Mầm bệnh cổ đại từ băng tan có thể gây thảm họa hành tinh

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Theo một nghiên cứu mới, việc giải phóng chỉ 1% các virus, vi khuẩn cổ đại bị mắc kẹt các lớp băng vĩnh cửu của hành tinh có thể đe dọa hệ sinh thái Trái Đất và sức khỏe con người.

Mầm bệnh cổ đại từ băng tan có thể gây thảm họa hành tinh - 1

Trong các lớp băng vĩnh cửu hay sông băng chứa rất nhiều loại virus, vi khuẩn cổ đại và chúng có thể gây ra đại dịch mới cho nhân loại (Ảnh: The Conversation).

Các nhà nghiên cứu cho biết, trong các lớp băng vĩnh cửu hay sông băng có rất nhiều mầm bệnh "du hành thời gian" đã mắc kẹt hàng thiên niên kỷ.

Khi chúng được giải phóng trong quá trình băng tan, có thể làm tăng mối đe dọa đối với môi trường toàn cầu, thậm chí là cả nhân loại.

Cho đến nay, nguy cơ tiềm ẩn đối với các hệ sinh thái hiện đại do vi khuẩn, virus mắc kẹt trong các sông băng đang tan chảy và băng vĩnh cửu rất khó dự đoán.

Các nhà nghiên cứu đã tính toán các rủi ro sinh thái từ việc giải phóng các vi khuẩn, virus cổ đại gây ra.

Họ thực hiện mô phỏng kỹ thuật số cách các mầm bệnh cổ đại "hồi sinh" xâm nhập vào cộng đồng vật chủ giống như vi khuẩn và so sánh tác động của mầm bệnh đối với sự đa dạng của vi khuẩn vật chủ với những vi khuẩn trong cộng đồng, nơi không có sự xâm nhập nào xảy ra.

Kết quả tiết lộ, phần lớn các mầm bệnh cổ đại xâm nhập vào vật chủ có thể tồn tại và tiến hóa trong thế giới hiện đại. Khoảng 3% mầm bệnh có thể "thống trị" trong môi trường mới của chúng và 1% mầm bệnh cho kết quả không thể đoán trước. Đặc biệt, một số mầm bệnh khiến 1/3 số loài vật chủ chết đi.

Mặc dù nguy cơ gây ra bởi 1% mầm bệnh được giải phóng có vẻ nhỏ, nhưng với số lượng vi khuẩn, virus cổ đại thường xuyên "hồi sinh" vào thế giới hiện đại, các nhà nghiên cứu cảnh báo những đợt bùng phát này đại diện cho "mối nguy hiểm đáng kể".

Tiến sĩ Giovanni Strona, Đại học Flinders (Úc), tác giả nghiên cứu cho biết: "Lần đầu tiên, chúng tôi cung cấp một phân tích sâu rộng về những rủi ro gây ra cho các cộng đồng sinh thái hiện đại bởi các mầm bệnh "du hành thời gian" trong băng thông qua các mô phỏng máy tính tiên tiến".

"Chúng tôi phát hiện ra, các mầm bệnh xâm nhập thường có thể tồn tại, tiến hóa và trong một số trường hợp trở nên đặc biệt dai dẳng, chiếm ưu thế trong cộng đồng, gây ra tổn thất hoặc thay đổi đáng kể về số lượng các loài sống", tiến sĩ Strona cảnh báo. 

Những phát hiện của nhóm nghiên cứu cho thấy chúng ta đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa không thể đoán trước do các vi khuẩn bị mắc kẹt trong băng có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng cho hệ sinh thái và con người. 

Tiến sĩ Corey Bradshaw đồng tác giả nghiên cứu chia sẻ: "Kết quả của chúng tôi rất đáng lo ngại, bởi vì chúng chỉ ra một rủi ro thực tế xuất phát từ các sự kiện hiếm hoi mà mầm bệnh hiện đang bị mắc kẹt trong lớp băng vĩnh cửu và các sông băng tạo ra các tác động sinh thái nghiêm trọng".

Theo Bradshaw, trong trường hợp tồi tệ nhất, sự xâm nhập của một mầm bệnh cổ đại duy nhất có thể sẽ giết chết 1/3 cộng đồng vật chủ của nó. 

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLoS Computational Biology.

Nguy hiểm đang chờ đợi

Năm 2003, một loại vi khuẩn cổ đại đã được "hồi sinh" từ các mẫu băng được các nhà khoa học lấy từ đáy lõi băng của cao nguyên Thanh Hải, Tây Tạng, băng ở độ sâu đó đã hơn 750.000 năm tuổi.

Năm 2014, một loại virus zombie khổng lồ (tên khoa học: Pithovirus sibericum) được "hồi sinh" từ lớp băng vĩnh cửu Siberia hơn 30.000 năm tuổi.

Và vào năm 2016, một đợt bùng phát bệnh than (một căn bệnh do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra) ở phía tây Siberia được cho là do sự tan băng nhanh chóng của bào tử B.anthracis trong băng vĩnh cửu. Nó đã giết chết hàng ngàn con tuần lộc và ảnh hưởng đến hàng chục người.

Lần gần đây nhất là tháng 6, các nhà khoa học đã tìm thấy một loài giun cổ đại (tên khoa học: Panagrolaimus kolymaensis), sau khi chúng được "hồi sinh" từ giấc ngủ kéo dài 46.000 năm tại lớp băng vĩnh cửu ở Siberia. Đây là một loài giun đũa đã tuyệt chủng và chưa từng được biết đến trước đây.