử phạt hành chính quá nhẹ nên các doanh nghiệp vận tải không sợ Luật.
 
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc bến xe Giáp Bát khẳng định: “Chúng tôi xử lý không xuể, thậm chí là bất lực với các doanh nghiệp vận tải vi phạm quy định niêm yết giá vé. Đây là 1 vấn đề rất nan giải”.
 
“Ý thức của nhà xe rất thấp, họ vin vào giá xăng dầu để điều chỉnh giá vé lên xuống liên tục nhằm cạnh tranh không lành mạnh ở các chặng tuyến (Nam Định, Thái Bình…) nên không niêm yết giá vé, khi bị đuổi ra khỏi bến thì những xe này tiếp tục lượn lờ ở bên ngoài gây mất trật tự. Chưa hết, thói quen bắt xe một cách tùy tiện của hành khách cũng góp phần tạo điều kiện cho nhà xe làm ăn ẩu và khiến bến xe rất khó quản lý. Thông tư liên tịch 129 có nhiều hạn chế, không phù hợp với thực tế, mức xử phạt hành chính chỉ 50.000 đồng/lần vi phạm là quá nhẹ” - ông Thành phân tích nguyên nhân.
 
Chung quan điểm về chế tài, ông Nguyễn Mạnh Tiến - Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho hay: “Bến chỉ có quyền đình tài, một khi nhà xe đã dán niêm yết thì bến phải chấp nhận cho chạy tiếp. Theo tôi, vấn đề ở đây là do chế tài xử phạt quá nhẹ. Nếu có chế tài xử phạt hành chính thật nặng, khi đơn vị vận tải vi phạm lần thứ 2 sẽ đình tài vĩnh viễn, như vậy thì tôi tin là nhà xe sẽ phải nghiêm túc thực hiện các quy định”.
 
Phía bến xe Gia Lâm, ông Nguyễn Như Trúc - Giám đốc bến xe Gia Lâm kiến nghị: “Khi bến kiểm tra thì các doanh nghiệp đều đưa ra bảng niêm yết giá “di động” rất khác nhau về kích thức, mẫu mã, nhưng khi đã ra khỏi bến là họ tha hồ gỡ bỏ.
 
Với vấn đề này, liên Bộ nên quy định cụ thể hơn về hình thức niêm yết giá như: thống nhất kích thước bảng giá, có mẫu mã chung, cỡ chữ giống nhau hoặc bắt buộc phải làm đề can cố định ở thành xe để không thể bóc bỏ được, đặc biệt phải có chế tài xử phạt vi phạm thật nặng”.
 
Quỳnh Anh