1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Rủi ro khi đi chợ trên hội nhóm: Nghi vấn nước lẩu cũ, trà sữa có gián

Trúc Ly

(Dân trí) - Chợ cư dân online được coi là "chân ái cuộc đời" của những người phụ nữ bận rộn. Tuy nhiên, mua hàng tại đây ngoài việc phải chịu giá cao hơn, người mua còn phải đối diện với vấn đề an toàn thực phẩm.

Chỉ trong một tuần, trên nhóm kín chợ cư dân của một chung cư ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) có đến 2 bài "tố" về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nội dung bài đầu tiên cho thấy chủ nhân bất bình khi mua phải nồi lẩu cua có lẫn vài sợi bún vụn ở dưới đáy nồi. Theo người này, nồi nước lẩu đã qua sử dụng, sau đó được người bán lọc và bán cho người tiếp theo.

Chị cho rằng đây là hành vi bán hàng vô lương tâm. Phía dưới bài đăng có tới vài trăm lượt bình luận bày tỏ cảm xúc về sự việc. Bên cạnh những người không chấp nhận nồi lẩu có lẫn vài sợi bún, số khác cho rằng có thể đây là sơ suất của người bán và có thể thông cảm được.

Chủ nhân bài viết số 2 "tố" cửa hàng trà sữa mất vệ sinh an toàn thực phẩm khi để rơi một con gián nhỏ vào cốc trà sữa. Sau khi phản ánh, chị chỉ nhận được lời giải thích của nhân viên rằng do sơ suất vì quán đang có quá nhiều gián không thể diệt hết. Dù quán có giải thích ra sao đi nữa, việc để côn trùng rơi vào cốc trà sữa là điều không thể chấp nhận.

Việc mua bán trên các nhóm kín chợ cư dân ngày càng trở nên phổ biến ở các khu chung cư bởi tính thuận tiện. Chỉ cần người mua để lại bình luận về món đồ muốn mua kèm thông tin căn hộ, người bán sẽ đem món hàng tới tận nhà cho người mua và không lấy tiền vận chuyển (ship).

Rủi ro khi đi chợ trên hội nhóm: Nghi vấn nước lẩu cũ, trà sữa có gián - 1

Mua hàng trên nhóm chợ cư dân thuận tiện nhưng đi kèm nhiều vấn đề (Ảnh minh họa: Pinterest).

Thuận tiện đi kèm giá cao

Thảo Hương, "khách hàng ruột" thường xuyên mua hàng trên chợ cư dân ở chung cư cho biết công việc bận rộn, đi muộn về sớm, chợ cư dân với chị là chân ái.

Nhờ có chợ cư dân, có những khi nửa tháng chị không cần đi chợ vì muốn mua món gì đều có và được giao tận nơi. Thảo Hương biết rằng việc mua đồ online trên các nhóm kín sẽ phải chịu mức giá cao hơn đi chợ nhưng chị chấp nhận và hài lòng với việc đó.

Nhờ có các hội nhóm, chợ cư dân online, hay lớn hơn là các phần mềm đi chợ hộ, công cuộc nấu nướng của hội chị em bận rộn đã đỡ vất vả hơn khá nhiều. Thông thường, người làm việc theo giờ hành chính sẽ tan làm lúc 17h30, trở về tới nhà khoảng hơn 18h. Như vậy, việc mua sắm online sẽ giúp tiết kiệm thời gian đi chợ để ngay sau khi đi làm về, hội chị em có thể nấu nướng được ngay.

Tuy nhiên, sau khi đọc 2 bài "tố" về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Thảo Hương bắt đầu lo lắng và lên kế hoạch đi siêu thị mỗi tuần một lần để được tự tay chọn lựa đồ.

"Đôi khi vì tiện mà mình cứ nhắm mắt mua trên các nhóm kín nhưng đâu biết người ta nhập ở đâu, vệ sinh như thế nào", Hương nói.

Sàng lọc trước khi mua hàng

Thùy Dung từng là "thành viên vàng" của nhóm chợ cư dân. Hầu hết bài đăng nào cũng có "dấu vết" của chị. Một bát phở thông thường có giá khoảng 30.000 đồng đến 50.000 đồng nhưng trên nhóm chợ cư dân, bát phở thường được bán chênh 15.000 đồng đến 20.000 đồng/bát. 

Tuy nhiên, sau nhiều lần mua phải đồ ăn cũ như xôi để qua ngày, rau đã bị héo, ngả vàng, các loại hoa quả có dấu hiệu hư hỏng, Thùy Dung dần học cách sàng lọc sản phẩm, uy tín của người bán trước khi đặt hàng.

Chị khẳng định bên cạnh những người bán hàng kém chất lượng, chợ cư dân vẫn có nhiều người bán hàng có tâm. Nhiều lần, Dung mua được những món thực phẩm từ chợ quê như trứng gà quê, rau sạch, hoa quả chín cây vừa ngon, vừa rẻ. Do vậy, chị cho rằng chợ cư dân hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho cư dân, đặc biệt là những người bận rộn.

Chợ cư dân online là nhóm kín được các cư dân trong một khu vực (thường là khu chung cư) lập ra với mục đích trao đổi thông tin, buôn bán hàng hóa. Thông thường khi mua hàng trên nhóm chợ online, người mua sẽ được mang hàng tới tận nhà và không mất tiền vận chuyển.

Yếu tố này giúp các nhóm chợ cư dân ngày càng phát triển. Bên cạnh sự thuận tiện, nhóm chợ cư dân đi kèm với nhiều vấn đề như chất lượng, nguồn gốc hàng hóa.

Webroot - đơn vị tư vấn, bảo vệ các doanh nghiệp đối tác khỏi các vấn đề liên quan đến không gian mạng, có trụ sợ tại Mỹ - đưa ra lời khuyên dành cho những "tín đồ online". Việc mua sắm online tiện dụng, đặc biệt trong thời đại phát triển, tuy nhiên đi kèm rủi ro. Do vậy, trước khi quyết định chi tiêu online, hãy nắm vững các điều sau:

- Biết đến người bán là ai và độ uy tín của họ từ trước đến nay

- Đừng vội tin vào những lời quảng cáo quá đà, không có thật

- Hỏi kỹ về chính sách vận chuyển, đổi - trả hàng khi có vấn đề hay sự cố

- Nếu bạn mua chỉ vì giảm giá, hãy cân nhắc và hỏi bản thân đó có phải những món đồ thực sự cần thiết vào thời điểm này hay không

- Không ham mua đồ quá rẻ

- Cảnh giác với những đơn vị kinh doanh yêu cầu bạn cung cấp quá chi tiết về thông tin cá nhân