1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Việt Nam: Sự lựa chọn đầu tiên của nhà đầu tư Nhật Bản

(Dân trí) - Đây là công bố mới nhất của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) về kết quả điều tra hàng năm trong các công ty sản xuất của Nhật Bản hiện đang hoạt động tại 6 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) và Ấn Độ.

Vì sao là “sự lựa chọn đầu tiên”?

Cuộc điều tra cho thấy xu hướng ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản chuyển cơ sở sản xuất giữa các nước ASEAN, giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam là sự lựa chọn đầu tiên của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Trung Quốc.

Theo đánh giá của quá nửa (56%) các nhà đầu tư Nhật Bản trong cuộc điều tra, Việt Nam có chi phí sản xuất thấp. Đây là tỷ lệ trả lời cao nhất, thể hiện lợi thế của Việt Nam là nước có chi phí đầu tư thấp nhất so với các nước khác trong cuộc điều tra.

Cuộc điều tra được tiến hành trong hai tháng 1 - 2/2006 và nhận được 966 bản trả lời.

Hầu hết các công ty tham gia cuộc điều tra hoạt động trong 5 ngành công nghiệp chính là sản xuất chi tiết cho máy móc vận tải (15,4%), sản xuất linh kiện điện/điện tử (14,8%), sản xuất kim loại (7,8%), hoá chất (7,7%) và sản xuất thiết bị điện/điện tử (7,5%).

Một lý do quan trọng khác là tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây tương tự với điều kiện kinh tế của Trung Quốc tại thời điểm mà các doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu tập trung đầu tư tại Trung Quốc. Triển vọng kinh tế tích cực ở Việt Nam hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh, gần đây các nhà đầu tư Nhật Bản theo xu hướng chuyển/mở rộng từ Trung Quốc sang Việt Nam đã tập trung nhiều nhất vào các ngành sản xuất linh kiện cho máy móc vận tải (23%) và linh kiện điện/điện tử (18%).

Tuy nhiên, các thành viên trong nhóm khảo sát cũng khuyến cáo, Việt Nam vẫn cần lưu ý tới sự cạnh tranh gay gắt từ các nước láng giềng, cụ thể là cạnh tranh với Philippin trong ngành sản xuất linh kiện cho máy móc vận tải, với Malaixia và Thái Lan trong sản xuất linh kiện điện/điện tử.

Vẫn còn nhiều cản trở

Tuy được đánh giá là sự lựa chọn đầu tiên, nhưng xét về môi trường đầu tư, các công ty được điều tra cho rằng, công nghiệp phụ trợ và cơ sở hạ tầng là hai trở ngại lớn nhất đối với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Việt Nam có lợi thế về điều kiện chính trị xã hội ổn định, chi phí sản xuất thấp nhất, khả năng quản lý lao động và tỷ giá ổn định (hơn mức trung bình khu vực). Tuy nhiên, trong các lợi thế trên cần lưu ý là ở một mức độ nào đó khả năng quản lý lao động của Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc đình công xảy ra gần đây.

Về thu hút đầu tư theo ngành trong tương lai trung và dài hạn, Thái Lan và Việt Nam được coi là hai địa chỉ sản xuất tốt nhất trong khu vực. Xét riêng trong 6 ngành công nghiệp chủ chốt, Thái Lan và Việt Nam đặc biệt được đánh giá cao trong 4 ngành là sản xuất linh kiện điện/điện tử và sản xuất thiết bị điện/điện tử (Việt Nam đứng đầu), sản xuất máy móc vận tải và nhựa (Việt Nam đứng thứ hai).

Việt Nam cũng nằm trong danh sách 3 nước đứng đầu về sản xuất linh kiện cho máy móc vận tải; tuy nhiên hoá chất - một trong 6 ngành công nghiệp chủ chốt - vẫn còn là điểm yếu của Việt Nam.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, ngoài những lợi thế nêu trên, ở Việt Nam vẫn tồn tại những yếu tố tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư. Đó là những trở ngại chung của các nước ASEAN (so với Trung Quốc) như trình độ của cán bộ nghiên cứu và kỹ sư, và công nghiệp phụ trợ.

Đặc biệt trình độ phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp nhất không chỉ so với Trung Quốc mà còn với tất cả các nước khác. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng của Việt Nam được đánh giá là không chỉ kém Trung Quốc 74,6% mà còn gần như trong điều kiện kém nhất, chỉ hơn Ấn Độ không đáng kể.

Những trở ngại khác đối với đầu tư ở Việt Nam là thủ tục hải quan (kém hơn 7%) và bảo vệ Quyền Sở hữu Trí tuệ - IPR (kém hơn 6,9%).

Đầu tư của Nhật Bản tiếp tục tăng

Tỷ lệ các nhà đầu tư Nhật Bản dự định mở rộng sản xuất từ Trung Quốc sang một nước khác đạt mức cao nhất tại Việt Nam (20,5%), cao gần gấp 2,8 lần so với tỷ lệ này ở nước tiếp theo (Thái Lan 7,4%). Tương tự như vậy, tỷ lệ các công ty Nhật Bản dự định chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam là 6,8%, gấp hơn hai lần tỷ lệ này ở nước xếp thứ hai (Malaixia 3,1%).

Cuộc điều tra cho thấy so với kết quả kinh doanh năm 2004, hoạt động năm 2005 của 49,6% các công ty sản xuất Nhật Bản đã được cải thiện, nhưng 29,7% công ty khác gặp tình hình xấu đi (các công ty còn lại không thay đổi). Kết quả ở Việt Nam cũng tương tự với 50% công ty được hỏi hoạt động tốt hơn và 30% xấu đi.

Trong tương lai 1-2 năm tới, đầu tư của Nhật Bản dự báo sẽ tiếp tục được mở rộng ở các nước tham gia điều tra mà đặc biệt là ở Việt Nam và Ấn Độ. Cụ thể là Việt Nam đứng đầu trong số các nước ASEAN và đứng thứ hai sau Ấn Độ với 78,6% nhà đầu tư Nhật Bản ở Việt Nam dự định mở rộng kinh doanh.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), xu hướng này được thể hiện qua mức tăng đáng kể đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam năm 2005 (gần gấp đôi năm 2004) và trong quý 1 năm 2006 (gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm 2005).

Nguyễn Hiền