1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

CPI “lí tưởng” là... rất khó

(Dân trí) - Trả lời phỏng vấn của Dân trí, TS Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM cho rằng, nếu kinh tế tăng trưởng 9-10%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 5% là lí tưởng - sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, với nền kinh tế của ta hiện nay, CPI “lí tưởng” là... rất khó.

Chính phủ đang chuẩn bị thành lập một Ủy ban giám sát để kiểm soát vĩ mô trong hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và các quĩ đầu tư. Theo ông nếu cơ quan này ra đời sẽ tác động như thế nào tới việc điều tiết CPI của năm tới?

Chúng ta chưa có một giải pháp giám sát đồng bộ giữa ba thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm và chúng ta chưa có công cụ để khai thông những “cơn giận” của hai thị trường là thị trường tài chính và thị trường bất động sản.

“Chúng ta phải dự báo sớm tổng cung và tổng cầu của năm 2008 để có những biện pháp đồng bộ, đặc biệt là những chính sách vĩ mô, ví dụ như thuế lãi suất và các điều kiện để cho nền kinh tế hấp thụ nguồn vốn, thậm chí phải tính toán ngay các giải pháp khuyến khích đầu tư ra nước ngoài để sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi...”

Cái đó là do thiếu đồng bộ trong các chính sách  điều tiết thị trường tài chính nói chung và hiện nay Chính phủ đang lập một UB giám sát thị trường bao gồm cả ba thị trường trên để tạo một sự liên thông và điều tiết lẫn nhau.

Tôi nói thế này, nếu chúng ta để ngân hàng làm mỗi biện pháp tiền tệ mà trong cả thị trường tài chính lại cách biệt như lâu nay thì không ổn. UB giám sát ra đời kiểm soát cả ba thị trường, sẽ giúp cho việc điều tiết lại.

Theo ông, nếu năm tới tăng trưởng GDP của chúng ta đạt 9% thì CPI tăng bao nhiêu % là lí tưởng?

Nếu kinh tế tăng trưởng 9-10% mà CPI dưới 5% là cực kì lí tưởng nhưng lí tưởng là rất khó bởi vì nền kinh tế chúng ta phát triển với nhiều yếu tố không ổn định.

Tôi nói ví dụ, bản chất nền kinh tế là nền kinh tế gia công thành ra chi phí lớn. Chúng ta không thành công về những chính sách nội đại hóa và nền kinh tế cứ dựa vào gia công thành ra chúng ta kiểm soát nền kinh tế gia công như vậy thì độ mở của nền kinh tế quá lớn.

Ông dự đoán như thế nào về CPI trong tình huống nhà nước không bù lỗ cho xăng dầu?

Tôi nghĩ việc này chắc phải tính từ năm sau và chúng ta phải cân đối lại. Nếu như tiếp tục tăng giá xăng dầu thì ảnh hướng tới toàn cầu chứ không riêng gì với Việt Nam.

Nếu giá dầu thô 100 USD/ thùng và tăng hơn nữa thì đây là một nguy cơ với nền kinh tế toàn cầu và chúng ta phải dự liệu, nếu trường hợp đó thì đối sách như thế nào. Đó là điều lớn chuyện mà Chính phủ phải tính.

Theo ông có nên đặt ra vấn đề dự trữ xăng dầu như các nước thường làm không?

Thực sự, với tiềm lực kinh tế của mình, để có dự trữ là vấn đề khó. Ngay cả dự trữ ở đâu, dự trữ như thế nào cũng không đơn giản. Dự trữ xăng dầu không phải chúng ta nói là làm ngay được.

Có nhiều ý kiến cho rằng, trong việc điều trị cơn sốt giá, chúng ta thường sử dụng biện pháp hành chính và thiếu những biện pháp kinh tế. Ông nói gì về điều này?

Đó là chỗ nhược điểm. Biện pháp hành chính là hạ sách, còn kinh tế thị trường là điều tiết bằng kinh tế vĩ mô.

Nhưng trong điều kiện năm nay thì biện pháp hành chính là cắt sốt nhanh nhất, cũng giống như anh sốt rồi, trong lúc chưa trị được bệnh thì phải cho uống aspirin hạ sốt đã chứ.

Xin cám ơn ông!

Cấn Cường (thực hiện)