1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nho “Ba Mọi” khốn khổ vì tên gọi

(Dân trí) - Những ngày qua, báo chí đồng loạt đưa tin Uỷ ban Dân tộc Quốc hội <ahref="http://www11.dantri.com.vn/Sukien/2007/2/167935.vip">cấm dùng từ “mọi”</a> để đặt tên cho các món ăn trong thực đơn, quảng cáo. Thực thi điều này giới chuyên gia và doanh nghiệp hiện rất lo lắng cho một thương hiệu hàng nông sản Việt Nam khá nổi tiếng là nho Ba Mọi sẽ gặp khó khăn như thế nào?

Thật ngẫu nhiên, khi Dân trí tìm đến cửa hàng phân phối nho Ba Mọi tại TPHCM lại gặp ngay lúc anh Nguyễn Đại Vệ (con trai ông Nguyễn Văn Mọi) - chủ trang trại nho Ba Mọi ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cũng đang đi tìm những thông tin liên quan đến văn bản trên.

Anh Vệ cũng là người đã cùng với cha mình để đặt tên thương hiệu nho Ba Mọi. Anh cho biết, cha anh năm nay đã xấp xỉ 60. Cách đây 5 năm, ông Nguyễn Văn Mọi là người nông dân đầu tiên của vùng đất cằn cỗi Ninh Thuận đến gõ cửa Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam yêu cầu ứng dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất nho an toàn về dư lượng thuốc trừ sâu.

Sau khi trồng thử nghiệm thành công nhiều giống nho khác nhau trên đất ruộng gò của gia đình, ông Nguyễn Văn Mọi đã cùng với người con trai là anh Vệ bắt tay vào việc đầu tư để xây dựng một thương hiệu nho đặc trưng của vùng đất Ninh Thuận làm thế đối trọng với các loại nho biến đổi gien được nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ...

Theo anh Vệ, sau khi cha anh sản xuất thành công các giống nho xanh và nho đỏ, anh đã cùng với những người bạn làm một cuộc điều tra nghiên cứu thị trường “bỏ túi” tại chợ Cầu Muối (TPHCM). Khi đó, anh nghĩ phải làm thế nào đó để nông sản Việt Nam tạo dựng một thương hiệu mạnh thì mới có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Nghĩ là làm, sau khi xin ý kiến về việc lấy tên thứ tự trong gia đình của mẹ anh ghép với tên cha anh để cho ra đời một thương hiệu nho Ba Mọi tâm huyết của gia đình.

Nho “Ba Mọi” khốn khổ vì tên gọi - 1
  

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của nho Ba Mọi.

Từ đó đến nay, sau 5 năm xây dựng thương hiệu với khoản chi phí đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng để tham gia các kỳ hội chợ, quảng cáo... thương hiệu nho Ba Mọi đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Hiện, trung bình mỗi tháng trang trại nho Ba Mọi cung cấp khoảng từ 5 - 6 tấn nho cho thị trường TPHCM thông qua kênh phân phối là hệ thống các siêu thị Co.opMart, Big C, Maximark...

Anh Nguyễn Đại Vệ cho rằng, chuyện tuy khá hy hữu nhưng tên Ba Mọi là tên một cá nhân đặt cho một giống nho do người này mày mò lập nên chứ không phải là một tên gọi có tính chất miệt thị người dân tộc. Việc gọi thứ xưng tên này diễn ra khá phổ biến tại các địa phương miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Chuyên gia thương hiệu Nguyễn Trần Quang cũng cho rằng, Ba Mọi là một biệt hiệu, một tên gọi riêng. Nó không nằm trong phạm vi giới hạn (tục tĩu, nói xấu, ám chỉ người khác...) vì thế nó hoàn toàn được dùng để đặt tên cho một thương hiệu nào đó một cách hợp lý mà không cần phải thay đổi bởi đây hoàn toàn là một quan hệ dân sự.

Tuy nhiên, ông Quang cũng khuyên rằng, với cái tên nhạy cảm này, nếu doanh nghiệp tự cảm thấy thương hiệu đó sẽ khó bán được hàng hoặc giảm lòng tin nơi người tiêu dùng trong thời gian tới thì tốt nhất nên tự đổi tên thương hiệu càng sớm càng tốt.

Dường như đã lường trước được sự việc khá rắc rối sẽ xảy đến liên quan đến thương hiệu nho Ba Mọi, Đầu năm 2006, “vua nho” Nguyễn Văn Mọi đã thành lập doanh nghiệp Đại Phương và cho biết sẽ dần dần chuyển hướng xây dựng nhãn hiệu nho Ba Mọi là một nhãn hàng của Đại Phương.

Tuy nhiên, việc xây dựng lại một thương hiệu mới thành công được như nho Ba Mọi hiện nay phải thừa nhận là một sự tốn kém và tổn thất lớn đối với người nông dân ít vốn như ông Mọi. Trong khi đó ông đang rất cần vốn để phát triển mở rộng sản xuất cho trang trại trồng nho của mình theo kiểu công nghiệp và khép kín.

Nhựt Lê