TPHCM khuyến khích phát triển du lịch đường thủy

(Dân trí) - Để tạo cơ chế cho du lịch đường thủy nội địa phát triển, UBND TPHCM vừa ban hành Quy định quản lý hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thành phố quy định rõ các quy tắc làm cơ sở để hình thành và phát triển hệ thống phương tiện vận tải du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố. Cụ thể, quy định trên quy định rõ các yếu tố như: Điều kiện về cảng, bến khách du lịch đường thủy, khu vực neo đậu; Đăng ký, đăng kiểm, và điều kiện an toàn, kỹ thuật phương tiện vận tải hành khách du lịch đường thủy; Quyền và trách nhiệm của chủ cảng, bến khách du lịch, khu vực neo đậu, của chủ phương tiện và người khai thác phương tiện, của thuyền viên và người lái phương tiện, của nhân viên phục vụ trên phương tiện…

Trong quy định này, thành phố cũng xác định nguyên tắc quản lý chung trong hoạt động du lịch đường thủy là khuyến khích các nhà đầu tư tham gia khai thác các cơ sở hạ tầng du lịch đường thủy, điểm du lịch văn hóa, lịch sử nhằm phục vụ phát triển du lịch đường thủy. Tuy nhiên, phát triển du lịch đường thủy phải đảm bảo an toàn, trật tự, vệ sinh và văn minh.

Du lịch đường thủy sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của TPHCM trong thời gian tới
Du lịch đường thủy sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của TPHCM trong thời gian tới

Với lợi thế có nhiều tuyến đường sông trọng yếu giao kết với cả miền Đông lẫn miền Tây, có nhiều tuyến kênh lớn băng ngang trung tâm thành phố, giao thông đường thủy là một thế mạnh mà TPHCM đang muốn phục hồi. Định hướng phát triển du lịch đường thủy đã được thành phố xác định cách đây vài năm.

Sau khi việc cải tạo 2 dòng kênh lớn đi qua trung tâm tâm là Bến Nghé - Tàu Hủ và Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoàn tất, thành phố xác định đây là cơ hội tốt để phát triển ngành du lịch. Do đó, năm 2014 đã được TPHCM xác định là năm tập trung quảng bá du lịch đường thủy và định hình nên ngành này.

Để thực hiện quy định trên, UBND TP giao Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch làm cơ quan thường trực tổ chức thực hiện; chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các thuyền viên, người lái phương tiện; chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng, tiêu chuẩn dịch vụ phục vụ khách.

Ngoài ra, Sở VH-TT&DL cũng chịu trách nhiệm phối hợp với Sở GTVT và các cơ quan có liên quan kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định về đảm bảo an toàn cho khách du lịch của các phương tiện và tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy…

Để khai thông hiệu quả dòng chảy và vệ sinh môi trường nước trên toàn lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông đường thủy, UBND TP cũng vừa ban hành kế hoạch tổ chức vớt lục bình, rác thải, rong cỏ tại các sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, UBND TP giao cho Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM chịu trách nhiệm đối với các tuyến sông, kênh, rạch có chức năng phục vụ thoát nước; Sở GTVT chịu trách nhiệm đối với các tuyến sông, kênh, rạch có chức năng phục vụ giao thông thủy.

Sở Tài nguyên - Môi trường chịu trách nhiệm đối với các tuyến kênh đang chỉnh trang như kênh Đôi - kênh Tẻ, Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM chịu trách nhiệm đối với các tuyến kênh có chức năng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc hệ thống công trình thủy lợi Hóc Môn – Bắc Bình Chánh, kênh Đông (Củ Chi)…

Tùng Nguyên