COP28: Nơi mục tiêu quan trọng nhất của nhân loại sẽ được thực hiện

Nam Đoàn

(Dân trí) - Hội nghị COP28 là sự kiện quan trọng để các quốc gia hành động, hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Trên thực tế, thế giới đã vượt quá ngưỡng nhiệt này ở một số thời điểm.

COP28: Nơi mục tiêu quan trọng nhất của nhân loại sẽ được thực hiện - 1

COP28 sẽ là nơi các quốc gia hành động và lên kế hoạch thích ứng trước sự nóng lên toàn cầu (Ảnh minh họa: Science et Avenir).

Kể từ năm 2015 và các thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, mục tiêu là kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5⁰C, con số này khó đạt được ngày hôm nay, tuy nhiên nó lại rất quan trọng.

Ngày 12/2/2015, chủ tịch COP21, Laurent Fabius, đã hân hoan tuyên bố về việc các quốc gia, tổ chức trên thế giới cùng nhau ký kết hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trước sự chứng kiến của các nguyên thủ và những nhà ngoại giao vỗ tay cuồng nhiệt.

Cảnh tượng này, được truyền lại cho hậu thế, mang tính lịch sử, bởi vì các thỏa thuận Paris nhằm mục đích tham vọng giảm phát thải khí nhà kính, do đó hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Mục tiêu của thỏa thuận chính là giảm lượng khí thải nhằm ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu của hành tinh ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nó được ví như một cuộc cách mạng trên thế giới. 

Tuy nhiên, cho đến ngày nay, con số này có thể còn rất lâu mới đạt được. Nhiều dự báo từ các tổ chức khí hậu quốc tế và nhà khoa học, cho thấy nhiệt độ trung bình trên thế giới chắc chắn sẽ vượt quá 1,5 độ C. Điều này gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho dân số toàn cầu. 

Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đã chính thức diễn ra vào hôm nay 30/11 với sự tham dự hơn 70.000 đại biểu, trong đó có hơn 100 người đứng đầu nhà nước và chính phủ.

COP28 là sự kiện để các bên tham gia Công ước thống nhất cách giải quyết các vấn đề cần làm ngay để chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt chính là mục tiêu giảm sự nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C.

Hậu quả ít nghiêm trọng hơn

Giám đốc nghiên cứu về khí hậu, Davide Faranda, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) giải thích: "Để xác định mức độ nóng lên toàn cầu, chúng ta cần xem xét những thay đổi trong hệ sinh thái và dân số loài người. Sau đó, đối chiếu nó với một số tiêu chí liên quan, đặc biệt là nhiệt độ tối đa, sự thay đổi về lượng mưa và độ ẩm trong đất ở nhiều khu vực". 

COP28: Nơi mục tiêu quan trọng nhất của nhân loại sẽ được thực hiện - 2

70.000 đại biểu, trong đó có hơn 100 người đứng đầu nhà nước và chính phủ sẽ tham gia COP28 tại UAV (Ảnh: RFI).

Ở nhiệt độ tăng 1,5 độ C, các chỉ số này thay đổi, hậu quả dẫn đến các hiện tượng khí hậu cực đoan, tác động đáng kể đến dân số và hệ sinh thái.

Minh chứng cho điều này chính là những ảnh hưởng thời tiết xảy ra vào năm nay, các đợt nắng nóng chết người ở Brazil, bão và thậm chí cả lốc xoáy nhiệt đới xảy ra nhiều khu vực trên thế giới. 

Davide Faranda khẳng định: "Việc mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5⁰C, thực tế đã được ghi nhận ở một số thời điểm, đặc biệt do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đang diễn ra". 

Davide Faranda giải thích: "Đó là ngưỡng an toàn. Chúng ta có thể sống ở nhiệt độ tăng 1,5 độ C mà cơ thể vẫn có thể thích nghi. Nếu vượt quá ngưỡng này vĩnh viễn, con người sẽ phải thích nghi nhiều hơn nữa với điều kiện sống khắc nghiệt".

Xuất hiện những tác động đáng kể

Con số 1,5 độ C này không nên được coi nhẹ đối với hành tinh. Năm 2019, Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC), cho thấy tác động của sự nóng lên như vậy, nhiệt độ cực đoan trong những ngày nắng nóng có thể tăng 3 độ C ở vĩ độ trung bình, khiến toàn cầu nóng lên 1,5 độ C.

Trong số các dự báo của IPCC, nếu nhiệt độ được giới hạn ở mức 1,5 độ C trong thế kỷ 21, mực nước biển sẽ tiếp tục tăng sau năm 2100. Dự kiến sẽ có sự gia tăng nhiệt độ cực đoan ở nhiều khu vực cũng như tăng tần suất, cường độ mưa bão.

Vào ngày 20/11, Liên Hợp Quốc cảnh báo, các cam kết về khí hậu của các quốc gia trên thế giới đã đẩy hành tinh này vào quỹ đạo nóng lên thảm khốc lên tới 2,9 độ C trong thế kỷ này, do chúng ta chưa thực sự hành động quyết liệt". 

Những ngày trước khi diễn ra COP28, mức nhiệt độ cơ bản đã tăng trung bình 2 độ C, thậm chí tại đất nước Turkmenistan đã ghi nhận nhiệt độ kỷ lục, tăng 10 độ C.

IPCC mô tả ở nhiệt độ tăng 2 độ C, mực nước đại dương tiếp tục dâng cao, nguy cơ hạn hán, lốc xoáy và lượng mưa lớn sẽ lớn hơn. 

Các nhà khí hậu học ước tính, khi nhiệt độ tăng 3-4 độ C, hành tinh này không thể là nơi sinh sống của 8 tỷ người. Hội nghị COP28 sẽ tạo điều kiện để thảo luận "giảm đáng kể lượng khí thải và kế hoạch thích ứng của nhân loại".