Tìm thấy nước ở hành tinh nóng 2.700 độ C

Minh Khôi

(Dân trí) - Với sự trợ giúp từ Kính viễn vọng Không gian James Webb, hành tinh WASP-18 b lần đầu tiên được lập bản đồ nhiệt và phát hiện có tồn tại nước trên bầu khí quyển.

Hành tinh khí "rực lửa"

Tìm thấy nước ở hành tinh nóng 2.700 độ C - 1

WASP-18 b nằm rất gần ngôi sao chủ, khiến nhiệt độ bầu khí quyển của nó có thể lên tới 2.700 độ C (Ảnh: NASA).

Kính viễn vọng Không gian James Webb vừa tìm thấy dấu vết của hơi nước trong bầu khí quyển của một ngoại hành tinh khí khổng lồ siêu nóng, và ở khá gần Trái Đất.

Ngoại hành tinh này có tên gọi WASP-18 b, nằm cách Trái Đất khoảng 400 năm ánh sáng. Nó lớn gấp 10 lần so với Sao Mộc - hành tinh lớn nhất của Hệ Mặt trời.

Do ở quá gần ngôi sao mẹ, nhiệt độ bầu khí quyển của WASP-18 b cao đến mức hầu hết các phân tử nước đều bị phá hủy. Dẫu vậy với khả năng đáng kinh ngạc của mình, Kính viễn vọng Không gian James Webb vẫn có thể quan sát được những phân tử rất nhỏ còn sót lại.

"Quang phổ tại bầu khí quyển của hành tinh cho thấy nhiều đặc điểm của các phân tử nước nhỏ hiện diện, bất chấp nhiệt độ khắc nghiệt lên tới gần 5.000 độ F (2.700 độ C)", NASA cho biết trong một tuyên bố.

Theo các chuyên gia tại NASA, việc phát hiện thấy bầu khí quyển chứa nước là một dấu hiệu tích cực, cho thấy sự nhạy bén và tần suất hoạt động hiệu quả của James Webb.

WASP-18 b đã không còn quá xa lạ, khi từng được nghiên cứu bởi các kính viễn vọng khác từ năm 2008, bao gồm Kính viễn vọng Hubble, Kính viễn vọng tia X Chandra của NASA, Kính viễn vọng Spitzer...

Tuy nhiên, chỉ có duy nhất James Webb phát hiện thấy dấu tích của nước còn sót lại trên bầu khí quyển của hành tinh.

Khó tồn tại sự sống

Tìm thấy nước ở hành tinh nóng 2.700 độ C - 2

Dấu vết của nước được Kính viễn vọng Không gian James Webb phát hiện trong bầu khí quyển siêu nóng của ngoại hành tinh WASP-18 b (Ảnh: NASA/JPL).

Thông thường, nơi nào có nước, nơi đó có khả năng tồn tại sự sống. Tuy nhiên, WASP-18 b lại sở hữu những điều kiện quá đỗi cực đoan, khiến cho yếu tố này không được các nhà khoa học tin tưởng. Ngoài việc quá nóng, WASP-18 b còn có kích thước quá lớn, và gần với ngôi sao mẹ của nó, WASP-18.

Bên cạnh đó, ngoại hành tinh còn có hiện tượng "khóa thủy triều", nghĩa là một mặt của nó luôn hướng về phía ngôi sao chủ, giống như nửa được nhìn thấy của Mặt Trăng luôn hướng về Trái Đất. Do sự khóa thủy triều, sự khác biệt đáng kể về nhiệt độ tồn tại trên bề mặt hành tinh có thể lên tới gần 2.000 độ C.

Với những dữ liệu thu thập được từ Kính viễn vọng James Webb, các nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona đã có thể lần đầu tiên lập bản đồ nhiệt trên hành tinh WASP-18. Bên cạnh đó, họ cũng đặt ra giả thuyết rằng hành tinh này tồn tại một từ trường rất mạnh.