DNews

Giá vàng bất chấp "một mình một chợ", kỷ lục cũ chưa qua, kỷ lục mới đã tới

Nhật Quang

(Dân trí) - Từ đầu tháng 3, giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn có nhiều diễn biến bất ngờ, liên tục có kỷ lục mới. Các chuyên gia đưa ra nhiều góc nhìn nhằm bình ổn thị trường.

Giá vàng bất chấp "một mình một chợ", kỷ lục cũ chưa qua, kỷ lục mới đã tới

Kỷ lục cũ chưa qua, kỷ lục mới đã tới

 Sự "lấp lánh" của vàng trong gần một tuần trở lại đây được phản chiếu qua nhiều con số đầy bất ngờ, liên tiếp xô đổ các kỷ lục. Kỷ lục cũ vừa được lập thì ngay sau đó, kỷ lục mới lại xuất hiện. 

Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn, các loại khác... đều tăng cao. Kỷ lục giá vàng miếng SJC được ghi nhận tại phiên 2/3 tại mức 78,5-81 triệu đồng/lượng (mua - bán). Tính đến chiều 5/3, giá bán vàng miếng ghi nhận tại mốc 78,5-80,5 triệu đồng/lượng, đây là ngày thứ 4 liên tiếp neo trên mốc 80 triệu đồng/lượng. Sáng 6/3, giá đầu ngày lại lập đỉnh 81 triệu đồng/lượng bán ra, sau đó lùi 200.000 đồng/lượng. 

Nếu so giá vàng hiện giờ với phiên giao dịch đầu năm (2/1), giá vàng miếng SJC đã tăng 7 triệu đồng ở chiều bán ra và tăng 8 triệu đồng ở chiều mua vào (tương đương tăng 10%). Còn so với cùng kỳ năm 2023, mỗi lượng vàng miếng tăng gần 14 triệu đồng ở chiều bán ra, và tăng 12,6 triệu đồng ở chiều mua vào.

Giá vàng miếng SJC trong nước diễn biến tăng theo giá vàng quốc tế nhưng đắt hơn giá quốc tế rất nhiều nếu quy đổi theo VND, đắt hơn 17-17,5 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC và Kể từ đầu tháng 3, giá vàng quốc tế tăng lên trên mức 2.050 USD/ounce. Riêng ngày 5/3, vàng quốc tế giao dịch quanh mức 2.122 USD/ounce, tăng 129 USD/ounce (tương đương tăng 6,4%) so với đáy từ đầu năm.

So với phiên giao dịch đầu năm, giá vàng quốc tế đã tăng 64 USD/ounce (tương đương tăng 3,1%). Như vậy, đà tăng trưởng của giá vàng trong nước gấp 3 lần giá vàng quốc tế nếu so với cùng thời điểm từ đầu năm đến nay. 

Giá vàng bất chấp một mình một chợ, kỷ lục cũ chưa qua, kỷ lục mới đã tới - 1

Thị giá vàng quốc tế từ đầu năm đến nay (Nguồn: Trading View).

Trước đó, cuối tháng 12/2023, giá vàng trong nước cũng từng ghi nhận nhiều biến động mạnh. Đỉnh điểm ngày 26/12/2023, giá vàng miếng được ghi nhận ở mức 79-80,3 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong lịch sử. 

Thời điểm đó, có phiên giao dịch các "nhà vàng" điều chỉnh giá tới trên dưới 20 lần một ngày. Qua một đêm, người mua vàng lỗ cả vài triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới nới rộng, giá vàng miếng trong nước có thời điểm đắt hơn thế giới gần 20 triệu đồng/lượng. 

Ngay sau thời điểm giá vàng có diễn biến phức tạp, Thủ tướng ra chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp quản lý, điều hành giá vàng miếng, không để tình trạng chênh lệch cao giữa trong nước và quốc tế. Thủ tướng yêu cầu cơ quan quản lý tiền tệ theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng.

Sau chỉ đạo "nóng" của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước, cho biết tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng.

Tháng 12/2023, giá vàng "hạ nhiệt" ngay sau khi có thông tin chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay giá vàng lại tiếp tục "dậy sóng". Mới đây, ngày 15/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tổng kết Nghị định 24 và có giải pháp quản lý thị trường này trong quý I để phù hợp tình hình mới.

Chuyên gia: Không loại trừ khả năng vàng bị kiểm soát giá

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM cho biết giá vàng tăng theo quy luật cung - cầu. Sau ngày vía Thần tài, vàng nhẫn, vàng miếng được nhiều người dân "săn đón", dẫn đến tình trạng khan hiếm vàng. Từ đó đẩy giá vàng lên cao.

Theo ông Huân, giá vàng biến động những ngày qua cũng không loại trừ khả năng một số đơn vị kiểm soát giá vàng SJC, họ muốn đẩy giá lên để bán bớt. Bởi, sắp tới giá vàng có thể ảnh hưởng sau khi có sự điều chỉnh về mặt chính sách, cụ thể là Nghị định 24 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Ngân hàng Nhà nước trong công cuộc trình Chính phủ sửa đổi nghị định 24. Nếu Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào thị trường vàng thì giá vàng sắp tới sẽ giảm. 

Vị chuyên gia này cho rằng thị trường vàng tại Việt Nam là thị trường "độc quyền nhóm". Giá vàng được thống nhất bởi các "nhà vàng" với nhau, họ có sự liên thông để hình thành nên giá vàng. Theo quy luật cung - cầu, ai nắm giữ lượng vàng lớn trong nền kinh tế thì có quyền chi phối giá vàng. 

Giá vàng bất chấp một mình một chợ, kỷ lục cũ chưa qua, kỷ lục mới đã tới - 2

Ngân hàng Nhà nước cần có động thái can thiệp thị trường vàng mạnh mẽ hơn để ổn định giá vàng (Ảnh: Mạnh Quân).

Nguyên nhân khác khiến giá vàng trong nước tăng là do vàng thế giới tăng trở lại. Nếu Ngân hàng Nhà nước không có bất kỳ động thái can thiệp nào, thì giá vàng sẽ tăng trở lại.

Ông Huân cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần phát đi những thông điệp mạnh mẽ hơn, có động thái can thiệp cụ thể thì mới bình ổn được giá vàng SJC. Nguyên do là lượng vàng SJC trong thị trường không thay đổi trong suốt nhiều năm qua, nhưng nhu cầu mua lại ngày càng tăng. 

Đồng quan điểm về nguyên nhân giá vàng tăng, TS. Lê Đạt Chí, khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết vàng trong nước bị tác động bởi yếu tố cung - cầu, và sự tăng giá mạnh mẽ của vàng thế giới.

Bên cạnh đó vàng cũng là một loại hàng hóa đặc biệt. Thành công của Nghị định 24 năm 2012 là chống "vàng hóa" thị trường, cho nên 10 năm nay không nhập thêm vàng, không bán ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập vàng.

Thị trường vàng cơ bản cũng có thể coi là một "trò chơi" giữa các nhà đầu tư, trong đó có người mua thấp, bán cao và ngược lại. Tiền từ người này qua người khác, không ảnh hưởng đến vĩ mô của nền kinh tế.

Làm gì để ổn định giá vàng?

Để ổn định giá vàng, chuyên gia Huân cho rằng, cách duy nhất can thiệp vào thị trường lúc này là ngừng độc quyền vàng miếng. Nhà nước chỉ kiểm soát nguồn cung, còn việc sản xuất có thể cho các doanh nghiệp khác cùng tham gia, sử dụng vàng dân cư để sản xuất vàng miếng, góp phần ổn định nhu cầu vàng miếng của thị trường.

Tuy việc thị trường cạnh tranh sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng việc hạn chế nhập khẩu vẫn cần được duy trì để đảm bảo an ninh tiền tệ, giảm đầu cơ tích trữ.

Chuyên gia đầu tư tài chính cá nhân Lê Xuân Huy nhận định mức chênh lệch lớn giữa vàng quốc tế và vàng trong nước sẽ khiến hoạt động nhập lậu vàng gia tăng gây thất thu ngân sách. Bên cạnh đó, việc nhập lậu vàng sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường ngoại tệ tự do gây bất ổn tỷ giá.

Giá vàng bất chấp một mình một chợ, kỷ lục cũ chưa qua, kỷ lục mới đã tới - 3

Chuyên gia cho rằng cần xóa bỏ độc quyền thị trường vàng (Ảnh: Mạnh Quân).

Để thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, vị chuyên gia này cho rằng Chính phủ cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24 theo hướng tăng nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường để loại bỏ sự khan hiếm, dần dần tiến tới bỏ độc quyền vàng miếng. Ngoài ra, Nghị định 24 cần sửa đổi theo hướng giúp tăng tính cạnh tranh về giá.

Đánh giá về việc dùng công cụ thuế để điều tiết thị trường vàng, ông Huy nhận định khó có thể thành công. Do thuế không phải là yếu tố cốt lõi ảnh hưởng tới quyết định mua bán vàng của nhà đầu tư. Yếu tố cốt lõi vẫn đến từ sự biến động mạnh của giá vàng do cầu vượt quá cung trên thị trường vàng trong nước.