1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tin vui vụ nghi lừa bán 5 container hạt điều, hồ tiêu sang Dubai

Ghi Du

(Dân trí) - 4 container trong số 5 container hàng hồ tiêu, hạt điều, quế bị lừa đảo tại Dubai đã lấy lại được. Lô hàng hoa hồi còn lại vẫn nằm tại cảng, các doanh nghiệp Việt đang làm việc với phía ngân hàng.

Ngày 13/10, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam phát đi thông tin về 4 container trong số 5 container hàng hồ tiêu, quế, hạt điều bị lừa đảo tại Dubai, UAE.

Thông tin phát đi nêu rõ ngày 15/7, sau khi nhận được báo cáo của một số doanh nghiệp bị lừa đảo, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam đã phối hợp cùng Hiệp hội Điều Việt Nam và các bên liên quan tổng hợp thông tin, báo cáo sự việc lên cơ quan Chính phủ, các Bộ ngành, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại UAE, Đại sứ quán UAE tại Hà Nội.

Sau gần 3 tháng, với sự phối hợp, hợp tác giữa các bên, từ ngày 10/10 đến ngày 12/10, ngân hàng Ajman Bank (UAE) đã hoàn lại tiền cho các doanh nghiệp, với tổng số tiền 354.990,42 USD (khoảng 8,3 tỷ đồng) cho 4 lô hàng, trên tổng giá trị 355.232 USD.

Riêng một lô hàng hoa hồi hiện vẫn nằm tại cảng Jebel Ali từ ngày 26/7. Phía doanh nghiệp đang tiếp tục làm việc với ngân hàng Ajman Bank và yêu cầu thanh toán toàn bộ chi phí phát sinh gồm phí kho bãi, phí luật sư, chi phí đưa hàng về lại cảng đi (Hải Phòng)…

Tin vui vụ nghi lừa bán 5 container hạt điều, hồ tiêu sang Dubai - 1

Sau khi lấy hàng hồ tiêu, hạt điều khỏi cảng, khách mua bên Dubai đã đóng cửa trụ sở công ty (Ảnh minh họa).

Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục báo cáo và cập nhật tình hình vụ việc trong những ngày tiếp theo.

Trước đó, các doanh nghiệp Việt Nam ký với khách hàng tại Dubai mua bán theo hình thức nhờ thu hộ D/P. Với phương thức này, người nhập khẩu phải thanh toán cho ngân hàng do người xuất khẩu ủy quyền thì mới nhận được bộ chứng từ hàng hóa để có thể làm thủ tục nhận hàng.

Các ngân hàng Việt Nam dùng dịch vụ DHL chuyển phát bộ chứng từ gốc tới ngân hàng Ajman Bank và nhân viên ngân hàng Ajman Bank đã xác nhận ký nhận thành công 5 bộ chứng từ. Tuy nhiên, sau đó không rõ vì lý do gì các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại ngân hàng Ajman nên các ngân hàng Việt Nam đã liên tục yêu cầu ngân hàng Ajman thanh toán.

Nhận thấy sự trì hoãn, chây ì từ phía cả ngân hàng và người mua nên các công ty xuất khẩu đã kiểm tra trên hệ thống hãng tàu thì phát hiện cả 4 container hàng đều biến mất khỏi cảng.

Khi phát hiện vụ việc hàng đã được lấy ra khỏi cảng, người mua không liên hệ được và nay công ty cũng đã đóng cửa trụ sở đăng ký. Vì vậy, các công ty yêu cầu ngân hàng Việt Nam điện đòi ngân hàng Ajman trả lại bộ chứng từ gốc và liên tục có điện truy vấn, kể cả qua các hình thức khác là email và điện thoại trực tiếp.