1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

51 bộ hồ sơ “chờ” thành lập ngân hàng

(Dân trí) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết: Việc thành lập ngân hàng mới, pháp luật Việt Nam không cấm, hiện đã có 51 bộ hồ sơ gửi đến Ngân hàng Nhà nước xin thành lập ngân hàng.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, trong 51 bộ hồ sơ này, 21 bộ hồ sơ là của trong nước, nếu đáp ứng được đủ các điều kiện thì cũng sẽ được xem xét cho thành lập.

Trong số 30 bộ hồ sơ của ngân hàng nước ngoài, bao gồm chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng thành lập 100% vốn nước ngoài thì chúng ta đang xem xét. Hiện đã có 2 hồ sơ về cơ bản đã hoàn thành thủ tục, 1 hồ sơ đang hoàn thiện...

Như vậy, tính đến tháng 5/2008, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam gồm có 5 ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank) vừa chính thức nhận giấy phép chuyển sang mô hình cổ phần, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển và Nông thôn, 6 ngân hàng liên doanh, 36 ngân hàng thương mại cổ phần, 44 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 10 công ty tài chính, 13 công ty cho thuê tài chính và 998 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.

Đến cuối tháng 5/2008, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho hai ngân hàng cổ phần trong nước là Ngân hàng Liên Việt và Ngân hàng Tiên Phong (2 ngân hàng này đã chính thức đi vào hoạt động); cấp giấy phép thành lập, hoạt động cho 3 chi nhánh nước ngoài.

Thời gian gần đây, có một số khuyến nghị cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần “quy hoạch” lại hệ thống ngân hàng theo hướng thu hẹp và thanh lọc. Bởi theo khuyến nghị này, Việt Nam có quá nhiều ngân hàng trong một nền kinh tế quy mô còn nhỏ, còn đang phát triển, trong khi sức cạnh tranh của các ngân hàng không có nhiều lợi thế riêng biệt.

Trong khi đó, những bất cập của nhiều thành viên bắt đầu bộc lộ, như tính thanh khoản, năng lực quản trị rủi ro và so với tầm phát triển kinh tế hiện nay, Việt Nam chưa thể là Singapore, Pháp hay Italia… để có những con số quá lớn.

An Hạ