1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Vẫn “thản nhiên” niêm yết giá bằng ngoại tệ

(Dân trí) - Giá sản phẩm, dịch vụ, giá phòng… của các khách sạn lớn, hãng ô tô, cửa hàng linh phụ kiện máy tính tại Hà Nội vẫn niêm yết bằng USD, dù thời điểm Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng niêm yết giá bằng ngoại tệ trôi qua gần 3 tuần.

Vẫn “thản nhiên” niêm yết giá bằng ngoại tệ - 1
Sản phẩm nhập ngoại vẫn được niêm yết bằng ngoại tệ (ảnh minh họa).
 
“Niêm yết USD, chấp nhận thanh toán bằng VND”
 
Ngày 8/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ đạo việc nghiêm cấm thu đổi, niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ trái phép. Tuy nhiên, đến ngày 22/5, theo khảo sát của Dân trí, tình trạng niêm yết giá bằng USD tại nhiều cửa hàng bán xe máy, ô tô nhập ngoại, cửa hàng linh phụ kiện máy tính, khách sạn… vẫn diễn ra phổ biến.
 
Tại cửa hàng linh phụ kiện máy tính của Công ty CP Đầu tư công nghệ và Thương mại Thủ đô (Thái Hà, Hà Nội), báo giá các sản phẩm: bàn lập trình, bàn điều khiển; đế tản nhiệt notebook, túi đựng máy tính laptop, các loại laptop nhập khẩu đều được thông báo bằng USD. Nhân viên bán hàng cho biết: Cửa hàng niêm yết bằng USD nhưng chấp nhận lấy tiền Việt tính theo tỷ giá trên thị trường.
 
“Những sản phẩm nhập khẩu buộc phải tính theo giá USD, chỉ có những sản phẩm trong nước chúng tôi mới báo giá tiền Việt. Nhà nước cấm niêm yết giá bằng USD, tập trung đánh vào các sản phẩm nhiều tiền, thuế cao như ô tô; chứ với các sản phẩm linh kiện giá vài USD cũng khó cho cửa hàng”, nhân viên này nói.
 
Không niêm yết giá USD trên mỗi sản phẩm, nhưng ở hầu hết các showroom ô tô, xe máy nhập ngoại khi báo giá xe đều là đồng ngoại tệ. “Chiếc Lexus có giá 188.000 USD, tiền gì chúng tôi cũng lấy nhưng tỷ giá quy đổi được tính theo giá thị trường”, nhân viên bán hàng tại một showroom trên phố Lê Duẩn nói.
 
Khảo sát shop giày Charles & Keith trên phố Lê Thái Tổ sáng 22/5, bảng tỷ giá USD quy đổi sang VND không còn để trên quầy thu ngân như trước đây, nhưng dưới gót mỗi đôi giày đều niêm yết hai loại tiền: USD và VND. Khách hàng có thể chọn một trong hai loại tiền để thanh toán.
 
Tình trạng niêm yết giá bằng ngoại tệ còn phổ biến hơn cả tại các khách sạn lớn trên địa bàn Hà Nội. Trong vai một người đi đặt phòng, nhân viên lễ tân Hanoi hotel cho phóng viên Dân trí biết: giá phòng tiêu chuẩn tại đây là 85 USD (chưa bao gồm 15% VAT); tính tổng cộng mỗi phòng dành cho một người có giá khoảng 93,71 USD.
 
Tuy niêm yết giá bằng USD nhưng khách sạn đồng ý nhận thanh toán từ khách thông qua 3 hình thức: USD, tiền Việt hoặc thanh toán qua thẻ. Nếu khách hàng trả bằng tiền Việt, thì tỷ giá quy đổi mà ngân hàng tính là 18.200 VND/ 1 USD.
 
Nên hướng cho người Việt yêu tiền Việt
 
Nói về việc không được niêm yết giá sản phẩm bằng ngoại tệ, một nhà nhập khẩu cho hay: “Các sản phẩm chúng tôi nhập từ nước ngoài đều phải thanh toán bằng đồng ngoại tệ theo yêu cầu của đối tác, việc Nhà nước không cho niêm yết giá bán bằng USD đang là khó khăn đối với doanh nghiệp nhập khẩu. Bởi mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại trong thời gian này không hề dễ”.
 
Còn nhớ, tại buổi đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước diễn ra vào trung tuần tháng 5 tại Hà Nội, nội dung mà doanh nghiệp đề cập nhiều nhất là những khó khăn trong việc mua USD từ ngân hàng thương mại để thanh toán tiền hàng. Có công ty chịu lỗ hàng trăm triệu đồng vì chênh lệch tỷ giá niêm yết giữa ngân hàng thương mại và thị trường tự do.
 
Trao đổi về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành cho biết: Cấm niêm yết giá bằng USD là một trong những phương thức hạn chế sử dụng USD, ngăn chặn tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
 
“Từ những năm 1990 - 1995, chúng ta đã có lệnh cấm niêm yết giá bằng USD rồi, nhưng trên thực tế việc xử lý thông qua mệnh lệnh hành chính đã không đem lại kết quả như mong đợi. Việc hạn chế sử dụng USD trong lưu thông nên chú ý tới niềm tin của người dân vào đồng tiền Việt Nam”, TS. Thành nói.
 
Theo ông Thành, việc người dân mạnh tay mua vào USD thời gian qua có nguyên nhân từ việc lo sợ tiền Việt mất giá, từ những căng thẳng trên thị trường tiền tệ.
 
Bản thân chính sách về tiền tệ cũng có mâu thuẫn, một bên chống tình trạng đô la hóa, một bên lại cho phép các ngân hàng khuyến khích người nhận kiều hối rút USD hoặc gửi tiết kiệm bằng USD. Vậy nên, không chỉ cần biện pháp hành chính, Nhà nước cần phải hướng lòng tin của người dân vào chính đồng tiền của mình.
 
“Xét trên phương diện kinh tế vĩ mô, sự ổn định của nền kinh tế sẽ quyết định giá trị của đồng tiền. Một khi chúng ta tạo dựng được niềm tin của người dân vào sự ổn định của nền kinh tế, vào tăng trưởng ổn định, kiềm chế được giá cả, lạm phát, dần dần đồng tiền Việt Nam sẽ tạo được chỗ đứng vững chắc trong mỗi con người Việt Nam”, TS. Thành nhấn mạnh.
 
Nguyễn Hiền