1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Gần 51.000 tỷ đồng giao dịch "đáng ngờ" về rửa tiền

(Dân trí) - Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2012, cơ quan này đã phát hiện hơn 50.933 tỷ đồng giao dịch đáng ngờ về rửa tiền. Cơ quan này đã cung cấp 165 báo cáo cho cơ quan công an và cơ quan thanh tra chuyên ngành xem xét, xác minh.

Ngày 22/7, Ngân hàng Nhà nước  và Văn phòng Chống rửa tiền của Thái Lan (AMLO)
Ngày 22/7, Ngân hàng Nhà nước  và Văn phòng Chống rửa tiền của Thái Lan (AMLO)
đã ký kết Biên bản Ghi nhớ về trao đổi thông tin liên quan đến rửa tiền.

Ngày 23/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền đã tổ chức cuộc họp đánh giá công tác phòng, chống rửa tiền và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động này cũng như việc hướng dẫn thực hiện Luật phòng, chống rửa tiền vừa được Quốc hội thông qua.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng số giao dịch đáng ngờ trong năm 2012 là hơn 50.933 tỷ đồng (bao gồm cả các đồng tiền khác đã được quy đổi).

Qua đó, Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp 165 báo cáo để chuyển cơ quan công an và cơ quan thanh tra chuyên ngành để xem xét, xác minh, với số báo cáo gửi cho cơ quan công an là 160 báo cáo.

Không chỉ chủ động phát hiện các giao dịch đáng ngờ về rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước còn tiếp nhận 50 văn bản từ các cơ quan thực thi pháp luật đề nghị rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến hàng chục bị can hoặc đối tượng đấu tranh trong các vụ án hình sự.

Ngoài ra, kết quả làm việc của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Thanh tra chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố cũng phát hiện và làm rõ nhiều sai phạm của cá nhân, tổ chức có liên quan đến hành vi rửa tiền.

Được biết, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua tại kỳ họp khóa XIII. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật, Thủ tướng Chính phủ đã lập Kế hoạch hành động quốc gia về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố vào tháng 10/2012. Các bộ, ngành cũng triển khai tích cực các nhiệm vụ được giao.

Chỉ đạo tại cuộc họp ngày 23/8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền cho rằng: Các bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm cụ thể hoá các cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền để thực thi trong điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta, đồng thời đảm bảo hội nhập với thế giới để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này.

Cũng liên quan tới công tác phòng chống rửa tiền, ngày 22/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Văn phòng Chống rửa tiền của Thái Lan (AMLO) đã ký kết Biên bản Ghi nhớ về trao đổi thông tin liên quan đến rửa tiền. Việc ký kết Biên bản ghi nhớ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên trong quá trình thu thập, phân tích, xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền...

Nguyễn Hiền