DNews

Apax của shark Thủy: Từ gây choáng váng vì độ phủ tới chìm vào khủng hoảng

Mai Chi

(Dân trí) - Chuỗi dịch vụ giáo dục của shark Thủy từng gây choáng váng với tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, vị "cá mập" thân bại danh liệt vì bê bối nợ nần rồi bị bắt tạm giam.

Apax của shark Thủy: Từ gây choáng váng vì độ phủ tới chìm vào khủng hoảng

Thông tin từ Bộ Công an phát ra sáng nay (26/3) cho hay, Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Thủy (Chủ tịch Công ty Giáo dục EGroup, tức shark Thủy). Ông Thủy bị tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup.

Tốc độ tăng trưởng chóng mặt

Egroup có mối liên hệ mật thiết với Apax Holdings (mã chứng khoán: IBC), có chung lãnh đạo là ông Nguyễn Ngọc Thủy. Egroup với ngành nghề chính là xuất bản phần mềm có vốn điều lệ 962,5 tỷ đồng. Vốn góp của Egroup tại Apax Holdings là 496,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 59,8% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2021. Tuy vậy, sau nhiều đợt bị bán giải chấp, Egroup đã mất quyền công ty mẹ khi tỷ lệ sở hữu tại Apax Holdings giảm về mức 17,66%.

Trong hệ sinh thái các công ty của ông Nguyễn Ngọc Thủy, Apax Holdings là công ty duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán, đứng sau loạt thương hiệu Apax English, Apax Leaders, mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia....

Apax của shark Thủy: Từ gây choáng váng vì độ phủ tới chìm vào khủng hoảng - 1

Một cơ sở của Apax Leaders tại TPHCM (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Hệ thống giáo dục của Apax Holdings có thời điểm tăng trưởng nóng với số lượng trung tâm không ngừng mở rộng với "tốc độ Thánh Gióng".

Apax English xuất hiện năm 2015 và ngay trong năm đầu đã gây chú ý với 12 trung tâm tại Hà Nội và hơn 6.000 học viên. Đến cuối năm 2016, Apax đạt 25 trung tâm, doanh thu 200 tỷ đồng. Năm 2017, Apax có trong tay 55 trung tâm, thu hút hơn 40.000 học viên, con số này thời điểm bấy giờ được đánh giá sánh ngang thành quả sau 20 năm của nhiều ông lớn đi trước.

Năm 2018, Apax có bước ngoặt chiến lược khi "nam tiến", chinh phục thị trường lớn và khó nhất nước với thương hiệu mới: Apax Leaders. So với Apax English, Apax Leaders được giới thiệu là cung cấp thêm kỹ năng thành công (leadership skills) và hoạt động STEAM hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Tốc độ mở mới trung tâm chóng mặt. Đến 2021, phía Apax cho biết, với hơn 120 trung tâm tại hơn 32 tỉnh thành, Apax Leaders đã bỏ xa nhiều đơn vị đào tạo tiếng Anh cùng phân khúc trên thị trường như Apollo (50 trung tâm), ILA (44 trung tâm) và VUS (41 trung tâm).

Tai tiếng nợ nần

Đang trên đà tăng trưởng nóng, dịch Covid-19 xuất hiện, chuỗi trung tâm Apax Leaders của Egroup vướng lùm xùm liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên, bị phụ huynh đòi hoàn học phí…

Trong văn bản giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), ông Nguyễn Ngọc Thủy đã thừa nhận những vấn đề được báo chí đưa ra là những tồn tại của Apax English và lãnh đạo của Apax English cũng đã và đang phối hợp với Apax Holdings để có những phương án xử lý phù hợp.

Tai tiếng nợ nần khiến cổ phiếu IBC của Apax Holdings có pha giảm sàn kéo dài tới 26 phiên liên tục giai đoạn tháng 12-12/2022 và ông Nguyễn Ngọc Thủy phải giải trình liên tục 5 lần về nguyên nhân giảm sàn. Cú trượt dốc chưa từng thấy trong lịch sử niêm yết đã khiến thị giá IBC "bốc hơi" 85% chỉ trong thời gian ngắn, vốn hóa thị trường bị thổi bay 1.100 tỷ đồng.

Apax của shark Thủy: Từ gây choáng váng vì độ phủ tới chìm vào khủng hoảng - 2

Phụ huynh vây ông Nguyễn Ngọc Thủy đòi hoàn trả học phí còn dư trong cuộc họp chiều 9/4/2023 tại TPHCM (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Thời điểm đó, ông Thủy cho biết nguyên nhân cổ phiếu giảm sàn liên tục đến từ việc nhà đầu tư cổ phiếu IBC có vay ký quỹ/thế chấp bị bán chủ động/bán giải chấp từ các công ty chứng khoán để nhanh chóng thu hồi vốn và hiện tượng này vẫn tiếp tục xảy ra.

Đồng thời, tại một công văn giải trình khác gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Apax Holdings cũng khẳng định tin đồn ông Nguyễn Ngọc Thủy đã hoàn tất thủ tục định cư ở châu Âu là không chính xác và hiện tại ông vẫn đang ở Việt Nam nỗ lực khắc phục tình hình kinh doanh của công ty.

"Tôi khẳng định đó là những thông tin hoàn toàn không có cơ sở và tôi không bao giờ có suy nghĩ ấy. Trong suốt thời gian vừa qua và trong giai đoạn xảy ra tin đồn, ngày nào tôi cũng lên văn phòng làm việc, gặp mặt cổ đông và tới các tỉnh làm việc với các phụ huynh tại các trung tâm vì chúng tôi đang tập trung thực hiện kế hoạch tái cấu trúc hệ thống" - ông Thủy cho hay.

Chủ tịch Apax Holdings cho biết, mặc dù khá ngạc nhiên nhưng ông không bất ngờ do đang tập trung để hồi phục lại hoạt động kinh doanh nên ít xuất hiện trên truyền thông khiến nhiều người hoang mang.

"Tôi khẳng định một lần nữa là tôi chưa bao giờ có ý định rời khỏi Việt Nam" - ông Thủy nhấn mạnh trong văn bản giải trình.

Tuy vậy, tình hình thanh khoản tại Apax vẫn căng thẳng. Tháng 4/2023, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tại TPHCM tiếp nhận đơn tố cáo Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (đơn vị sở hữu hệ thống Anh ngữ Apax Leaders) có hành vi "chiếm đoạt tài sản". Theo đơn tố cáo, hệ thống Apax Leaders đã thu tiền học phí để dạy tiếng Anh cho các học viên nhưng không giảng dạy theo đúng cam kết. Thời điểm đó, 40/41 trung tâm Anh ngữ Apax Leaders tại TPHCM bị đình chỉ.

Cổ phiếu bị hủy niêm yết, về mức giá "cọng hành"

Đến tháng 11/2023, HoSE thông báo hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu IBC của Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings theo quy định. HoSE cho biết, cổ phiếu IBC của Apax Holdings đang nằm trong 3 diện theo dõi vi phạm.

Một là diện "đình chỉ giao dịch" theo Quyết định 544 ngày 11/9 của tổng giám đốc HoSE do Apax Holdings tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Hai là diện "kiểm soát" theo Quyết định số 593 ngày 4/10 của tổng giám đốc HoSE do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

Ba là diện "cảnh báo" theo Quyết định số 321 ngày 4/7 của tổng giám đốc HoSE do công ty chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Apax của shark Thủy: Từ gây choáng váng vì độ phủ tới chìm vào khủng hoảng - 3

Diễn biến cổ phiếu IBC trước khi bị hủy niêm yết trên HoSE (Nguồn: Tradingview).

HoSE cho hay, tính đến ngày 21/11/2023, Apax Holdings vẫn chưa công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, báo cáo tài chính quý I, quý II/2023, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023 và chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

Kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch, các vi phạm công bố thông tin của Apax Holdings chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.

Căn cứ quy định tại điểm o khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020 của Chính phủ và căn cứ ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, phía HoSE thông báo về việc sẽ thực hiện hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu IBC của Apax Holdings.

Trên thực tế, trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN cũng mới chỉ cập nhật báo cáo tài chính mới nhất của Apax Holdings đến cuối năm 2022.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Apax Holdings, tính đến cuối năm 2012, công ty có 3.076 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó, nợ ngắn hạn là 1.763 tỷ đồng. Trong năm 2022, mặc dù doanh thu tăng từ 989 tỷ đồng lên 11.336 tỷ đồng nhưng công ty ghi nhận lỗ 81 tỷ đồng (lỗ ròng của công ty mẹ gần 87 tỷ đồng) so với mức lãi ròng hơn 11 tỷ đồng năm 2021.

Rời khỏi sàn HoSE, 83 triệu cổ phiếu IBC xuống giao dịch tại UPCoM với mức giá tham chiếu 1.700 đồng/cổ phiếu kể từ 15/12/2023. Nhưng cổ phiếu này chưa kịp được giao dịch thì đã bị HNX đưa vào diện đình chỉ giao dịch vì tổ chức đăng ký giao dịch là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020 của Chính phủ. 

Nội bộ Apax Holdings cũng biến động mạnh sau khi cổ phiếu công ty bị hủy niêm yết. Theo công bố, 3 thành viên HĐQT đã nộp đơn từ nhiệm là ông Quách Mạnh Hào, Nguyễn Minh Chính và Nguyễn Trọng Quỳnh, đều với lý do cá nhân. Đến nay, công ty tiếp tục nhận theo "hung tin" là ông Nguyễn Ngọc Thủy bị bắt tạm giam.