Người Việt ở “xứ sở sương mù”

Gần 3 thập kỷ qua cộng đồng người Việt ở Anh đã chuyển mình mạnh mẽ và vươn lên với những đóng góp không nhỏ cho xứ sở sương mù.

Gần 3 thập kỷ không phải là một khoảng thời gian quá dài trong quá trình hình thành và phát triển của một cộng đồng, nhưng chỉ trong chừng ấy năm cộng đồng người Việt ở Anh đã chuyển mình mạnh mẽ và vươn lên với đóng góp không nhỏ cho xứ sở Sương mù.

Trong cái nhìn của người dân Anh quốc, cũng giống như nhiều nơi khác trên thế giới, người Việt luôn được đánh giá cao nhờ tinh thần ham học hỏi, cần cù, chăm chỉ, sáng tạo. Họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì để mưu sinh, kể cả với những người vừa mới đặt chân sang nước Anh còn gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ. Do đó, không khó để có thể thấy được hình ảnh những sinh viên Việt Nam trong trang phục bồi bàn, bán hàng hoặc thậm chí tham gia những công việc làm sạch môi trường. Điều này không chỉ đỡ đần chi tiêu tại đất nước được coi là đắt đỏ nhất thế giới mà còn giúp người Việt có cơ hội tiếp xúc với người bản địa nhằm hòa nhập cuộc sống với vùng đất mới nhanh hơn.

Người Việt ở “xứ sở sương mù”

Khán giả Anh thử chơi đàn bầu tại Lễ hội văn hóa Việt Nam tại London hồi tháng 7/2012. (Ảnh: Vũ Kim Thanh)

Tara Pham Dempsey (Phạm Quỳnh Thư), hiện đang là Trợ lý Phó Chủ tịch Ngân hàng Mỹ tại Anh cho biết, chị sang Anh cách đây 16 năm. Khi đó, số lượng du học sinh từ Việt Nam đếm trên đầu ngón tay. Tương tự như nhiều sinh viên khác thời kỳ đó, Thư sang Anh theo diện du học tự túc. Gia đình cũng chỉ thu xếp vừa đủ tiền học phí và ăn ở, còn những chi tiêu khác thì phải tự đi làm thêm để trang trải. Mặc dù điều kiện để đi làm thêm lúc đó rất khó khăn, như là phải được phép từ cơ quan di trú, không được làm quá 20 giờ/1 học kỳ, công việc cũng khá vất vả nhưng hầu hết sinh viên Việt Nam đều tìm cho mình một việc nào đó để làm. Nhờ đó, Quỳnh Thư học hỏi được nhiều kinh nghiệm hơn trong cuộc sống, điều này rất có ích đối với chị đến giờ.

Giống như Thư, nhiều người Việt tại Anh đã tìm được cuộc sống ổn định. Có người tốt nghiệp các đại học lớn như Oxford, Cambridge, Imperial. Một số là kỹ sư làm việc cho các xí nghiệp lớn. Có người là bác sĩ, giáo sư đại học, một số hoạt động trong các ngành kinh doanh như mở siêu thị, xưởng may, lò bánh, mở hàng ăn... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người phải chật vật trong cuộc sống, cũng như phải làm những việc với đồng lương bấp bênh. Thậm chí, vẫn có người còn phải nhờ dựa phần nào vào trợ cấp xã hội.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vẫn gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế nhiều nước trong khu vực, nhiều người Việt tại Anh cũng đang phải đối mặt với những khó khăn về việc làm khi nhiều công ty buộc phải cắt giảm nhân công số lượng lớn. Theo chị Quỳnh Thư, người nước ngoài dĩ nhiên sẽ có những bất lợi hơn so với người bản xứ khi đi xin việc. Chẳng hạn như bộ phận nhân sự phải đưa ra được lý do vì sao công việc đó lại không tìm được người bản xứ thích hợp, rồi phải thêm phí đăng ký visa... 

Tuy nhiên, nếu đáp ứng được những tiêu chuẩn mà công ty tuyển dụng yêu cầu thì cơ hội gần như ngang bằng với những người khác. Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, để giữ được công việc của mình thì mỗi cá nhân đều phải nỗ lực trau dồi kỹ năng, kiến thức mới để không bị tụt hậu. Theo kinh nghiệm của Thư thì những người chủ động, sáng tạo, nghiêm túc và tự tin luôn được đánh giá cao. 

Bên cạnh đó, sự hòa đồng với các đồng nghiệp cũng sẽ làm tăng cơ hội nhận được thiện cảm từ cấp trên. "Mình càng làm tốt thì khả năng bị sa thải sẽ càng thấp" - Thư chia sẻ. Đây cũng là lúc người Việt cần tăng cường đoàn kết, hỗ trợ nhau về thông tin và kỹ thuật, tạo tiếng nói chung và xây dựng hình ảnh tốt đẹp đối với chính quyền nước sở tại.

Theo Quỳnh Chi
Hà Nội Mới