1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Không xuôi quy định “tháo khoán” nợ DNNN

(Dân trí) - Mối băn khoăn, nghi ngại lớn nhất về Luật quản lý nợ công được QH thảo luận tại hội trường chiều 29/5 tập trung vào nội dung nợ, bảo lãnh nợ của DNNN. Dù dự thảo đã loại trừ đối tượng này, nhiều đại biểu vẫn không xuôi về cách “tháo khoán” quy định.

Đề cập tới vấn đề nợ công, một số ý kiến đề nghị bổ sung nợ của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vì khoản này cũng thuộc khu vực công. Các đại biểu này lo ngại nếu không điều chỉnh việc quản lý nợ của DNNN thì sẽ tạo “khoảng trống” pháp lý đối với quản lý nợ khu vực DNNN, dẫn đến buông lỏng quản lý.

Chủ nhiệm UB tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển giải trình nếu đưa nợ của DNNN vào luật này thì đồng nghĩa với việc khẳng định trách nhiệm pháp lý của nhà nước đối với cả những khoản nợ DNNN tự vay, tự trả.
 
Ông Hiển cảnh báo, việc này sẽ tạo hệ quả pháp lý bất lợi, dẫn đến nguy cơ phát sinh nghĩa vụ trả nợ của nhà nước trong trường hợp DNNN mất khả năng thanh toán.
 
Theo đó, việc DNNN tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Trong trường hợp đơn vị không đủ khả năng trả nợ thì phải thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
 
Không xuôi quy định “tháo khoán” nợ DNNN - 1
Đại biểu Trần Du Lịch (ảnh: Việt Hưng).
 
Bác những lo lắng của các đại biểu, UB thường vụ QH tiếp tục kiến nghị bỏ qua các khoản nợ của DNNN khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật quản lý nợ công.
 
Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu vẫn chưa xuôi với cách lý luận loại trừ của cơ quan thẩm tra dự án luật. Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) cho rằng, tuy “tháo khoán” cho DNNN nhưng dự án luật vẫn quy định khối đơn vị này cũng như chính quyền địa phương, đều là đối tượng được vay lại từ nguồn vay nợ của Chính phủ. Khoản nợ này đối với chính quyền địa phương được gọi là "nợ công" còn với doanh nghiệp lại cho rằng không phải nợ công thì không biết phải gọi là nợ gì.
 
“Tôi đề nghị cần giải trình rõ vấn đề này. Đây là một sơ hở, trong khi chính quyền địa phương vay, thủ tục rất chặt chẽ và được bảo đảm trả nợ bằng ngân sách của địa phương, thì thủ tục của doanh nghiệp vay rất đơn giản, điều kiện đảm bảo trả nợ vay chưa được quy định trong luật” - đại biểu Dũng nói.
 
Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế TPHCM, Trần Du Lịch, cũng phụ họa. Ông Lịch nêu vấn đề một cách hài hước: “Mỗi khi đi họp, cử tri có nói với tôi là lâu nay tình hình Việt Nam chưa thấy nợ Chính phủ không trả nổi, cũng như địa phương cũng chưa thấy ai quỵt nợ thì có lẽ cũng an toàn. Người dân chỉ lo lắng vấn đề bảo lãnh nợ cho doanh nghiệp, mà chủ yếu là DNNN”.
 
Ông Lịch đề nghị hàng năm trong báo cáo của Chính phủ, bên cạnh việc chi tiêu, thu nợ, trả nợ ngân sách phải nêu rõ tình hình bảo lãnh và sử dụng bảo lãnh với khu vực này. Đại biểu cũng cảnh báo, đối chiếu với điều kiện bảo lãnh thì nhiều khoản bảo lãnh cho DNNN hiện dưới xa các tiêu chí này.
 
Về vấn đề cơ quan quản lý nhà nước về nợ công, theo quy định hiện hành 3 cơ quan, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng được giao thực hiện chức năng.
 
Báo cáo giải trình tiếp thu  nêu ý kiến đề nghị xác định rõ một cơ quan giữ vai trò đầu mối thực hiện chức năng trực tiếp quản lý nợ công, đó cũng là cơ quan giữ vai trò đại diện cho Nhà nước ký kết các hiệp định vay nợ và đại diện cho các khoản vay nước ngoài.
 
Không xuôi quy định “tháo khoán” nợ DNNN - 2
Dự kiến, Luật quản lý nợ công sẽ được thông qua trong kỳ họp này (ảnh: Việt Hưng).
 
Chủ nhiệm UB Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển khẳng định, về lâu dài, giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng này là hợp lý. Tuy nhiên, để kế thừa kinh nghiệm trong đàm phán, ký kết các hiệp định vay nợ, khai thác mối quan hệ truyền thống vốn có trước đây với một số tổ chức quốc tế, trước mắt vẫn duy trì mô hình 3 đầu mối như hiện nay và xin QH giữ quy định như của dự thảo luật.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương (Tp. Đà Nẵng) phản ứng cho rằng cách lý giải “kế thừa kinh nghiệm đi vay” không thuyết phục. Theo bà Hương, việc phân tán cho 3 cơ quan như vậy là thiếu nhất quán tron cơ cấu nợ, dẫn đến nguy cơ rủi ro, lãng phí trong hoạt động quản lý vay va sử dụng vốn vay.
 
Đối với nhóm quy định về chế độ thanh, kiểm tra, báo cáo, có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định vê công khai thông tin liên quan đến vay nợ. Tiếp thu ý kiến này, UB thường vụ QH đã chỉ đạo bổ sung một điều khoản mới trong dự thảo với nội dung: các thông tin nợ được công khai bao gồm tổng số dư nợ, cơ cấu nợ trong nước, nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, số liệu rút vốn va trả nợ hàng năm…
 
P. Thảo