Trung Quốc lần đầu tiên phóng tên lửa từ tàu biển

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Một trang mới được viết trong lĩnh vực không gian của Trung Quốc, công ty tư nhân Orien Space phóng thành công tên lửa Gravity-1 từ một con tàu biển vào ngày 11/1.

Trung Quốc lần đầu tiên phóng tên lửa từ tàu biển - 1

Khoảnh khắc tên lửa Trung Quốc được phóng từ tàu biển.

Phương tiện này hiện đã trở thành tên lửa thương mại mạnh nhất của Trung Quốc và là tên lửa nhiên liệu rắn mạnh nhất thế giới đã hoàn thành sứ mệnh quỹ đạo.

Đồng thời, nó khẳng định vai trò ngày càng lớn của các công ty tư nhân cho các chương trình không gian của nước này. 

Gravity-1 có màn ra mắt đáng chú ý

Tên lửa Gravity-1 đã có màn ra mắt tự hào khi đã thành công mang tải trọng gồm 3 vệ tinh thời tiết thương mại Yunyao-1, nặng 6.500kg lên Quỹ đạo Trái đất thấp (LEO).

Điều này đánh dấu sự khởi đầu cho tham vọng không gian của công ty Orient Space, đang nghiên cứu phát triển hai mẫu tên lửa khác bao gồm Gravity-2 và Gravity-3.

Gravity-2 dự kiến phóng vào năm 2025, sẽ có tầng lõi chạy bằng nhiên liệu lỏng và tên lửa đẩy nhiên liệu rắn. Nó có thể mang tải trọng ước tính 25,6 tấn lên Quỹ đạo Trái đất thấp. Trong khi Gravity-3 là phiên bản mới hơn, dự kiến có tải trọng là 30,6 tấn.

Trung Quốc lần đầu tiên phóng tên lửa từ tàu biển (Nguồn: TF1 info).

Tiến trình này diễn ra trong bối cảnh các chương trình không gian của Trung Quốc đang tăng tốc đáng kể, với trên 67 vụ phóng được thực hiện vào năm 2023. Đặc biệt nhờ sự tham gia ngày càng tăng của các công ty tư nhân vào các sứ mệnh quỹ đạo này.

Mang lại nhiều lợi thế

Một khía cạnh đáng chú ý khác là việc lựa chọn phóng tên lửa từ một con tàu biển có nhiều lợi thế, nó giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến bụi phóng xạ có thể xảy ra. 

Trong trường hợp sứ mệnh thất bại, các tầng tên lửa hoặc các bộ phận khác sẽ rơi xuống đại dương thay vì những khu vực có người ở.

Biện pháp an toàn này rất quan trọng để ngăn ngừa tai nạn tiềm ẩn và bảo vệ tính mạng, tài sản ở các khu vực đông dân cư. 

Tương tự, các vụ phóng từ các cơ sở trong nước thường yêu cầu các vùng cấm bay và mặt đất để đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra sự cố, điều này cũng làm ảnh hưởng đến các chuyến bay chở khách thương mại. 

Ngoài ra, việc sử dụng nền tảng di động như tàu biển, mang lại sự linh hoạt đáng kể trong việc lựa chọn địa điểm phóng.

Trên thực tế, con tàu có thể được bố trí ở vị trí chiến lược ở các khu vực đại dương khác nhau tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ, điều kiện thời tiết và các thông số khác. Điều này mở rộng khả năng góc phóng, cho phép người vận hành chọn quỹ đạo tối ưu để đạt được kết quả mong muốn.